largeer

Sư Tử

Sư Tử

2021-09-08 15:55:00

HTX phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP: Hướng đi mới cho miền đất Cai Lậy

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thị xã Cai Lậy tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ vốn, khuyến khích nông dân, HTX phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy hoạch vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đây chính là nền tảng phát triển và hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình nông thôn mới.

Thanh Hòa nằm về phía Nam của thị xã Cai Lậy, đất hẹp nhưng người đông, nên làm sao giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ nặng nề.

Để giải "bài toán" này, UBND xã đã quan tâm đến tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, vì khi sản xuất hợp lý, hiệu quả sẽ đồng nghĩa với việc nhanh chóng nâng cao thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Thanh Hòa nhanh chóng tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX Dịch vụ cây ăn trái Thanh Bình, nhằm tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư cho thành viên làm ăn đạt hiệu quả.

HTX tập trung hướng dẫn người dân sản xuất sầu riêng, mít Thái, bưởi da xanh… theo tiêu chuẩn an toàn và đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Empty

Hiệu quả trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa cao gấp 10 lần so với chuyên canh cây lúa. Thu nhập từ cây ăn quả góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hòa, thành viên HTX cho biết, gia đình ông trồng được khoảng 1 ha sầu riêng Ri6 và Monthong. Việc trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa, từ đó cuộc sống gia đình cũng trở nên sung túc.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân, HTX đã cùng các cấp ngành vận động nhân dân chuyển đổi từ ruộng lên vườn để trồng cây ăn quả. Đến nay, 552,53 ha đất được chuyển đổi. Ngoài tạo việc làm và thu nhập cho 30 thành viên, HTX còn hỗ trợ hàng chục hộ gia đình phát triển sản xuất bằng cách cung cấp phân bón, kỹ thuật và bao tiêu nông sản...

Sản xuất hiệu quả của HTX Thanh Bình đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53,3 triệu đồng. Người dân cũng hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Empty

Năm 2021, xã Thanh Hòa được đầu tư kinh phí trên 5 tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các ấp. Người dân sẵn sàng hiến đất, di dời hàng rào, các vật dụng cần thiết để thi công các tuyến đường được thuận lợi.

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, diện mạo nông thôn thêm khởi sắc, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. 100% đường xã, đường ấp và đường dân sinh được nhựa hóa và bê tông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Với nền tảng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, từ nay đến cuối năm 2021, Thanh Hòa cố gắng hoàn thiện 6 tiêu chí còn lại, đảm bảo đầu năm 2022 sẽ được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ngoài xã Thanh Hòa, 9 xã còn lại của thị xã Cai Lậy đều chú trọng đến tiêu chí tổ chức sản xuất bằng việc thành lập và phát triển các HTX để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới cao hơn.

Cai Lậy có 10 HTX hoạt động với mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Ngoài ra, mỗi xã còn có từ 1-3 tổ hợp tác.

HTX nông nghiệp Long Khánh (xã Long Khánh) có 2.089 thành viên tham gia, cung cấp nước sinh hoạt và tiêu thụ trái cây. HTX tham gia thực hiện chuỗi giá trị bưởi da xanh với diện tích 12ha và sầu riêng trên diện tích 13 ha theo hướng VietGAP, doanh thu trên 1,7 tỷ đồng/năm. Hoạt động của HTX giúp thu nhập bình quân của thành viên đạt từ 500 - 600 triệu đồng/năm.

Dù trồng cây gì, nuôi con gì thì các HTX trên địa bàn thị xã Cai Lậy đều thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm của các thành viên và hộ ngoài HTX với doanh nghiệp. Đồng thời, HTX đứng ra cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào thông qua liên kết doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp các thành viên tránh được tình trạng thương lái ép giá và có được vật tư đảm bảo chất lượng.

Các HTX, tổ hợp tác đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế tại thị xã Cai Lậy, đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – thương mại – dịch vụ đi đôi với phát triển nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với xu thế chung của toàn tỉnh.

Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã đạt 60 triệu đồng, khu vực nông thôn đạt 52,5 triệu đồng/ người, tăng 3,7 lần so với năm 2011. Thị xã cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, thị xã Cai Lậy đang tích cực chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với tác cơ cấu ngành nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết lao động nhàn rỗi góp phần giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, thị xã nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả như mô hình nuôi vịt chuyên trứng TC, nuôi ếch an toàn sinh học, nuôi cá chép Koi trên mương đất; xây dựng các vùng chuyên canh sầu riêng, mít, nhãn tại các xã Long Khánh, Phú Quý, Thanh Hòa, Nhị Quý… Cai Lậy hướng tới xây dựng một miền quê đáng sống và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.