largeer

lili

lili

2021-11-05 10:45:00

Hệ lụy khi khai sai hồ sơ năng lực đấu giá

Khi tham gia đăng ký lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS), nếu bị phát hiện thông tin trong hồ sơ năng lực là giả mạo hoặc không chính xác, ngoài việc bị người có tài sản (NCTS) từ chối xem xét, đánh giá, TCĐGTS sẽ phải chịu nhiều hệ lụy về sau. Mức xử lý cao nhất đối với hành vi này đang được đề xuất là không được đăng ký tham gia lựa chọn TCĐGTS trong thời hạn 12 tháng.

Bộ Tư pháp đang hoàn thiện và chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí lựa chọn TCĐGTS. Theo Dự thảo Thông tư, các TCĐGTS tự kê khai thông tin trong hồ sơ năng lực (HSNL) theo các tiêu chí lựa chọn TCĐGTS được NCTS đưa ra mà không cần tài liệu đính kèm để chứng minh. Theo Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, tất cả những thông tin tiêu chí thành phần trong HSNL của TCĐGTS đều do các tổ chức tự kê khai và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Cách làm này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tốn kém, lãng phí và nâng cao trách nhiệm của TCĐGTS.

Tổ chức đấu giá tài sản kê khai hồ sơ năng lực không trung thực có thể không được đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản từ 6 đến 12 tháng. Ảnh: Nhã Chi

Tổ chức đấu giá tài sản kê khai hồ sơ năng lực không trung thực có thể không được đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản từ 6 đến 12 tháng. Ảnh: Nhã Chi

Ông Lê Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đấu giá tài sản và trọng tài thương mại thuộc Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, các TCĐGTS phải đặc biệt lưu ý về tính chính xác khi tự kê khai thông tin, số liệu trong HSNL. Việc kê khai sẽ ảnh hưởng không chỉ trước mắt tại cuộc lựa chọn TCĐGTS mà còn ảnh hưởng tới hoạt động hành nghề sau này của các TCĐGTS. Nếu bị phát giác kê khai sai, không trung thực, kể cả là “nhầm lẫn”, sẽ bị xử lý.

Theo Dự thảo Thông tư, sau khi NCTS thực hiện đánh giá HSNL của các TCĐGTS, kết quả đánh giá của các tổ chức tham gia phải được công khai trên trang điện tử của NCTS (nếu có) và Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS. Trường hợp NCTS phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia ĐGTS của TCĐGTS là giả mạo hoặc không chính xác thì có quyền từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ đó. Mức xử lý đối với trường hợp này là “TCĐGTS sẽ không được đăng ký tham gia lựa chọn TCĐGTS để thực hiện cuộc đấu giá đối với các tài sản quy định tại Luật ĐGTS trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày NCTS thông báo công khai kết quả lựa chọn TCĐGTS”.

Trường hợp có phản ánh về việc TCĐGTS sử dụng thông tin không chính xác hoặc giả mạo trong HSNL sau khi hoàn thành lựa chọn TCĐGTS, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh, NCTS phải xem xét, xác minh và xử lý. Nếu có căn cứ khẳng định TCĐGTS sử dụng thông tin không chính xác hoặc giả mạo mà NCTS chưa ký hợp đồng dịch vụ ĐGTS thì phải hủy bỏ kết quả lựa chọn TCĐGTS. Trường hợp không có căn cứ khẳng định thì NCTS phải có văn bản trả lời người phản ánh và chịu trách nhiệm về quyết định giải quyết của mình.

Trong trường hợp hợp đồng dịch vụ đã được ký kết, nếu TCĐGTS chưa nhận hồ sơ của người tham gia đấu giá thì NCTS sẽ hủy bỏ kết quả lựa chọn TCĐGTS và đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ với TCĐGTS đó. Nếu TCĐGTS đã nhận hồ sơ của người tham gia đấu giá thì NCTS sẽ xem xét, quyết định việc hủy bỏ hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật về dân sự.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ hệ quả của việc kê khai sai, giả mạo hoặc không chính xác trong HSNL khi đã được lựa chọn là “không được đăng ký tham gia lựa chọn TCĐGTS trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị hủy kết quả lựa chọn TCĐGTS”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lương Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Thành An đồng thuận với việc phải có hình thức xử lý đối với những trường hợp TCĐGTS kê khai HSNL không trung thực. Tuy nhiên, phải phân chia rõ các mức xử lý và hình thức xử phạt theo mức độ nghiêm trọng của từng lỗi sai phạm. Đơn cử, với những sơ suất trong kê khai nhầm lẫn, không chính xác ở những nội dung không nghiêm trọng thì đề xuất mức xử lý cảnh cáo và nếu tái phạm thì tăng hình thức xử lý. Với những lỗi nghiêm trọng hơn thì có thể áp dụng các mức xử lý như đề xuất của Dự thảo Thông tư.

Ông Hà phân tích, nếu chỉ vi phạm những lỗi nhỏ, không nghiêm trọng mà phải chịu ngay những mức phạt như vậy sẽ ảnh hưởng tới không chỉ hoạt động của TCĐGTS trong 6 tháng hoặc 12 tháng sau đó, mà sẽ ảnh hưởng lâu dài. Khi không được tham gia lựa chọn TCĐGTS, không có hợp đồng, sẽ khó có cơ hội, năng lực kinh nghiệm tham gia tiếp các hợp đồng sau này. TCĐGTS có thể bị “khai tử” bắt đầu từ những lỗi không nghiêm trọng, không đáng có như vậy.

Một đại diện TCĐGTS khác cho biết, các TCĐGTS thường phải chuẩn bị rất nhiều HSNL và mỗi hồ sơ được chuẩn bị riêng cho từng loại tài sản, từng chủ tài sản theo các tiêu chí (bao gồm cả tiêu chí chung và riêng) được NCTS đưa ra. Trong quá trình làm nhiều hồ sơ, rất dễ phát sinh những sai sót. Do đó, mức xử phạt được TCĐGTS này đề xuất là từ mức phạt nhẹ mang tính răn đe, cảnh cáo trong lần đầu mắc lỗi, hoặc rút ngắn thời gian của mức xử phạt theo Dự thảo Thông tư để tạo điều kiện cho TCĐGTS rút kinh nghiệm, sửa sai.