largeer

lili

lili

2022-06-23 15:25:00

Góc nhìn cuộc sống của tôi: CHIA ĐẤT CHO CON

Hôm nay đi gặp Bác nữ khách hàng đang đau ốm muốn bán đất để lấy tiền chữa bệnh, khi ra về mà thấy trong lòng bao tâm tư suy nghĩ.Bác kể, năm nay ngoài 70t, chồng Bác đã mất cả gần chục năm. Nhà Bác sinh được 2 cậu con trai đều đã yên bề gia thất. Ngày xưa 2 Bác chịu khó làm ăn, có của ăn của để, 2 cậu con ngoan ngoãn. Gia đình Bác thuộc diện nhiều người mơ ước.

289337112_2358963310930272_585618417214300974_n

Hai Bác có tiền lại nhìn xa nên dành được đồng nào đều mua đất. Ngoài cố gắng mỗi cậu con trai 1 cái nhà khang trang mấy tấm, Bác còn có vài miếng đất làm của để dành. Đùng 1 cái Bác trai bạo bệnh rồi mất sớm.

Xưa mỗi lần mua đất, làm nhà, lo công việc... 2 Bác đều phải cố nên ngoài mấy miếng đất ra Bác không có tiền tích lũy, cũng chẳng có lương hưu. "Trẻ lao lực vì con, vì cố làm để mua đất nên già sớm đổ bệnh", Bác buồn rầu kể vậy.

Sau khi chồng chết một thời gian Bác cũng suy sụp rồi đột quỵ nhẹ, các bệnh mãn tính ập đến khiến Bác đi lại rất khó khăn. Sợ tuổi già, Bác gọi các con về chia cho mỗi đứa thêm mấy miếng đất ngoài căn nhà chúng đang ở. Đứa lớn Bác ở cùng nên cho phần nhiều hơn, chia vậy tưởng hợp lý. Tuy nhiên, cả 2 cậu con trai ngày càng tỏ rõ thái độ không hài lòng. Thằng lớn cho rằng xưa nó bôn ba vất vả cùng bố mẹ, nay lại phải nuôi mẹ ốm đau mà mẹ cho ít quá. Thằng nhỏ phẫn lộ vì anh trai được mẹ cho quá nhiều. Lạ cái, cả 2 thằng con nhà giàu nên gà tây lại thế quái nào chọn đều 2 cô vợ thừa mưu lược, thiếu đạo đức. 2 nàng dâu phía sau xúi chồng cùng nội chiến. Vợ chồng thằng lớn đưa bác lên lầu cùng căn nhà ở cho tiện cuộc sống của chúng !. Hàng ngày chúng chỉ đưa đồ tối thiểu cho bác dùng, họ hàng anh em của Bác đến thăm gặp khó khăn nhiều phía nên cứ vắng dần làm Bác rất buồn. Thằng thứ 2 thì bất mãn về việc mẹ chia đất bất công nên bỏ mặc mẹ cho anh gần như không hỏi han.

Sau mấy năm khổ sở đau ốm trong cô đơn mà không chịu chết, Bác nghe lời anh em trong nhà nên muốn vào trại dưỡng lão. Khổ cái khi bàn chuyện bán đỡc1 miếng đất đi để lấy tiền thì vợ chồng thằng lớn quyết liệt phản đối. Chúng đưa đủ các lý do, cho dù đó là đất của Bác. Cực chẳng đã, Bác nhờ người quen đăng bán và đó là lý do hôm nay Tôi gặp Bác.

Sau khi xem giấy tờ ( chỉ là bản phô tô còn bản chính ông con đang giữ ),Tôi thấy đúng là đất vẫn đứng tên 2 Bác và nó rất có giá trị vào thời điểm này, tiền bán đi có thể đủ nuôi cả 1 gia đình nhiều năm chứ đừng nói riêng Bác. Tuy nhiên, dù là đứng tên nhưng Bác sẽ không thể bán nếu như các con không đồng ý. Luật quy định chúng cũng là hàng thừa kế ngang mẹ với tài sản của bố. Nghe Tôi giải thích xong Bác òa khóc trong bất lực, trong tiếc muối...

Tuy nhiên, còn 1 điều có thể Bác chưa biết, đó là kể cả sau khi bác chết thì cuộc nội chiến của con Bác với đống tài sản từ mồ hôi nước mắt, từ cả ốm đau bệnh tật của bố mẹ chúng để lại sẽ còn huynh đệ tương tàn rất lâu nữa mới kết thúc. Đơn giản là Bác mới chỉ chia đất cho chúng bằng miệng còn giấy tờ vẫn tên 2 Bác.

Cũng có người quen, trẻ bôn ba vất vả nuôi con. Ngoài 60t rồi mới có cái nhà mấy mét ngang mặt đường làm chỗ kiếm cơm. Lớn tuổi nhưng vẫn phải cố thức khuya dậy sớm cày trả nợ, là tại mấy năm trước còn vay nợ thêm để mua miếng đất cạnh nhà cho con.

" 2 thằng con mà 1 miếng đất mặt đường thì sau này 1 đứa lấy gì sống?. Đời mình quá khổ rồi nên chỉ muốn chúng không phải vậy ",

Chị giải thích.

Nghĩ vậy nên vợ chồng già cố cày mặc cho bệnh tật ốm đau, cày đủ tiền mua đất, thằng lớn lấy vợ lại cày cho có tiền xây nhà để cho nó ở riêng. Vợ chồng nó có nhà cửa bố mẹ lo cho rồi thì cứ sống tằng tằng như... xe tăng lên dốc!.

" sao khổ vậy?. Nhỡ già rồi lấy gì ăn? ốm đau bệnh tật thì sao? ", Tôi boăn khoăn lo lắng.

" sống cũng vì con thôi... khi nào hết nợ là anh chị khỏe rồi!. Già rồi ăn bao nhiêu đâu, Mỗi người ở với 1 thằng, mình thương nó thì nó phải thương mình thôi. Bệnh nhẹ chúng phải lo, bệnh nặng nếu tốn tiền khỏi chữa, chị chết vì con cũng được! ".

Ôi, có thể Anh Chị là 1 trong những Ông Bố Bà Mẹ vĩ đại nhất trong bảng xếp hạng của thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, Tôi vẫn thấy rùng mình và nghi ngờ với tương lai kết quả của sự vĩ đại ấy!.

Trong nhà cũng có bà chị họ, xưa nghèo khổ phải ôm 2 đứa con đi xây dựng kinh tế mới mãi tận miền đông nam bộ. Rau cháo nuôi nhau rồi con cũng lớn, lấy vợ. Sau bao năm khai hoang, tài sản lớn nhất là 2ha đất rừng. Nghĩ con đã trưởng thành, mình ăn có là bao nên chia cho mỗi đứa 1ha để chúng canh tác. Rồi ở với vợ chồng đứa nào vài bữa cũng căng thẳng thành xung đột, cuối cùng chị dọn ra cái lán nhỏ góc rẫy, hàng ngày đi làm thuê kiếm sống, thân già tay trắng với bệnh tật bủa vây trong rừng sâu nước độc thì trần ai khỏi nói.

Mấy năm trước đất tăng giá, thằng con bán trọn ha đất năm nào lấy mấy tỷ để trả nợ rồi đi vùng khác làm ăn. Chủ mua mới san phẳng cái nhà nát của nó nhưng vẫn thương tình để Chị ở lại cái lán trong góc vườn. Có lần lên thăm, đứng trong cái lán nát hơn cả ngôi nhà của " Chị Dậu " năm xưa, nhìn tấm thân khắc khổ của Chị mà vừa thương vừa giận.

Thật ra cũng không thể trách con Chị, chúng cũng đông con lại vẫn nghèo, tính khí Chị cũng càng già càng phức tạp, bệnh tật nhiều, con trai vô tâm còn con dâu thì... khỏi nói !. Tuy nhiên, giá như ngày trước Chị biết nhìn xa mà giữ lại 1 phần đất hoặc chuẩn bị cho tuổi già tốt hơn thì bây giờ cũng sống khỏe lắm rồi đâu có khổ.

Lại có người quen, nhà đến gần chục người con. Đất nhà cũng rộng, nói chung đủ chia cho tất cả các con mỗi người 1 suất ở. Nhà con đông đủ mọi lứa tuổi, nghành nghề, hoàn cảnh. Đứa giàu nứt tường nhưng đứa vẫn nghèo.

Xưa đất rẻ lại không nghĩ dài nên Bố mẹ chia đất cho con một cách ngẫu hứng . Cái kiểu thằng lớn lấy vợ rồi thì cắt cho mày ở riêng ra đấy, nó ra đấy rồi lấn ná xây dựng cơ ngơi. Thằng nữa chạy xe thì cho mày thêm đất để xe. Thằng khác có điều kiện thì để nó xây cái nhà hoành tráng đi đã... cứ vậy rồi đùng 1 cái tuổi già ập đến, đất đắt, lương hưu không có mà không dám bán đất. Dồn toa lại còn mấy đứa đi xa chưa được chia đất hoặc được chia ít. Vậy là bất mãn, xung đột nổ ra.

Trách nhiệm với cha mẹ đương nhiên cũng được chúng mang đất ra đo. Chưa hết, cuộc nội chiến về đất trong tương lai cũng còn lâu mới kết thúc. Có lẽ nào cha mẹ chia đất lại chia kèm luôn cả hậu họa tương tàn cho con?.

Nhà cũng có chị giúp việc gốc Sg. Chị kể, nhà chị ở quận 4, Bố Mẹ chị có đến 12 người con, 8 trai, 4 gái. Nhà chỉ trong xóm nhưng đất cũng rộng. Cha mất sớm cònv1 mình Mẹ nên cũng không khá giả gì. Ngày trước, Bà xây 2 dãy 18 cái phòng trọ, giữ lại 4 cái bên ngoài vừa buôn tạp hóa nuôi các con, vừa lấy chỗ ở còn lại cho thuê.

Rồi những năm sau đó, đứa đi Mỹ định cư, đứa bươn trải mua nhà riêng, đứa lấy chồng, đứa đi bộ đội, công an được phân nhà, cũng có đứa nghèo quá chiếm luôn 1 phòng trọ của mẹ để sinh sống. Lúc còn minh mẫn, Mẹ chị làm di chúc chia đều cho mỗi đứa con bất luận là trai hay gái, là việt kiều hay xe ôm, mỗi đứa 1 phòng trọ, 2 phòng khác Bà cho thêm thằng trưởng sau này thờ cúng tổ tiên, thằng út bệnh tật yếu nhất nhà. Còn lại 4 phòng bên ngoài, Bà giữ lại, sửa chữa sạch sẽ bên trong Bà ở, bên ngoài cho người ta thuê lấy tiền sài, phần này không di chúc cho bất cứ đứa con nào.

Chị bảo, bây giờ Mẹ chị cũng ngoài 90t, không còn minh mẫn nhưng vẫn có cuộc sống rất thoải mái.

Chị ngoài 50t rồi mới dần nhận ra Mẹ chị thực sự có tính toán vĩ đại khi chia đất cho con. Ngay từ ngày xưa từ lúc còn rất trẻ Bà đã chủ động xây 18 cái phòng trọ trong khả năng thay vì xây những thứ khác. Bản thân chị đi lấy chồng, sinh 2 đứa con rồi chồng cờ bạc, tệ quá nên không ở được. Mấy mẹ con dắt díu nhau về cái phòng mẹ chia cho năm nào, rồi đi làm thuê cũng rau cháo trưởng thành. Giờ các con đã có gia đình, chị đi làm giúp việc vài năm kiếm tiền phòng tuổi già. Vẫn còn nhà nên chủ nhật nào chị cũng về với Mẹ. Chị bảo, nếu không có căn phòng Mẹ chia cho chắc chị đã chết.

2 dãy nhà trọ ấy giờ đây anh em cũng có người giàu quá không lấy mà nhường lại cho ai có công ở gần chăm Mẹ, cũng có đứa nghèo vẫn ở, có đứa sang lại cho anh em, đứa cho thuê lại... Tuy nhiên, ai cũng vui vẻ và luôn cảm thấy căn nhà Cha mẹ thực sự là chỗ trú ẩn an toàn cuối cùng trong cuộc đời sóng gió.

Với Mẹ, thực tế dù các con thay nhau chăm sóc nhưng bà vẫn chưa bao giờ cần tiền hoặc về nhà của chúng. Ngược lại, đứa nào cũng gần gũi nể sợ Mẹ như xưa.

Chị kể, trong nhà cũng có người làm ăn tính toán muốn bàn anh em đồng thuận cùng bán nhà sẽ rất được giá để lấy tiền chia nhau. Tuy nhiên, Mẹ và Chị chưa bao giờ đồng ý. Ở đây có thể không còn quan trọng với họ hoặc những người giàu có, nhưng nó là tổ ấm, là hơi thở, là cái phao cứu sinh của Chị trước kia và sau này.

Chị và mấy em dự định sau khi Mẹ mất sẽ bán phần đất của Mẹ lấy tiền về quê xây nơi thờ cúng, lo ma chay mồ mả cho Bà thật tươm tất.

Lại nhớ xưa ở quê, nhà có 6 anh chị em. Các chị đi lấy chồng, nhà còn lại 2 anh em. Bố bảo, xưa Ông nội chia cho Bố mảnh đất xây đủ 5 gian nhà, cả đời dành dụm Bố Mẹ cũng mua thêm được khoảng vườn ngoài ngõ, mua 1 miếng đất ngoài đê trại chắc cũng dự định phòng thân hoặc cho 2 cậu con trai khi trưởng thành.

Lớn lên, làm ăn xa xứ. Một ngày biết tin ở nhà Bố đổi mất thửa đất ngoài đê trại lấy mấy tấn thóc rồi gửi chị gái xát dần cho ông ăn. Gọi điện về hỏi Bố : " ôi, Con có để Bố thiếu tiền đâu mà sao Bố bán đất? ".

" việc này là của tớ, các thầy cứ lo việc của mình đi nhé ! ", Bố bảo.

Nghe vậy tôi bật phì cười với Bố.

Thửa đất ngoài đê năm xưa Bố đổi mấy tấn thóc giờ mấy tỷ. Tuy nhiên, Tôi thấy suy tính của Bố tôi về việc này lớn hơn nhiều lần đống tiền ấy.

Bao năm sau lang thang, thăng trầm. Cũng có lúc mệt mỏi muốn buông xuôi, muốn bỏ tất cả để về quê sinh sống, nhưng cứ nghĩ đến cảnh ở nhà quê chẳng có gì ngoài mấy gian nhà nhỏ của Cha Mẹ trong xóm nghèo, nghĩ nơi ấy tương lai không sáng. Vậy là cố gắng bám trụ, cố gắng tồn tại và thích nghi với tất cả các nơi mình lập nghiệp.

Ngày trước, ở quê nhà cũng nuôi đàn gà. Nhà quê khó khăn, sợ trộm cắp nên Bố tôi làm cái chuồng gà ngay đầu nhà. Mỗi ngày gà trong chuồng thức dậy nối đuôi nhau đi qua khoảng sân lát gạch rồi ra vườn bới ăn. Chiều tối lũ gà lại quay lại chuồng khi vẫn qua khoảng sân ấy. Ngày nào Bố cũng dặn : " sáng ra là phải quét sạch sân, để sân bẩn hay có cái ăn, lũ gà không chịu ra vườn bới hoặc quay lại tìm kiếm rồi ỉa bậy và quấy lắm ! ". Mà đúng thật, trước cửa chuồng gà nhà có cái sân lát gạch lúc nào cũng sạch bóng nhưng chẳng thấy con gà nào quay về quấy. Chắc chúng biết, rằng cách tốt nhất là ra vườn kiếm cái ăn thay vì quay về khoảng sân lát gạch trống không quấy phá.

Một lần về quê thăm Bố, lúc chỉ có 2 bố con Bố bảo : " góc ao cuối xóm và đất của 5 gian nhà là của Ông Nội con để lại, phần này Bố trao lại cho con vì nó là đất hương hỏa và không phải là của Bố, con cố gắng giữ lại đừng bao giờ bán vì bất cứ giá nào, giữ được đất hương hỏa là giữ được cội nguồn và ngược lại. Phần đất vườn bé nhỏ ngoài ngõ là do Bố Mẹ mua, nó ít quá nên Bố chẳng làm di chúc chia được cho các con, nhưng nó cũng đủ chỗ làm căn nhà nhỏ cho bất cứ đứa nào trong các con có thể trở về trú ẩn khi ngoài kia sóng gió ". Tôi nắm chặt tay bố khẽ gật đầu như hiểu ý.

Sau này khi Bố mất, căn nhà, góc ao, mảnh vườn ở quê giờ vẫn còn nguyên vẹn. Mấy anh chị em chúng Tôi sinh sống và tự mua được đất, mua được nhà ở khắp mọi nơi và thật may mắn khi không một ai phải quay về hay nghĩ đến việc tranh dành phần đất của Ông Bà, Bố Mẹ.

Có người bảo, thời nay đạo đức xuống cấp, đất đai đắt đỏ kéo theo lòng tham lên ngôi. Khắp đất nước từ thành thị đến nông thôn, rừng núi đâu đâu cũng có chuyện xung đột đau lòng giữa Bố con, anh em, họ hàng... chỉ vì liên quan đến chia đất cho con. Điều này tất nhiên là đúng.

Tuy nhiên, chuyện đó thời nào cũng có, khác hơn một chút là ngày nay nó dễ nhận biết hơn do thông tin đại chúng phát triển.

Vậy nên, người xưa vẫn dạy : " trẻ không lo xa già sẽ khổ ", hay : " Cha Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi Cha Mẹ con kể từng ngày "...

Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có "biết" là sống !. Nhưng cũng Chẳng ai có thể "biết" trước được tương lai.

Nhiều tiền lắm của mà tính toán sai lầm thì cũng chưa hẳn an toàn, chưa hẳn không gieo sầu cho tuổi già và tương lai con cái.

Tuy nhiên, quy luật vận động của cuộc sống và bản chất sinh tồn của con người thì muôn đời vẫn vậy và gần như không thể thay đổi.

Hiểu và nắm bắt được để sống và có những tính toán thuận theo nó. Đấy là cách tốt nhất để bảo vệ tuổi già, thậm chí là cả tương lai con cái của mình khi có ý định phân chia tài sản cho chúng đấy các bác ạ!

_ Fb : Cà Phê Lộc Vừng _