largeer

Sư Tử

Sư Tử

2021-09-16 17:02:00

Hành trình vượt khó hơn 10 năm “bới đất lật cỏ” của người thợ sửa điện tử đến giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Huy sở hữu doanh thu chục tỷ

Ông Võ Tiến Huy, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Huy (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã tạo dựng được cơ ngơi mà bao người mơ ước, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn mang về doanh thu cho HTX 18 tỷ đồng/năm. Hiện nông sản HTX Tiến Huy đang có mặt rộng rãi ở thị trường tiêu thụ ổn định trong các chuỗi siêu thị MM Mega Market, Vinmart, Lotte... trên cả nước.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Võ Tiến Huy cố gắng học thêm Trung cấp kỹ thuật tại Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt để có một tấm bằng nghề trong tay, sau đó về mở cửa hàng sửa chữa thiết bị điện tử, tăng thu nhập cho gia đình.

Vào những năm 1986, kinh tế nhiều hộ gia đình ở Hiệp An hết sức khó khăn, có được sào ruộng để canh tác đã là quý. Việc đi học để chuyển đổi nghề đối với một nông dân nghèo như ông là cả một chuyện động trời. Chưa nói, muốn nhờ người tư vấn nên học nghề gì, cách làm ra sao, cũng không hề dễ dàng, tự thân ông vận động là chính.

Thế rồi, cuộc sống cũng không khấm khá là bao, để kiếm cái ăn hàng ngày, ông không quản ngại làm thuê, làm mướn, từ hái cà phê, tỉa đậu, cuốc đất đến đào ao… Bất kỳ công việc gì, ai kêu làm ông cũng không từ chối.

Xuất phát từ khát khao thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống của bà con địa phương, ông Huy luôn nung nấu ý tưởng sẽ làm nông nghiệp theo sạch, công nghệ cao mang thực phẩm sạch tới mọi người, góp phần khắc phục tình trạng "được mùa - mất giá" và "được giá - mất mùa" của nhà nông.

Năm 2006, một đối tác thuộc hệ thống siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh đặt vấn đề hợp tác trồng rau nhà kính ổn định lâu dài, ông Huy nhận định đây chính là cơ hội để thực hiện ước mơ làm nông nghiệp của mình.

Không bỏ lỡ cơ hội, ông Huy đã đi tìm gặp một số hộ nông dân ở xã Tân Hội thỏa thuận xây dựng mô hình điểm trồng cây ớt ngọt trên 0,3ha đất chuyển đổi cà phê già cỗi.

Tích cóp số tiền tiết kiệm trong quá trình làm việc nhiều năm, cộng với vay mượn thêm, ông sử dụng thuê mướn đất, xây nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động… hình thành mô hình trồng rau công nghệ cao.

Mặc dù những ngày đầu khởi nghiệp, trồng rau, tiêu thụ rau sạch hết sức khó khăn nhưng ông Huy kiên quyết tuân thủ thực hành “3 không”: không dùng chất bảo quản, không dùng giống biến đổi gen, không dùng thuốc diệt cỏ, đối với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học nằm trong danh mục được cho phép sử dụng. Tất cả các công đoạn như gieo giống, bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân hữu cơ… đều do ông Huy trực tiếp làm bằng phương pháp thủ công.

Kết quả sau 4 tháng đầu tiên, sản lượng thu hoạch ớt ngọt đạt khoảng 70% chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật; thu hoạch đến 4 tháng tiếp theo, tỷ lệ này tăng lên từ 80 - 85%. Thành công ngoài sự mong đợi, ông Huy cùng một số hộ khác chính thức được ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với giá ổn định, đảm bảo đạt mức lợi nhuận khá.

Năm 2010 trở đi, từ quy mô liên kết một vài hộ đầu tiên, ông Huy bắt đầu mở rộng hợp tác, liên tục phát triển với hơn 20 hộ nông dân ở phường 3 (Đà Lạt); xã Hiệp An, Hiệp Thạnh (Đức Trọng); xã Đạ Ròn (Đơn Dương)… với hơn 12ha nhà kính và nhà lưới, không chỉ sản xuất riêng ớt ngọt mà còn sản xuất nhiều loại giống rau cao cấp khác như: bông cải xanh baby, dưa leo baby, đậu cove, xà lách các loại.

Trong đó, riêng gia đình ông Huy đầu tư xây dựng 2.000 m2 diện tích nhà kính. Kết quả sau 5 năm kế tiếp, sản phẩm từng bước tiến vào siêu thị trong nước, đưa sản lượng rau, củ, quả tiêu thụ mỗi năm từ 40-50 tấn lên mức 150-180 tấn.

Không chỉ đơn thuần là trồng, kinh doanh rau sạch, mang lại việc làm, thu nhập cho chính mình, lao động địa phương, nông dân Võ Tiến Huy quan niệm làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn còn là sự sẻ chia, lan tỏa kiến thức, giá trị chung cho cộng đồng.

Đến năm 2014, với nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ rau VietGAP của mình, ông Huy hoàn tất thủ tục thành lập HTX Nông nghiệp Tiến Huy tại thôn Định An, xã Hiệp An. Đến nay, HTX đã có 11 thành viên, ngoài ra còn liên kết với 40 hộ dân với tổng diện tích gần 48 ha sản xuất đa dạng các loại rau, củ, quả tại các vùng nông nghiệp ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đà Lạt.

Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX chịu trách nhiệm ứng trước nguồn giống và nguồn vật tư nông nghiệp cho nông dân (chỉ khấu trừ bằng sản phẩm sau khi thu hoạch xong), bao tiêu sản phẩm với mức giá xây dựng từ đầu mùa vụ.

2

Nhờ ký kết hợp đồng đặt quyền lợi trước tiên thuộc về hộ thành viên liên kết, nên HTX khuyến khích người sản xuất tăng nhanh thời vụ luân canh, nâng sản lượng tiêu thụ rau, củ, quả các loại từ 1.800 tấn năm 2017 lên 4.000 tấn vào năm 2020 và ước đạt 5.000 tấn trong năm 2021. Tương ứng với doanh thu lần lượt 12 tỷ đồng, 18 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng…

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng HTX Tiến Huy vẫn luôn duy trì công nhân để sơ chế, đóng gói các loại rau, củ, quả chuyển đến đối tác theo yêu cầu. Hơn nữa, HTX đã xây dựng thành công mô hình phối hợp kiểm soát theo chuỗi an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau củ quả và được cấp chứng nhận VietGAP.