Saigon 247

Saigon 247

2019-09-18 09:02:11

Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Nhiều sai phạm cần làm rõ tại khu du lịch Bàu Trắng

Khu du lịch Bàu Trắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) được mệnh danh là “tiểu Sahara Việt Nam” với vẻ đẹp thơ mộng của những đồi cát hoang sơ hòa quyện cùng mặt hồ yên ả, êm đềm. Ngoài ra, đây còn có giá trị rất lớn về sinh thái, môi trường. Thế nhưng, thời gian qua với kiểu khai thác, quản lý cẩu thả, lợi ích nhóm, phó mặc cho doanh nghiệp quen biết, cấm cản người dân có nhu cầu thực tế tham gia đầu tư phát triển, đang có nguy cơ “chết dần” nếu không được các cơ quan chức năng làm rõ.

Bài 1: Những khuất tất trong việc cưỡng chế, thu hồi đất của người dân

Bỗng nhiên cưỡng chế?

Theo đơn khiếu nại mà ông Nguyễn Bình Phúc và vợ là bà Trần Thị Bảy gửi đến các cơ quan chức năng và các cơ quan thông tấn báo chí gần đây cho thấy:

Năm 2011, vợ chồng ông Phúc, bà Bảy nhận thấy một khu vực đất diện tích trên 5ha đất trống, đồi trọc tại khu vực Bàu Trắng, thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận không ai sử dụng thì ông bà đã làm kế hoạch trồng dương, trồng dừa, phát triển nông lâm kết hợp du lịch. Ông bà đã tiến hành làm hồ sơ xin thuê đất và phê duyệt phương án đầu tư đầy đủ theo quy định của nhà nước.

Năm 2012, hồ sơ được UBND xã Hòa Thắng xác nhận và có các tờ trình lên các cấp cao hơn, nội dung là kiểm tra khảo sát vào đồng ý phương án cho ông Phúc và bà Bảy thuê đất vì sử dụng đúng mục đích và góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan cho khu du lịch.

UBND xã Hòa Thắng liên tiếp gửi 2 tờ trình trong 2 năm 2012 và 2013 về việc đồng ý cho ông Phúc và Bảy thuê đất (Ảnh: Vũ- Bảo)

UBND huyện Bắc Bình đã 5 lần khảo sát thực địa theo quy định và có các văn bản số 1781/UBND-SX ngày 4/11/2013 và số 165/UBND-SX ngày 5/2/2015 nội dung thống nhất cho ông Phúc và bà Bảy thuê đất theo dự án nêu trên. Ngày 24/2/215, Phòng tài chính và Kế hoạch huyện Bắc Bình cũng có văn bản số 62/CV-TC-KH thống nhất thông ua dự án của ông bà.

Thậm chí năm 2017, UBND huyện Bắc Bình có văn bản số 576/UBND-BTCT ngày 12/4/2017 đề nghị Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bắc Bình xúc tiến cho ông Phúc và bà Bảy thuê đất.

CV của UBND huyện Bắc Bình nhắc nhở phòng TN-MT xúc tiến giải quyết cho bà Bảy thuê đất (Ảnh: Vũ- Bảo)

Tuy nhiên không biết vì lý do gì, từ khi nhận được các chỉ đạo đến nay, phòng Tài nguyên & Môi trường vẫn im hơi lặng tiếng, không thi hành chỉ đạo của cấp trên cũng không phúc đáp cho người dân. Đùng một cái ngày 15/5/2019, phòng này lại đến khu đất trên lập biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC cho rằng ông Phúc và bà Bảy lấn chiếm diện tích đất 57.903,8 m2 vào tháng 6/2016. Sau đó tham mưu cho UBND huyện Bắc Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu.

Vì cả quá trình xử phạt và ra quyết định cưỡng chế là hết sức phi lý nên vấp phải sự phản đối của người dân và dư luận. Ngày 3/7/2019, chủ tịch UBND huyện Bắc Bình tiếp tục ra một quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 51/QĐ-CCXP ngày 3/7/2019 thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 37/QĐ-XPVPHC ngày 13/6/2019 tuy nhiên vẫn chưa thể thực hiện.

Cưỡng chế để đốn bỏ cây xanh, phá dỡ cảnh quan, trả lại hiện trạng đồi trọc?

Trước câu hỏi này của phóng viên, ông Nguyễn Thúc Phước Hải, chánh văn phòng UBND huyện Bắc Bình cho biết : “đành phải làm vậy để làm gương, vì KDL Bàu Trắng đây là khu danh lam thắng cảnh vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận, không ai được phép xâm lấn”.

PV thoạt đầu không thể tin được đây là sự thật lời nói được thốt ra từ miệng của một cán bộ quản lý cấp cao của một huyện. Nếu đây là quan điểm chung của Ban lãnh đạo huyện Bắc Bình thì quả là … nhức nhối.

Quang cảnh khu vực UBND huyện ra quyết định khắc phục hậu quả, cưỡng chế (Ảnh: Lê Vũ)
Quang cảnh khu vực UBND huyện ra quyết định khắc phục hậu quả, cưỡng chế (Ảnh: Bảo Trần)

Việc UBND huyện Bắc Bình ra quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả, chặt phá toàn bộ cây dương, dừa, phá dỡ lối đi và các công trình cảnh quan khác với lý do “làm ảnh hưởng xấu đến KDL, gây hoang mang dư luận….” thực tế đã đi ngược hoàn toàn với lợi ích chung. Việc ông Phúc và bà Bảy trồng dương, trồng dừa, cải tạo cảnh quan từ năm 2011 là việc phục hóa, phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường, theo quan sát của nhóm PV khung cảnh đường dẫn xuống hồ Bàu Trắng được lát đá tỉ mỉ, sạch đẹp, cây cối trồng ngay ngắn xanh sạch, không hề có rách thải, bờ hồ cũng không hề bị xâm lấn. Vậy việc cưỡng chế bao gồm chặt hết cây cối, dỡ lối đi, khác nào trở thành việc phá nát cảnh quan, biến khu vực này của Bàu Trắng trở về đồi trọc hoang hóa như trước. (hay là sau đó BQL khu du lịch lại xin huyện kinh phí chục tỷ đồng để trồng cây, cải tạo cảnh quan mà mới đây cán bộ yêu cầu phá nát?).

KLD Bàu Trắng thực chất vẫn đang cho tư nhân thuê kinh doanh các dịch vụ phía trong với quang cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh (Ảnh: Vũ - Bảo)
KLD Bàu Trắng thực chất vẫn đang cho tư nhân thuê kinh doanh các dịch vụ phía trong với quang cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh (Ảnh: Lê Vũ- Bảo Trần)

Việc chánh văn phòng UBND huyện Bắc Bình trả lời với phóng viên là do đây là khu đất thuộc KDL Bàu Trắng nên thu hồi theo tinh thần khu du lịch vừa được Bộ công nhận cũng hoàn toàn không thỏa đáng. Bộ VH-TT-DL vừa ban hành quyết định xếp hạng di tích quốc gia cho danh lam thắng cảnh Bàu Trắng ngày 3/9/2019 tức là chỉ cách đây vài hôm làm sao có thể căn cứ vào đó để ra các quyết định xử phạt và cưỡng chế trước đó. Nếu nói như vậy thì UBND huyện càng phải thu hồi, xử phạt và cưỡng chế các khu du lịch Như Trung, Triều Trang … đang hiện hữu với sự ưu ái của UBND huyện.

Tại sao người dân địa phương, với nhu cầu chính đáng, tuân thủ, hoàn thành đầy đủ các yêu cầu của pháp luật thì luôn bị làm khó, cản trở trong khi lại ưu ái các doanh nghiệp du lịch từ nơi khác đến kinh doanh theo kiểu chụp giựt, đầu tư tạm bợ? Câu hỏi này xin UBND xã Bắc Bình, BQL KDL Bàu Trắng?

Chúng tôi sẽ tiếp tục loạt bài điều tra cụ thể và gửi đến bạn đọc thông tin sớm nhất về sự việc này.