largeer

An Nhiên

An Nhiên

2021-11-22 16:10:00

HTX Phước Thiện Bình Phước: Nâng giá trị thương hiệu mít ruột đỏ từ chương trình OCOP

“Với mong muốn xây dựng thương hiệu đặc trưng cho địa phương, năm 2017, chúng tôi đã tiến hành gửi mẫu sản phẩm mít ruột đỏ PT79. Sau đó, HTX nhờ cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tham gia Chương trình OCOP để các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường”, anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện cho biết.

Với mục tiêu phát triển các giống cây trồng mới tiềm năng, có lợi thế của địa phương, những năm qua, HTX thương mại – dịch vụ Phước Thiện (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) đã nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho giống mít ruột đỏ PT79.

Từ đó, nâng cao giá trị trái cây qua chương trình OCOP, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân.Trên địa bàn huyện Bù Đốp, HTX Phước Thiện được coi là một trong những lá cờ đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến chuỗi quy trình khép kín từ sản xuất, canh tác, thu hoạch, chế biến sâu…

Empty

Gắn bó trên đất Bình Phước từ nhỏ, anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện biết rất rõ các giống cây ăn quả được trồng tại địa phương này. Từng có nhiều năm đứng ra làm đơn vị liên kết và thu mua hoa quả tươi, anh thấy rằng bà con nơi đây chủ yếu canh tác manh mún, thiếu hiểu biết khoa học kỹ thuật, trồng các loại giống không có truy xuất, giống bị nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn, chất lượng không được nổi trội, ít tính cạnh tranh trên thị trường nên giá trị thu lại không đáng kể.

Khi đó, anh Nguyễn Viết Vị và một số cộng sự đã thực hiện thành công nghiên cứu, lai tạo giống mít ruột đỏ mang thương hiệu PT79 (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận), mang về gieo nông phẩm trên miền đất hứa biên giới Bù Đốp.

Với 22 thành viên, HTX đang tập trung chuyên canh mít ruột đỏ PT79, vú sữa Hoàng Kim, ổi Trân châu ruột đỏ… trên diện tích 500 ha, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân hơn 8 triệu đồng/tháng.

Đến nay, HTX đã liên kết với 150 hộ nông dân trồng hơn 1.000 ha cây mít ruột đỏ. Cùng với đó, HTX đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên 3.000 ha cây chuyên canh để tạo vùng nông sản, vươn ra thị trường quốc tế đến nhà máy.

Đây là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 15-18 tháng đã cho quả, trọng lượng từ 15-25kg/quả, thu lãi 500 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí… Theo đó, nhiều thành viên và nông dân liên kết đã trồng từ vài trăm đến hàng ngàn ha cây mít ruột đỏ vì nhận được sự đảm bảo, cam kết thu mua, tiêu thụ từ HTX Phước Thiện.

“Với mong muốn xây dựng thương hiệu đặc trưng cho địa phương, năm 2017, chúng tôi đã tiến hành gửi mẫu sản phẩm mít ruột đỏ PT79. Sau đó, HTX nhờ cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tham gia Chương trình OCOP để các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường”, anh Vị cho biết thêm.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, HTX Phước Thiện đã mạnh dạn mở rộng đầu tư xây dựng xưởng chế biến, hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây quy mô 5ha và cho ra thị trường sản phẩm mít tươi hút chân không và mít sấy lạnh với sản lượng 5 tấn múi/tháng.

Từ những định hướng đúng đắn này, bước đầu HTX đã đàm phán và ký kết hợp đồng thành công với doanh nghiệp thu mua tại Hà Lan, xuất khẩu với số lượng 2 tấn mít/tuần.

Không ngừng nâng cấp sao OCOP

Nói về việc tham gia Chương trình OCOP tại địa phương, anh Vị thông tin, hiện nay, sản phẩm mít ruột đỏ giống PT79 đặc trưng của HTX đã hoàn tất hồ sơ để trình Hội đồng OCOP cấp tỉnh.

Trước đó, năm 2020, sau khi sàng lọc, dựa vào Bộ tiêu chí đánh giá OCOP, huyện đã lựa chọn sản phẩm mít ruột đỏ giống PT79 do HTX nghiên cứu và lai tạo. Đây là sản phẩm phát triển dựa trên việc sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương. Được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh và có giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu được Bộ Văn hóa Thông tin cấp.

“Dưới sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, các sản phẩm trái cây của HTX hiện đã có chỗ đứng trên thị trường. HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành để cấp chỉ dẫn địa lý và chứng nhận sản phẩm độc quyền của địa phương, hướng đến sản xuất bền vững”, anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện cho hay.

Empty

Đến thời điểm hiện tại, Bình Phước đã tiếp nhận 18 bộ hồ sơ tham gia đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các Sở ngành hoàn thành chương trình đánh giá cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đánh giá về chất lượng hồ sơ sản phẩm OCOP mít ruột đỏ, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: “Mít ruột đỏ PT79 của HTX Phước Thiện cơ bản về mặt tiêu chuẩn đã đảm bảo, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cùng các quy trình kiểm tra kết quả, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và tiêu chí môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đủ điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.

Việc tham gia và nhận chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh sẽ giúp cho mít ruột đỏ của HTX có nhiều lợi thế hơn trong việc quảng bá, xúc tiến thương hiệu, mở rộng thị trường. Từ đó, mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên và hơn hết là địa phương huyện Bù Đốp có sản phẩm đặc trưng.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cả đầu ra lẫn đầu vào trong sản xuất cho các HTX, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP; đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại; mở rộng kênh phân phối cho sản phẩm OCOP... nhằm phát huy nội lực và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp địa phương theo chuỗi giá trị”, ông Bình nói.

Theo Vnbussines