largeer

An Nhiên

An Nhiên

2022-06-18 19:45:00

HƯỞNG ỨNG CHƯƠNG TRÌNH "BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC: CÔN ĐẢO - Nơi đầu tiên của Việt Nam thành công bảo tồn rùa biển

Rùa biển (Chelonioidea) là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và đang được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam quan tâm bảo vệ.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hành động bảo tồn các loài rùa biển trong đó Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công chương trình này.Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo là nơi có nhiều loài thú quý hiếm và được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam như sóc đen Côn Đảo, sóc Mun, bồ câu Nicoba, chim Gầm Ghì trắng, mỹ nhân ngư - Dugong và đặc biệt là rùa biển.

Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQG Côn Đảo, từ năm 1987, huyện Côn Đảo đã có thông báo cấm di chuyển các loại thú rừng, đồi mồi, rùa biển kể cả các sản phẩm được chế biến từ các loài thú đó ra khỏi Côn Đảo. Năm 1989, huyện Côn Đảo ban hành Chỉ thị về việc bảo vệ ngư trường, tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các bãi biển và vùng biển xung quanh Côn Đảo. Năm trạm kiểm lâm được thành lập ở các đảo nhỏ có rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp, khai thác trái phép rùa biển.

Lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo thực hiện di dời trứng rùa vào bãi ấp.

Lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo thực hiện di dời trứng rùa vào bãi ấp.

Trạm bảo tồn rùa biển được thành lập còn nhằm mục đích nghiên cứu những đặc tính sinh thái và đặc tính sinh vật học để bảo tồn rùa biển hơn; đồng thời, đưa ra các giải pháp bảo tồn hiệu quả và giảm thiểu tối đa các động bất lợi của tự nhiên và con người đến rùa biển. Đến năm 1994, Côn Đảo là nơi đầu tiên triển khai một cách có hệ thống chương trình bảo tồn rùa biển, thông qua việc nghiên cứu các đặc tính sinh thái và mô hình – phương pháp bảo tồn rùa biển.

Năm 1996, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tài trợ cho VQG Côn Đảo thực hiện dự án “Bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại Côn Đảo”. Năm 2016, WWF tiếp tục tài trợ ngân sách cho 10 cán bộ tham gia khóa đào tạo và tham quan về bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển tại Philippines và Malaysia. Từ đó, công tác bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo được thiết lập lại một cách bài bản, khoa học hơn.

Cụ thể, trước đây rùa biển được đeo thẻ nhựa thì sau đó được đeo thẻ monel để không bị rớt trong hành trình di cư dưới biển. Ngoài ra, rùa còn được đeo máy theo dõi qua vệ tinh để biết quá trình di chuyển. Thông qua việc đeo thẻ monel cho rùa mẹ, các nhà nghiên cứu có thể thống kê được lượng rùa lên bãi hàng năm, tăng hay giảm đàn và chứng tỏ thêm một điều là hệ sinh thái biển tại đây rất tốt, an toàn cho việc thích nghi của rùa biển.

Trước đây, khi rùa đẻ trứng, những người làm công tác bảo tồn không di dời trứng đi nơi khác thì tỷ lệ nở chỉ đạt 27%, nhưng theo đào tạo của WWF việc di dời tổ trứng khỏi khu vực ngập nước, thì tỷ lệ nở đạt đến 80%. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hàng năm, Côn Đảo nhận được số lượng rùa biển đến làm tổ và sinh sản lớn nhất trong nước với khoảng 700 con/năm, tỷ lệ trứng nở trên 80%, tăng gấp đôi so với trước năm 2016.

Nhiều năm qua, bảo tồn rùa biển đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục và được sự ủng hộ, chung tay góp sức của người dân cũng như chính quyền các cấp tại Côn Đảo. Bên cạnh đó, nhằm truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ rùa biển, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn rùa biển, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Côn Đảo được thực hiện như: sản xuất phim tài liệu, phóng sự, bảng tuyên truyền, pa-nô, áp phích về bảo vệ rùa biển và ký cam kết bảo vệ rùa biển tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện; phổ biến tài liệu giáo dục về bảo tồn rùa biển trong các cấp tiểu học, trung học cơ sở và khách du lịch, cộng đồng cư dân trên đảo.

Đặc biệt, VQG Côn Đảo còn triển khai dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo giai đoạn 2017-2020 trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Ban Quản lý VQG Côn Đảo còn phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort triển khai phương án phục hồi và bảo tồn bãi rùa đẻ tại Đất Dốc với số rùa con được cứu hộ, quản lý thả về biển trong là 192.302 cá thể.

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQG Côn Đảo cho biết, VQG Côn Đảo hiện có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng, mùa đẻ trứng tập trung từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Đến nay, hoạt động bảo vệ rùa biển đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp của toàn thế giới. Ngoài ra, các điểm bảo tồn rùa đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách đến với Côn Đảo, góp phần kích cầu phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

https://www.baobariavungtau.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202206/huong-ung-chuong-trinh-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-con-dao-noi-dau-tien-cua-viet-nam-thanh-cong-bao-ton-rua-bien-953414/