Du lịch nông thôn - hướng đi mới đầy tiềm năng cho du lịch Việt Nam
Du lịch nông thôn có thể được hiểu là loại hình du lịch mà du khách từ những nơi khác đến với một vùng nông thôn để nghỉ dưỡng hoặc trải nghiệm lối sống, văn hóa của cộng đồng nông thôn đó,....từ đó tạo ra những lợi ích về kinh tế và xã hội cho địa phương.
Ở Việt Nam, Du lịch nông thôn đang dần trở thành một xu hướng mới, một “món ăn lạ” bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá... Loại hình du lịch này được dự báo sẽ có tiềm năng, sức lan tỏa mạnh mẽ và có thêm nhiều động lực phát triển trong thời gian tới.
Du lịch nông thôn có thể được chia thành 3 loại hình chính: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản.
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch chủ yếu dựa vào tự nhiên, bao gồm các hoạt động tham quan các khu vực tự nhiên với mục đích thưởng ngoạn phong cảnh, tìm hiểu về động thực vật hoang dã ở địa phương.
Với hình thức du lịch chính thứ hai thuộc du lịch nông thôn – du lịch nông nghiệp, khách du lịch nông nghiệp thường tham quan nông trại trồng trọt hoặc chăn nuôi, tham gia các khóa học làm vườn hoặc chế biến nông sản, tham quan triển lãm nông nghiệp, lễ hội hoa với mục đích trải nghiệm hoặc học hỏi.
Cuối cùng, du lịch di sản ở vùng nông thôn là các hoạt động như tham quan đền chùa, tượng đài, di tích liên quan đến lịch sử, chiến tranh, nghệ thuật hoặc địa điểm khảo cổ.

Lợi ích của du lịch đối với sự phát triển của cộng đồng nông thôn
Du lịch nông thôn tuy là một thị trường nhỏ trong toàn ngành du lịch nhưng có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các vùng nông thôn. Du lịch vốn được xem là một trong những trụ cột chính về kinh tế của nhiều vùng nông thôn trên thế giới.
Theo Tạp chí Con số và Sự kiện, trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Theo đó, hiện DLNT ở nước ta đã được phát triển trên mọi miền đất nước, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông ngiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam.
Loại hình DLNT ở Việt Nam phát triển song song với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều tuân thủ nguyên tắc du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp.
Có thể kể đến các sản phẩm DLNT điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang; tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu tại tỉnh Ninh Thuận và nhiều điểm du lịch gắn với nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, như: Điểm du lịch làng quê Yên Đức (Thị xã Đông Triều); làng nghề gốm sứ Đông Triều; khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (huyện Hoành Bồ); nuôi cấy ngọc trai tại vụng Tùng Sâu (Vịnh Hạ Long); khu đồi trà hoa vàng, ba kích tím ở huyện Ba Chẽ…
Theo Tổng cục Du lịch, nhiều sản phẩm từ ngành Nông nghiệp như thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả, bánh kẹo… của các vùng, miền đã được sử dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn của ngành Du lịch. Việc khai thác nghệ thuật ẩm thực mang tính chất vùng, miền để phục vụ khách du lịch cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động DLNT.
Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch không thể thiếu các sản phẩm từ ngành Nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp của nông dân bày bán tại các điểm du lịch không chỉ đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều so với tiền bán vé tham quan, mà còn là công cụ quảng bá rộng rãi cho mỗi điểm du lịch.
Theo báo cáo của một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp nông thôn ngày một tăng. Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động DLNT đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế mỗi địa phương.
Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.
Thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%. Còn tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm DLNT đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn.
Các mô hình DLNT với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả tại những cộng đồng còn khó khăn và các miền quê trong cả nước…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện phần lớn hoạt động DLNT vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.
Người nông dân vẫn chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm và không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch.
Tại nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Chi tiêu của du khách đối với sản phẩm DLNT chủ yếu là mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở..., chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Đặc biệt, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động DLNT còn hạn chế.
Việc liên kết phát triển DLNT giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các địa phương trong cả nước chưa được triển khai hiệu quả. Nhiều điểm DLNT gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…
Phát triển loại hình du lịch nông thôn không chỉ mang đến lợi nhuận kinh tế cho nhiều phía mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hoá, con người Việt Nam một cách hiệu quả và chân thực nhất.
Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này thực sự hiệu quả và bền vững, đòi hỏi các ngành, các cấp, các đơn vị quản lý, kinh doanh du lịch và người dân địa phương phải phối hợp chặt chẽ, toàn diện.
Cần có những chính sách riêng cho phát triển du lịch cộng đồng, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình tham gia làm du lịch, quy hoạch, tổ chức xây dựng xóm du lịch cộng đồng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, giúp người dân quảng bá và đào tạo nhân lực…