Saigon 247

Saigon 247

2023-07-01 08:24:00

Giải ngân vốn đầu tư công thấp đáng báo động

Kết thúc 5 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai mới đạt hơn 12%, chưa bằng một nửa mức bình quân chung của cả nước. Cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân của cả nước đạt gần 30%.

* Giải ngân nhỏ giọt

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tính đến ngày 31-5, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt hơn 14%. Tuy nhiên, nếu trừ đi số vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2022 sang năm 2023, tỷ lệ giải ngân thực chất theo kế hoạch vốn trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt hơn 12%.

Do chưa có mặt bằng để xây dựng cầu Thống Nhất (thuộc dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa) nên các nhà thầu hiện chỉ có thể thi công đúc các cấu kiện bê tông. Ảnh: P.Tùng

Do chưa có mặt bằng để xây dựng cầu Thống Nhất (thuộc dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa) nên các nhà thầu hiện chỉ có thể thi công đúc các cấu kiện bê tông. Ảnh: P.Tùng

Cụ thể, đối với từng nguồn vốn, với nguồn vốn ngân sách trung ương, kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 598 tỷ đồng thì mới giải ngân được hơn 98 tỷ đồng, đạt hơn 16% kế hoạch vốn. Với nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến cuối tháng 5 mới chỉ giải ngân được gần 16 tỷ đồng trên tổng vốn hơn 1,3 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 1% kế hoạch.

Trong khi đó, với nguồn vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt lần lượt gần 16% và hơn 18% so với kế hoạch. “Tính đến cuối tháng 5-2023, trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn bằng 0%” - ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp, các địa phương đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Đại diện UBND TP.Biên Hòa cho biết, vướng mắc lớn nhất khiến các dự án đầu tư công triển khai chậm, kéo theo tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp chủ yếu đến từ công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, TP.Biên Hòa đang thiếu các khu tái định cư, công tác quy chủ, xác định nguồn gốc đất.

Về phía TP.Long Khánh, Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho hay, trên địa bàn có các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương. Tuy nhiên, thời gian qua, địa phương phải chờ đợi việc ủy quyền của UBND tỉnh để thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể, từ đó lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Đây là điểm vướng chính ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Từ đó, làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Hoàng Sơn cho biết, trên địa bàn huyện có đến 15 dự án có thực hiện thu hồi đất cao su. Thời gian qua, do chưa có phương án thanh lý cây cao su nên các dự án này chưa có mặt bằng để triển khai thực hiện. Vướng mắc lớn nhất khiến các dự án giải ngân thấp là vì chưa có phương án thanh lý cây cao su.

* Phải đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công từng tuần, từng tháng

Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã có chỉ thị về Tăng cường, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư phải có tiến độ chi tiết và bám sát tiến độ thực hiện. Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ giao ban rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Mặc dù vậy, các giải pháp đề ra từ đầu năm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN lưu ý, cùng với việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2023, các chủ đầu tư cũng phải giải ngân hết nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2022 sang năm 2023 vì hết năm sẽ không còn được kéo dài thêm nữa. Không giải ngân hết nguồn vốn này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.Trước tình trạng “có tiền mà không tiêu được” lặp đi, lặp lại nhiều năm, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện kiểm điểm trách nhiệm 6 tháng đầu năm đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp. Đồng thời, sẽ mời các đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp họp để nghe báo cáo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, Sở KH-ĐT yêu cầu các chủ đầu tư, các địa phương lập đường gantt tiến độ của mỗi dự án theo từng tuần và đặt mục tiêu giải ngân nguồn vốn theo từng tuần, từng tháng. “Nếu tiếp tục như thời gian qua thì sẽ không thể nào đạt được mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023” - ông Nguyên chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, với tiến độ như hiện nay, Đồng Nai sẽ khó đạt mục tiêu giải ngân 60% nguồn vốn đầu tư công vào cuối tháng 9 và trên 95% trong năm 2023. Do đó, các chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc với các đơn vị tư vấn. Hồ sơ gửi thẩm định nếu bị trả lại phải trừ vào chi phí tư vấn đã ký. Đối với vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể, Sở TN-MT và Sở Tài chính phối hợp, sớm hướng dẫn các địa phương thực hiện để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Đặc biệt, các đơn vị liên quan phải rà soát từng khâu, sớm tháo gỡ các vướng mắc trong quy trình xây dựng cơ bản. Thường xuyên đeo bám hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu khối lượng thực hiện để nâng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.