HTX Thuận Yến - Cần Giờ: Vượt thách thức tăng doanh thu, vươn mình ra biển lớn
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã (HTX) Thuận Yến cho biết: Hiện nay, HTX đang xây dựng thêm nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao như: Nuôi tôm, trồng dưa lưới… HTX luôn hướng dẫn, nhân rộng mô hình có hiệu quả đến với bà con nông dân, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia HTX.
Được thành lập từ năm 2011, Hợp tác xã (HTX) Thuận Yến, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh chuyên cung cấp ra thị trường sản phẩm yến sào và khô cá dứa, tôm công nghệ cao, dưa lưới… đến nay sản lượng yến mỗi năm thu hoạch trên 100kg, năm 2020 doanh thu từ các sản phẩm của HTX ước đạt khoảng 11,3 tỷ đồng tăng 7 tỷ đồng so với doanh thu năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch HĐQT HTX Thuận Yến.
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã (HTX) Thuận Yến cho biết: Hiện nay, HTX đang xây dựng thêm nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao như: Nuôi tôm, trồng dưa lưới… HTX luôn hướng dẫn, nhân rộng mô hình có hiệu quả đến với bà con nông dân, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia HTX. Ngoài ra, HTX Thuận Yến làm đầu mối kết nối để hỗ trợ, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên của HTX, hỗ trợ, giúp thành viên tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn. Mặt khác, người tiêu dùng và du khách có thể mua đúng sản phẩm chất lượng.
Đối với sản phẩm tổ yến, HTX Thuận Yến đã hỗ trợ thành viên sơ chế, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu để cung cấp cho thị trường. Cá dứa sản lượng sản xuất bình quân 12,6 tấn/năm. Là người có thâm niên hơn 10 năm đầu tư vào việc nuôi tôm, bà Nhiệm cho biết: Hiện tại HTX Thuận Yến đang triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm mới được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM. Với kinh nghiệm nuôi tôm truyền thống người dân cần phải kết hợp với những kỹ thuật nuôi tôm mới, giá trị kinh tế cao hơn, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư cho mô hình nuôi tôm mới này. Kỹ thuật nuôi tôm truyền thống có tỷ lệ thất bại rất cao. Nhưng khi ứng dụng công nghệ mới thì rủi ro sẽ thấp hơn vì mình có thể kiểm soát được môi trường là điều kiện rất quan trọng để nuôi tôm thành công.

“Tôi hy vọng, sau vài vụ tôm thành công, đến nay có thể chuyển giao công nghệ mới này cho nông dân để triển khai. Mô hình nuôi tôm này sử dụng nhà màng nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi. Nước thải của hồ nuôi được xử lý tuần hoàn lại hồ nuôi, các chất thải khác được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng”.
Các hoạt động hỗ trợ của HTX Thuận Yến đối với thành viên là ứng vốn trước bằng con giống và vật tư nuôi trồng với tiêu chí “bán lẻ theo giá sỉ” cho các thành viên để giảm được chi phí sản xuất… Lập kế hoạch sản xuất cho từng thành viên và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho các thành viên sản xuất; giám sát, kiểm tra định kỳ để đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hóa đưa ra người tiêu dùng. Xây dựng thương hiệu, xây dựng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm tôm thẻ, dưa lưới, cá dứa nhằm giúp các thành viên từng bước thích ứng với mô hình sản xuất công nghệ cao, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Mục tiêu hoạt động của HTX là phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của thành phố và đặc điểm của địa phương. Góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và các hộ sản xuất lân cận, qua đó thực hiện thành công chủ trương của Nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên, cộng đồng và có khả năng mở rộng thành viên.
Tăng thu nhập bình quân cho thành viên và người lao động từ 5-10%. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho thành viên và người lao động hàng năm. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng HTX tiên tiến, hiện đại. Đảm bảo đủ năng lực để tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bà Nhiệm cũng chia sẻ về định hướng phát triển của HTX trong thời gian tới: Dựa vào vị trí địa lý, thổ nhưỡng, môi trường và định hướng phát triển của huyện Cần Giờ, HTX đã lựa chọn cả 3 đối tượng nuôi là cá dứa, tôm thẻ chân trắng và chim yến, trong đó duy trì sản phẩm chủ lực là cá dứa nước lợ nổi tiếng của đất Cần Giờ và con tôm thẻ.
Đối với con cá dứa sẽ xây dựng được thương hiệu sản phẩm khô cá dứa một nắng huyện Cần Giờ, mang tính cạnh tranh và tính hiệu quả cao, gia tăng giá trị hàng hóa mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ thành viên, giúp họ mạnh dạn đầu tư và phát triển lâu dài cho nghề nuôi cá dứa. Đối với sản phẩm tổ yến tiếp tục xây dựng thương hiệu nhãn hàng yến sào Thuận Yến trên cơ sở tổ chức gia công, chế biến cho sản phẩm là tổ yến thô của các thành viên HTX, tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua Hiệp hội nghề yến và khai thác 2 nhà nuôi yến hiện hữu.
Đối với tôm thẻ chân trắng HTX đã cùng với Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao xây dựng và triển khai thực hiện “Dự án đầu tư thực nghiệm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh”, tạo sự hấp dẫn với các hộ dân do lợi ích của nông nghiệp công nghệ cao mang lại, sẵn sàng đầu tư vùng nuôi hoặc chuyển giao công nghệ tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ trong giai đoạn 2020 -2025 với mục tiêu: Sản xuất ra sản phẩm tôm sạch, giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Tiếp nhận công nghệ, bao gồm vốn và nguồn nhân lực để thực hiện tự động hóa từng phần quy trình sản xuất công nghệ cao (đo quan trắc tự động, hệ thống xử lý lọc nước tuần hoàn trong quy trình nuôi…). Chưa có quy định cụ thể về định mức vay xây dựng hạ tầng nuôi công nghệ cao trên đất nông nghiệp nên HTX phải hoãn việc phát triển thêm diện tích nuôi vì liên quan đến vốn vay hỗ trợ lãi suất cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng.
HTX đã xây dựng xong quy trình VietGAP, thông tin mã vạch và truy xuất nguồn gốc của các loại sản phẩm tôm thẻ tươi, khô cá dứa, dưa lưới. Riêng tôm thẻ đã đăng ký thành công hồ sơ OCOP cho sản phẩm tôm thẻ tươi. HTX đang tìm kiếm cơ hội cho việc phát triển tự động hóa từng phần, dần tự động hóa toàn phần nhằm giảm tối thiểu lao động phổ thông, tăng nguồn lao động được đào tạo nghề từ các trường cao đẳng và đại học. Đề xuất hỗ trợ xây dựng giao thông nội đồng, khai thông nạo vét hệ thống kênh cấp từ sông lòng tàu vào khu vực sản xuất.