largeer

Sư Tử

Sư Tử

2021-09-06 16:57:00

HTX Thăng Bình - Đăk Lăk: Đẩy mạnh chuỗi liên kết, xác định chế biến là “cứu cánh” lâu dài

Bên cạnh tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư, việc tổ chức, liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành ở HTX Thăng Bình. Từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa, mở ra cánh cửa phát triển nông nghiệp bền vững và ổn định.

Krông Bông là một huyện nghèo của tỉnh Đăk Lăk, với tỷ lệ nông dân chiếm 90% dân số toàn huyện. Thực tiễn cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính “phong trào”, cung luôn vượt cầu, việc bảo quản chế biến còn hạn chế, chưa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sự hình thành các tổ chức HTX nông nghiệp sẽ giúp các nông hộ giải quyết những hạn chế mà họ chưa làm được. Vì thế, năm 2013, 10 nông dân tại xã Cư Kty mạnh dạn liên kết, phát triển thành HTX hỗ trợ nhau sản xuất, lập kế hoạch bám sát với nhu cầu của thị trường, làm đầu mối trung gian thu mua,… Cũng từ đây mà vùng đất này đã sản sinh ra nhiều triệu phú nông dân.

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình cho biết: Để thực hiện vai trò là “bà đỡ” cho nông dân, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Mía đường Đắk Lắk, Công ty Mía đường 333, Công ty Chế biến tinh bột sắn Krông Bông, Công ty Phân bón Lộc trời An Giang,… nhằm cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất mía giống và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, doanh thu năm 2020 của HTX đạt hơn 15 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận trên 379 triệu đồng.

Empty

Niên vụ năm 2020, HTX đã cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vốn sản xuất cho hơn 400 hộ dân trong vùng gần 6 tỷ đồng; xây dựng vùng mía nguyên liệu trên 200 ha và cung ứng cho nhà máy trên 11 nghìn tấn mía cây.

Không chỉ liên kết nội vùng, HTX và các thành viên cũng đã quen với tư duy “liên kết cùng phát triển” trong sản xuất nông nghiệp khi kết nối với các đối tác ngoài tỉnh.

Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 50 ha đến nay đã lan tỏa đến nông dân các xã Hòa Lễ, Hòa Tân, Yang Reh bắt tay cùng HTX sản xuất giống lúa RVT, ST24, OM49, OM 5451, Đài Thơm 8 trên 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cánh đồng lớn đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của “4 nhà”, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp.

Theo ông Sơn, việc liên kết này giúp doanh nghiệp liên kết tự tin chào hàng xuất khẩu ra các thị trường khó tính nên giá thu mua đối với các vùng sản xuất cũng được thương lượng cao hơn từ 150 - 200 đồng/kg lúa. Lợi nhuận mang lại từ mô hình này cao hơn so với trước đây từ 12 - 18%, đảm bảo lợi nhuận thu được của nông dân trên 40% chi phí sản xuất.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, ông Phan Công Hảo ở thôn 2, xã Cư Kty, thành viên HTX đã mạnh dạn đưa vào gieo sạ thí điểm 3.000 m2 lúa giống ST24 - giống lúa xuất khẩu có năng suất và chất lượng cao.

Do đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật kèm theo hạn chế sử dụng các phân bón hóa chất, ông Hảo thu được 12 tấn/ha, cao hơn các loại giống thường từ 3 - 4 tấn/ha và được HTX bao tiêu với giá 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, mỗi ha, ông Hảo chỉ sử dụng 150kg giống, so với các loại giống khác giảm được 50kg/ha nên gia đình ông đã thu về được khoản thu nhập khá.

Để người dân yên tâm liên kết sản xuất, HTX Thăng Bình đầu tư máy móc, công cụ sạ hàng, vật tư nông nghiệp phục vụ các bước lên luống, làm thửa, sạ, bón phân, thu hoạch, qua đó giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Sơn, Krông Bông có điều kiện tự nhiên khá phù hợp cho phát triển mía đường, tuy nhiên biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch nên khả năng tích đường của mía trồng ở đây thấp so với miền Trung và Bắc bộ.

Bên cạnh những cơ hội, lĩnh vực trồng mía được cho là đang gặp những thách thức lớn, đòi hỏi HTX phải nỗ lực tháo gỡ rào cản, mở thêm “cửa” để nông sản chinh phục được các thị trường khó tính…

Đứng trước khó khăn đó, HTX Thăng Bình vẫn được coi là “thủ phủ” của cây mía. Hiện nay, diện tích mía ở HTX ổn định sản xuất từ 200 ha, đáp ứng đầy đủ nguồn giống mía cho các vùng nguyên liệu trong vùng.

Đáng mừng, năm 2019, HTX đã được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống sơ chế, sấy, xay xát, đóng gói nhằm phát triển các mặt hàng lúa gạo, trái cây, mía chất lượng cao. Đây là nguồn hỗ trợ thiết thực, kịp thời để HTX tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa, đưa các sản phẩm lúa gạo, mía đường của địa phương đến tận tay người tiêu dùng thay vì xuất bán nguyên liệu như trước đây.

Empty

Nhờ sự tổ chức quản lý tốt trong việc thâm canh giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, cải tiến máy móc, giảm chi phí sản xuất, vụ mía tháng 3 vừa qua, người trồng đã không còn thua lỗ như trước mà đã có lãi 1,2 triệu đồng/tấn mía.

HTX chuyển hướng sang chế biến sản phẩm mía sạch dùng cho ăn tươi và ép thành nước uống giải khát, xây dựng cơ sở chế biến thành mật mía nguyên chất, đường bánh vàng, tiếp tục khảo sát thị trường, xây dựng nhãn hiệu, đưa vào sản xuất và cung ứng thị trường.

Cũng chính sự linh hoạt trong sản xuất, từ vùng lúa nguyên liệu thương phẩm trước đây, nay đã được HTX đầu tư chế biến chuyên sâu, cho ra đời sản phẩm gạo sạch “Thăng Bình HTB”. Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng gạo HTX vẫn có mặt rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán 155.000 đồng/5kg.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Giám đốc Võ Văn Sơn cho rằng, để ổn định vùng nguyên liệu, cần khuyến khích bà con tham gia vào HTX nông nghiệp nhằm mở rộng diện tích, từ đó HTX sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp, Nhà nước tập trung đầu tư chế biến sâu hỗ trợ lại cho các thành viên phát triển.

Gần 10 năm qua, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (thôn 2, xã Cư Kty, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) đã có những bước tiến đáng kể, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 4-4,5%/năm. Việc đẩy mạnh chuỗi liên kết và chế biến sâu giúp nông sản của HTX vượt nhiều rào cản, tăng sức cạnh tranh, chinh phục thị trường.