largeer

Mèo mun

Mèo mun

2022-03-15 16:30:00

Giá trứng, gạo, dầu ăn, mì tôm... đồng loạt tăng, người tiêu dùng choáng váng

Đua theo giá xăng, giá hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng cũng đồng loạt tăng khiến người tiêu dùng không khỏi choáng váng.

photo1647311997623-16473119977891689759527

Theo khảo sát của phóng viên, thời gian gần đây, chi phí xăng, gas, gạo, dầu ăn... đồng loạt tăng mạnh đang gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng.

Cụ thể, giá các loại gạo Lài Nhật, Tám Thái, Tám Điện Biên, Tám Hải Hậu trước dao động từ 160.000-180.000 đồng/bao loại 10kg thì nay tất cả các loại đều tăng thêm 20.000-40.000 đồng/bao.

Tương tự, dầu ăn Meizan Gold trước giá 62.000 nghìn đồng/chai 2 lít giờ tăng lên 102.000 nghìn đồng; sữa tươi TH True Milk ít đường trước 320.000 nghìn đồng/thùng 48 hộp 180ml nay có giá 395.000 nghìn đồng/thùng, sữa Vinamilk ít đường có giá 340.000 nghìn đồng/thùng 48 hộp 180ml (tăng 40.000 đồng), mì lẩu thái tôm có giá 173.100 đồng/thùng 30 gói, mì Hảo Hảo giá 103.800 đồng/thùng 30 gói, giá trứng vịt 33.000-35.000/chục, trứng gà đỏ 28.000-30.000 đồng/chục...

Trước đó, đầu tháng 3, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott cũng thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam cũng tăng 5% giá bán lẻ 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi.

Chia sẻ với phóng viên, chị Mai, tiểu thương bán tạp hóa tại chợ Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, "Giá nhập đầu vào đường mỗi bao 10kg tăng thêm 80.000-100.000 đồng. Các loại mì như Omachi, Hảo Hảo, Đệ Nhất... tăng từ 1.000-2.000 đồng/gói. Chưa năm nào giá hàng hóa lại liên tục tăng như vậy. Thông thường, thời điểm này các doanh nghiệp sẽ giảm giá nhằm kích cầu thu hút người mua nhưng năm nay lại đi ngược lại với xu hướng".

Chị My (Quan Nhân, Đống Đa) cho biết, "Giá mọi loại hàng hóa từ gạo, dầu ăn, rau cỏ đều ăn theo giá xăng mà tăng. Tôi thường đi chợ mua đồ ăn cho nhà 5 người hết khoảng 300.000 đồng/ngày thì nay phải lên tới 400.000 đồng/ngày mới đủ. Lương không tăng mà chi phí đắt đỏ càng ngày càng khó khăn”

Mới đây, Chứng khoán VnDirect nhận định, không chỉ thép mà giá hàng hóa toàn cầu đang tăng lên đỉnh 14 năm. Chỉ số S&P GSCI, thước đo bao quát giá các nguyên vật liệu thô, đã tăng 5,02% trong phiên đầu tháng 3 lên 3.921,5 điểm-cao nhất kể từ năm 2008. Giá năng lượng tăng kéo theo hiệu ứng chi phí đẩy lên giá kim loại, trong đó, nhôm có lúc tăng 3,6% lên đỉnh mới 3.850 USD một tấn trên sàn giao dịch kim loại London, giá đồng cũng cận kề đỉnh thời đại và giá quặng sắt tương lai tại Singapore trên đà tăng 15%, mạnh nhất hơn 3 tháng.

Giá lúa mỳ lên cao nhất từ năm 2008 vì lo ngại thiếu cung toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine làm mất khoảng 25% sản lượng xuất khẩu của mặt hàng thiết yếu này. Giá lúa mỳ tương lai trên sàn Chicago tăng kịch biên độ 6,6% lên 12,09 USD/bushel.

Gánh nặng lên các chuỗi cung ứng chỉ vừa mới cải thiện sau đại dịch giờ lại càng trầm trọng thêm khi Mỹ, châu Âu và đồng minh áp lệnh trừng phạt lên Nga. Nga và Ukraine cũng là những nước xuất khẩu lớn năng lượng, kim loại và ngũ cốc như paladi, nhôm, niken, lúa mì và ngô – nguồn cung bị bóp nghẹt làm gia tăng lo ngại về tình trạng khan cung kéo dài, giá hàng hóa dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

Minh Ngọc / Theo Nhịp sống kinh tế