largeer

Mai Anh

Mai Anh

2021-05-20 09:24:00

Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede: Xóa tư duy “của rẻ đưa người Việt dùng”

Nhà sáng lập Miss Ede theo đuổi hành trình phát triển sản phẩm sô-cô-la chất lượng từ nguồn nguyên liệu tại Tây Nguyên, từng bước xoá bỏ tư duy “của ngon đem xuất khẩu, của rẻ đưa người Việt dùng”.

Hợp tác với người Việt cho sản phẩm Việt

Ở Nhật Bản, hàng nội địa bao giờ cũng tốt hơn hàng xuất khẩu. Người làm ra sản phẩm phải được ăn cái ngon nhất, dùng cái tốt nhất. Con người không quen sử dụng cái tốt nhất thì khó có thể sản xuất ra cái tốt nhất được. Vì thế, ưu tiên những hàng hoá chất lượng được bán với giá hợp lý trong thị trường nội địa là kim chỉ nam trong mọi hành động để phát triển thương hiệu Miss Ede.

Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede.

Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede.

Từ năm 2012-2020, ông Hoàng Danh Hữu làm việc tại Bộ phận Kinh doanh thức ăn chăn nuôi của Cargill Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Cargill - Hoa Kỳ). Đang nắm chức vụ giám sát kinh doanh, ông quyết định xin nghỉ để theo đuổi mơ ước của mình. Với kiến thức của 8 năm làm việc trong ngành nông nghiệp tại tập đoàn đa ngành, đa quốc gia, ông nhận thấy, ca cao Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho cả những doanh nghiệp non trẻ dấn thân vào.

 Ông Hữu đánh giá, ca cao Việt Nam có phẩm chất cao, nhưng do diện tích trồng ít (chưa tới 1% toàn cầu), kết hợp với việc giảm sút gần 2/3 diện tích từ những năm 2012 đến nay, nên giá thành tăng cao, gần bằng 2-3 lần sản phẩm tại các nước lân cận như Malaysia, Indonesia… Nếu không đầu tư bài bản cho sản phẩm thành phẩm thì các doanh nghiệp sản xuất sẽ khó cạnh tranh trên thị trường.

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (sở hữu thương hiệu Miss Ede) đặt kỳ vọng vào yếu tố bền vững trong vùng canh tác liên quan đến môi trường, kinh tế của nông dân và với người tiêu dùng nội địa.

“Yếu tố bền vững cho nguời tiêu dùng nội địa là góp phần xoá bỏ được tư duy ‘của ngon đem xuất khẩu, của rẻ đưa người Việt dùng’”, ông Hữu nói và tự hào khi các sản phẩm của Công ty đều được tạo nên từ 100% trái ca cao và cà phê tại các khu vực canh tác cảnh quan đạt tiêu chuẩn canh tác bền vững của quốc tế ngay chính tại Tây Nguyên.

Ông Hữu cho biết, thay vì lựa chọn cách thức tự mình làm từ A đến Z chỉ phù hợp với các nước có nền nông nghiệp tập trung với diện tích canh tác siêu lớn trên một hộ nông dân, EDE lựa chọn phương thức liên kết hợp tác với nông dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp. Đây là cách thức phù hợp nhất ở giai đoạn hiện tại, nhằm giúp cùng lúc nhiều nông dân thực hiện chung một quy trình canh tác, thời điểm thu hoạch, công nghệ sơ chế.

Từ đó, chất lượng cà phê, ca cao sẽ được đồng bộ như những vùng tác tác nông nghiệp rộng lớn có chung một ông chủ ở các nước nông nghiệp phát triển.

“Chúng tôi ký hợp đồng liên kết thu mua sản phẩm đầu ra cho Hợp tác xã Ea Tân đang có 156 thành viên với 240 ha canh tác, hơn 10 năm tuân thủ quy trình canh tác bền vững, đạt các chứng nhận canh tác bền vững hàng đầu của thế giới như UTZ, 4C”, ông Hữu nói.

Hợp tác xã Ea Tân vận hành dựa trên nguồn lực tài chính của Simexco và một phần tài trợ ban đầu của World Bank. Trước khi có mối hợp tác với EDE, cà phê hạt của hợp tác xã này chỉ được dùng để xuất khấu thô qua EU.

“EDE luôn giới thiệu về Hợp tác xã Ea Tân vì ngoài việc giúp người tiêu dùng có thông tin về nguồn gốc, còn muốn nhiều nông dân Việt Nam hướng tới mô hình canh tác này để gia tăng hiệu quả”, ông Hữu chia sẻ.

Trăn trở với khó khăn về vốn

Sau hơn 2 năm thành lập, mục tiêu mà các nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede theo đuổi là tạo sản phẩm cao cấp của người Việt và không còn cảnh nông dân Việt phải bán nguyên liệu thô cho nước ngoài. Miss Ede hướng tới việc trở thành nhân tố tiên phong cho việc các nhà sản xuất Việt sử dụng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam để sản xuất cho chính người Việt sử dụng.

Đến nay, điều mà Miss Ede đã làm được là giúp nông dân của Hợp tác xã cà phê Ea Tân cung ứng cho thị trường nội địa sản phẩm cà phê chất lượng cao. “Tuy nhiên, nông dân Tây Nguyên còn rất nhiều, Miss Ede mong sao sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất Việt nữa chú ý tới mảng cà phê chất lượng cao này”, Hữu trăn trở.

Cà phê tại vùng canh tác bền vững gần như có phẩm chất cao hơn cách thức canh tác khác. Dẫn chứng là Hợp tác xã Ea Tân đã 3 lần liên tiếp đạt chứng nhận cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Cà phê hảo hạng Hoa Kỳ (SCA) tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam Amazing cup. Việc lựa chọn cà phê từ vùng canh tác đạt chất lượng cao sẽ giúp Miss Ede khẳng định được chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng.

Thêm vào đó, hầu hết các sản phẩm trong thị trường tiêu dùng nội địa đều là sô-cô-la tổng hợp (compound chocolate), chỉ có một số ít cái tên đang thương mại hóa sô-cô-la thật (real chocolate). Lý do là, đặc thù bơ ca cao bên trong sô-cô-la thật dễ bị chảy ở nhiệt độ từ 30 độ C (nhiệt độ phổ biến ở khí hậu các nước nhiệt đới) và giá thành của bơ ca cao khá cao.

“Các thương hiệu lớn về sô-cô-la tại châu Âu, Mỹ không nhập bán sô-cô-la thật trực tiếp vào Việt Nam, vì khi vận chuyển có khả năng gây chảy và ảnh hưởng tới thương hiệu của họ. Còn các thương hiệu Việt sản xuất sản phẩm này thì đếm chưa đầy bàn tay và chưa có thương hiệu nào xuất xứ hoàn toàn từ Tây Nguyên, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng vô cùng đặc biệt”, ông Hữu nói.

Miss Ede đã xây dựng bộ sưu tập sô-cô-la sắc màu Tây Nguyên với nguyên liệu được lấy từ ca cao trồng tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Miss Ede chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tại Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, TP.HCM. Tốc độ tăng trưởng lúc đó đạt trên 120%/tháng, nhưng từ khi đại dịch xảy ra, việc bán lẻ cho khách du lịch nước ngoài gần như đóng băng hoàn toàn.

Đội ngũ Miss Ede đang gia tăng sự hiện diện cho thương hiệu tại các điểm bán lẻ nội địa cao cấp, thương mại điện tử và bán lẻ du lịch nội địa. Khó khăn lớn nhất mà họ phải giải quyết lúc này là vốn kinh doanh. Bởi muốn phát triển mạnh tại thị trường tiêu dùng nội địa, nhất là kênh bán lẻ hiện đại, doanh nghiệp cần mạnh về vốn để có thể sẵn sàng các công nợ cho đối tác bán hàng mà vẫn đảm bảo dòng tiền sản xuất - kinh doanh.