largeer

Chị Đại

Chị Đại

2021-04-29 15:27:00

Giao dịch dân sự có vô hiệu khi bị cưỡng ép?

Thời gian qua, nhiều kẻ cho vay nặng lãi lợi dụng tâm lý cần tiền gấp nên dùng thủ đoạn ép người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xe cộ. Sau khi vay một số người vay đã phải giao tài sản theo hợp đồng chuyển nhượng đã ký. Tuy nhiên, bên tham gia giao dịch dân sự bị cưỡng ép có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngày 28/4/2021, Zingnew có bài viết: "Bị ép ký hợp đồng chuyển nhượng khi vay tiền, người dân cần làm gì?" với nội dung:

Chuyên gia pháp lý cho biết khi bị ép ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản để vay lãi, người dân có quyền yêu cầu tòa án tuyên giao dịch dân sự này vô hiệu.

Công an tỉnh Hà Nam vừa khởi tố Đỗ Đức Ninh (48 tuổi, ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo điều tra, Ninh cho anh N. vay tiền với lãi suất 5.000 đồng/triệu mỗi ngày và ép người vay ký khống vào hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất và xe cộ.

Những năm qua, thủ đoạn lập hợp đồng chuyển được nhiều kẻ cho vay lãi nặng áp dụng nhằm trốn trách nhiệm hình sự và tạo sức ép cho người vay. Với chữ ký trong hợp đồng, không ít người đã phải bàn giao tài sản cho các nhóm tín dụng.

Giao dịch cưỡng ép có bị vô hiệu?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợi (Phó trưởng Bộ môn Luật Dân sự của Đại học Luật Hà Nội) cho rằng có 2 hoạt động cần làm rõ trong vụ việc là vay mượn tiền và chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợi.

Đối với hoạt động chuyển nhượng tài sản, quyền sử dụng đất, ông Hợi khẳng định đây là giao dịch dân sự vô hiệu, theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015.

"Khi bị cưỡng ép xác lập hợp đồng, bên bị cưỡng ép có quyền khởi kiện, yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Thời hiệu yêu cầu là 2 năm từ ngày giao kết hợp đồng", giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

Nếu hết thời hiệu mà không bên nào yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu, ông Hợi cho biết hợp đồng sẽ phát sinh hiệu lực theo quy định tại khoản 2, Điều 132 Bộ luật dân sự 2015. Khi đó, người dân sẽ phải chuyển nhượng tài sản, quyền sử dụng đất của mình cho bên cho vay tiền.

Đối với hoạt động vay, mượn tiền, tiến sĩ Nguyễn Văn Hợi cho biết đây cũng là giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, khác với hợp đồng chuyển nhượng nêu trên, giao dịch này chỉ bị vô hiệu một phần.

"Theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, lãi suất cho vay tối đa là 20%/năm. Phần lãi suất vượt quá sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trong khi phần còn lại vẫn có hiệu lực. Khi đó, bên vay có trách nhiệm trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho bên cho vay", ông Hợi phân tích.

Kẻ cho vay lãi nặng bị xử lý ra sao?

Chung quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết lãi suất cho vay tối đa theo quy định là 20% mỗi năm. Trường hợp lãi suất thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn, mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực. Người vay chỉ phải chịu mức lãi suất cao nhất theo luật định.

Đỗ Đức Ninh cho vay lãi 108-170% mỗi năm, cao hơn gấp nhiều lần mức cho phép.

Đỗ Đức Ninh cho vay lãi 108-170% mỗi năm, cao hơn gấp nhiều lần mức cho phép.

Về chế tài xử phạt, ông Cường cho biết nếu có hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản mà lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 5-15 triệu đồng theo điểm d, khoản 3, Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Nếu lãi suất quá 5 lần mức Nhà nước quy định và hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, người cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu người cho vay thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Dưới đây là hình ảnh bài viết:

z2461464849694_53149bd3d4e5c35b5b6282dfcce7f8ac
z2461467200758_309a5360484aa4addf553930b1103c30
z2461468515140_ab1c3fa367874564cc1bbf23e6395483
z2461469408198_77ee6e0c7c4291472985b7bfadccf0a6