largeer

Đạt Phạm

Đạt Phạm

2022-07-23 09:30:00

Du lịch hè ở miền Đông

Với ngành Du lịch, mùa hè là một trong những mùa cao điểm, các doanh nghiệp du lịch (DNDL), khu du lịch, các điểm đến… đều tập trung nhiều sản phẩm kèm chương trình ưu đãi để thu hút du khách.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo tỉnh và một số địa phương vùng Đông Nam bộ tham quan gian hàng du lịch của Đồng Nai tại hội nghị kết nối du lịch năm 2020. Ảnh: T.Mộc

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo tỉnh và một số địa phương vùng Đông Nam bộ tham quan gian hàng du lịch của Đồng Nai tại hội nghị kết nối du lịch năm 2020. Ảnh: T.Mộc

Là một trong 7 vùng có sự phát triển kinh tế năng động nhất cả nước và là hạt nhân then chốt của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đối với ngành du lịch, Đông Nam bộ cũng có tiềm năng và thị trường khách du lịch rất lớn như: du lịch sinh thái biển - đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM); du lịch sinh thái rừng, hồ, văn hóa - tâm linh, nông nghiệp - nông thôn (Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương…).

Du lịch vào mùa

Ngay từ những ngày cuối tháng 5, các điểm đến, các khu du lịch lẫn khối DNDL đã bắt đầu tung ra những sản phẩm du lịch hè với những ưu đãi nhằm thu hút du khách.

Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm quen thuộc của nhiều người trong mỗi dịp hè về. Anh Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Chuyến Đi Vàng (TP.Biên Hòa) cho biết, Vũng Tàu là một địa điểm du lịch nổi tiếng từ nhiều năm nay do có nhiều bãi biển đẹp và có nhiều dịch vụ đi kèm cũng như khu nghỉ dưỡng, khách sạn có thể đáp ứng đủ các nhu cầu của du khách.

Mỗi năm, công ty của anh Sang tổ chức rất nhiều tour cho du khách tham quan, khám phá các điểm đến du lịch và tắm biển tại Vũng Tàu. Lý do nhiều khách hàng chọn Vũng Tàu làm điểm đến vì ngoài bãi biển đẹp, Vũng Tàu không quá xa với các tỉnh, thành khác, nhất là những tỉnh, thành có thị trường khách lớn như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Đồng Nai đang tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện để du lịch Đồng Nai có sự gắn kết với các tỉnh Đông Nam bộ. Theo đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh sẽ là những ưu tiên hàng đầu, bởi nó không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn tạo sự kết nối về du lịch trong và ngoài tỉnh. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư vào Đồng Nai, đồng thời xây dựng, khai thác các dự án du lịch tiềm năng của tỉnh. Trong đó, tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục cộng đồng, tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của dân cư về ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch nhằm xây dựng môi trường xã hội an toàn, thân thiện, chuyên nghiệp đối với du khách, tạo thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Anh Sang chia sẻ: “Dù khoảng cách không quá xa nhưng với sự phát triển mạnh về du lịch, Vũng Tàu có đủ các dịch vụ có thể phục vụ du khách vui chơi, nghỉ dưỡng và lưu trú dài ngày bởi sự phong phú của các sản phẩm du lịch. Hơn nữa, do khoảng cách di chuyển gần và có nhiều sản phẩm lựa chọn nên sẽ thích hợp cho các gia đình có con nhỏ đang trong kỳ nghỉ hè có thể tranh thủ đi chơi cả gia đình”.

Không chỉ có các sản phẩm du lịch sinh thái biển của Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông Nam bộ còn có các “đặc sản du lịch” khác như du lịch sinh thái rừng, hồ. Chia sẻ về loại hình du lịch sinh thái này, anh Thân Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trị An Adventure cho biết công ty của anh đang có nhiều sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên rừng, thác, những vùng đồng quê… Thực tế, mỗi dịp hè, nhiều phụ huynh muốn con tham gia những tour du lịch vận động để tăng cường sức khỏe và giúp trẻ có thêm những kỹ năng cũng như kiến thức về thiên nhiên nên thường đăng ký cho con tham gia các tour khám phá phù hợp với lứa tuổi. Với kinh nghiệm, đam mê tìm hiểu thiên nhiên và sự uy tín, công ty của anh được nhiều phụ huynh lựa chọn để tham gia các chuyến du lịch khám phá rừng vào dịp hè.

Bà Trần Thị Phương (P.Quang Vinh, TP,Biên Hòa) cho hay, những năm gần đây, bà thường xuyên cho các con đi du lịch, không chỉ thay đổi không khí và vui vẻ bên gia đình, bà luôn hướng con tham gia các tour du lịch khám phá, tìm hiểu thiên nhiên để con có thể vừa chơi, vừa học những kiến thức xã hội.

Bắt tay để tạo sản phẩm du lịch liên vùng

Với những thế mạnh của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ, để sản phẩm du lịch có tính liên kết và xứng tầm của một vùng kinh tế năng động, sầm uất, thời gian qua, các địa phương, DNDL tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ đã tăng cường kết nối, liên kết tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng cấp vùng.

Điển hình là chương trình kết nối hợp tác du lịch cấp vùng Đông Nam bộ đầu tiên diễn ra vào năm 2020 đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ. Thời gian qua, tuy ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, các địa phương vẫn không ngừng kết nối, vừa tạo sự cạnh tranh, vừa liên kết phát triển du lịch.

Du lịch sinh thái rừng, một sản phẩm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai

Du lịch sinh thái rừng, một sản phẩm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai

Theo thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025, đây sẽ là bước tiến nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19. Qua đó, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng tỷ lệ khách du lịch và đầu tư đến các địa phương.

Tại buổi lễ ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch, lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam bộ nhận định, liên kết phát triển du lịch sẽ giúp các địa phương khai thác hiệu quả hơn các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và đặc trưng của vùng như: núi, biển, sông, hồ, rừng, hệ sinh thái đa dạng sinh học... cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch để tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Tại hội nghị liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ năm 2020, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Đông Nam bộ vẫn còn nhiều nơi rất hoang sơ, chưa khai thác hết tiềm năng về du lịch. Do đó, sự liên kết phát triển du lịch là cơ hội của các nhà đầu tư, doanh nghiệp “có tâm, có tầm” đầu tư, khai thác để phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được sự hoang sơ của thiên nhiên, bảo tồn được nét độc đáo của văn hóa địa phương.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, ngành du lịch phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực của ngành cũng như cộng đồng xã hội.

Thủy Mộc/ Đồng Nai