largeer

Hải Đăng

Hải Đăng

2022-02-25 10:20:00

Giá vật liệu tăng phi mã, nhà thầu cao tốc Bắc-Nam khó đủ đường

Hàng loạt nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng khi giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ thi công: Thép, xăng dầu, xi măng,… tăng chóng mặt, vượt xa so với giá tại thời điểm bỏ thầu. Trong khi giá vật liệu theo thông báo giá của các địa phương lại chậm ban hành và chưa phản ánh đúng so với giá thị trường, khiến càng nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Giá vật liệu “nhảy múa” chóng mặt

Hiện nay, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang bước vào giai đoạn thi công nước rút, đặc biệt là các dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay như: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các hạng mục cầu, hầm, nền đường,… trên tuyến rất lớn, nhưng hàng loạt nhà thầu đang đối mặt khó khăn, thách thức khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng chóng mặt, nhất là vật liệu thép, xăng dầu.

Chia sẻ với PV Tạp chí Giao thông, lãnh đạo một nhà thầu đang đảm nhiệm thi công hai gói quy mô lớn tại hai dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, thời điểm đấu thầu hai goi thầu vào cuối năm 2020, giá dầu trong dự toán chỉ 11.000 đồng/lít, giờ nhà thầu đang phải đi mua ngoài thị trường với mức 20.000 đồng/lít. “Giá cao mà cũng không có chỗ để mua, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu để tổ chức thi công”, vị này chia sẻ.

Giá dầu mỏ tăng cao kéo theo giá nhựa đường cũng biến động mạnh, hiện gấp khoảng 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Đại diện nhà thầu dẫn chứng, thời điểm bỏ thầu hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, giá nhựa đường chỉ khoảng 11.000 đồng/lít, nay giá thị trường lên tới 18.000 đồng/lít. Ngoài ra, giá xi măng cũng tăng thêm 15%; đất, cát, đá, sỏi, sắt, thép,… ở các địa phương cũng tăng vài chục % và rất khan hiếm.

Đề cập đến giá thép, đại diện nhà thầu này cho biết, đơn vị đang tổ chức thi công cầu Vĩnh An tại gói thầu XL13, cao tốc Mai Sơn - QL45. Tháng 9/2020, khi bỏ thầu gói thầu này, giá thép trên thị trường khoảng 11.000 đồng/kg. Đến thời điểm bắt đầu tổ chức thi công từ tháng 12/2020, giá thép mua vào đã tăng lên 12.000 đồng/kg.

“Hiện nay, nhà cung cấp báo giá thép cho doanh nghiệp lên tới 18.000 đồng/kg, tăng khoảng 60% so với giá bỏ thầu. Cầu Vĩnh An có giá trị xây lắp khoảng 212 tỷ đồng, nhưng giá trị thép đã chênh lệch so với giá bỏ thầu khoảng 30 - 40 tỷ đồng, chưa kể các vật liệu khác như xăng dầu, xi măng cũng đang tăng thêm rất nhiều khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện nhà thầu chia sẻ.

Lo lắng về giá thép tăng cao khi đơn vị đang đảm nhiệm thi công nhiều hạng mục cầu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, ông Trần Quang Tuyến - Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường chia sẻ: “Nếu nhà thầu chỉ xây dựng 1 cây cầu nhỏ cần khoảng 100.000 tấn thép thì mức tăng giá thép hiện nay so với giá ban đầu bỏ thầu đã khiến nhà thầu lỗ khoảng 8 tỷ đồng. Đối với các cầu lớn thì mức lỗ còn lớn hơn rất nhiều”.

Thi công cầu Vĩnh An tại gói thầu XL13 cao tốc Mai Sơn - QL45

Thi công cầu Vĩnh An tại gói thầu XL13 cao tốc Mai Sơn - QL45

Nhiều địa phương chậm ban hành thông báo giá

Không chỉ giá nguyên vật liệu đầu vào, giá nhân công cũng đang tăng cao, nhiều nhà thầu rất khó tuyển thêm nhân sự vào làm việc, nhất là tại các dự án cao tốc ở khu vực phía Nam. “Giá nhân công đang chịu nhiều sức ép do tác động của đại dịch Covid-19. Đơn giá nhân công ở các khu công nghiệp địa phương đang rất hút người lao động khiến việc tuyển người làm giao thông rất khó, nhất là đặc thù làm giao thông theo ca, kíp, phải vượt nắng, thắng mưa trên công trường”, lãnh đạo một doanh nghiệp giao thông lớn chia sẻ và cho biết thêm, thực tế, giá nhân công tại các dự án giao thông hiện nay đã tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi so với đơn giá, định mức.

"Trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, các nhà thầu càng làm càng lỗ, càng làm càng khánh kiệt. Bởi khả năng gánh chịu của nhà thầu chỉ có giới hạn, trong khi chi phí tăng đột biến không ngừng. Tôi biết có những nhà thầu thi công trên cao tốc đang lỗ đến 30%”, vị này nói thêm.

Trao đổi với Tạp chí Giao thông, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, giá nguyên vật liệu tăng mạnh trong thời điểm hiện nay đã tác động rất tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các dự án cao tốc. Theo vị này, các gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công đều áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết thêm, chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng giá và chỉ số giá không theo kịp giá thị trường.

“Chính điều này đã khiến việc áp dụng chỉ số điều chỉnh giá bù cho nhà thầu theo tháng, theo đợt thanh toán gặp nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện được. Đặc biệt, đối với các loại nhiên vật liệu có mức tăng đột biến, chỉ số giá mà địa phương công bố chưa phản đúng giá thị trường khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, ảnh hướng đên tiến độ triển khai dự án", đại diện Ban QLDA Thăng Long chia sẻ.

Theo thông tin của Tạp chí Giao thông, trước tình hình giá nguyên vật liệu tăng phi mã, trong thời gian qua, các ban quản lý dự án đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung điều khoản hoặc thỏa thuận hợp đồng trường hợp được phép điều chỉnh giá như giá cả vật tư tăng, giảm đột biến quá lớn so với phạm vi dự phòng phí của dự án.

Đối với các dự án chưa vượt tổng mức đầu tư, đề nghị cho phép sử dụng dự phòng của dự án để điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, bổ sung dự toán các gói thầu và cho phép điều chỉnh đơn giá hợp đồng do biến động giá thép trong thời gian qua, trường hợp vượt tổng mức đầu tư thì được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án để làm cơ sở thực hiện.

Trước đó, vào giữa năm 2021, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các địa phương đôn đốc việc công bố giá, chỉ số giá và báo cáo về tình hình biến động trượt giá của vật liệu xây dựng.

Theo Tạp chí GTVT