largeer

Mai Anh

Mai Anh

2021-09-03 16:45:00

Dự án 11ha ở Bà Rịa - Vũng Tàu treo gần 20 năm, nay khởi động chỉ thu 7,6 tỷ tiền sử dụng đất!

Khu đất rộng 11ha ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Công ty CP đầu tư Trung Sơn làm dự án từ 2003 tới nay vẫn bỏ không. Điều bất ngờ, trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát pháp lý dự án thì Chi cục Thuế khu vực Xuyên Mộc – Châu Đức có Thông báo Số 1282 ngày 6-2-2020 về việc nộp tiền sử dụng đất và chậm nộp đối với diện tích hơn 11ha đất được giao cho Công ty Trung Sơn, với nghĩa vụ tài chính là 7,6 tỷ đồng!

Theo VTC News thông tin, năm 003, khu đất 11ha trên năm 2003 được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt làm dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm, không thu tiền sử dụng đất. Nhưng theo phản ánh của người dân, gần 20 năm qua, khu đất này vẫn là bãi đất trống khiến nhiều người bức xúc.

Dự án treo gần 20 năm

Mới đây, bà Hà Thị Hòa (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có đơn tố cáo gửi lãnh đạo tỉnh này và các cơ quan báo chí phản ánh việc tỉnh đã giao đất ưu đãi cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng từ năm 2003 đến nay dự án bỏ hoang, gây lãng phí và thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.

Khu đất giao cho Công ty Trung Sơn làm khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm gần 20 năm vẫn bị bỏ hoang.

Khu đất giao cho Công ty Trung Sơn làm khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm gần 20 năm vẫn bị bỏ hoang.

Theo đơn của bà Hòa, khu du lịch (KDL) Trung Sơn - Hồ Tràm do Công ty cổ phần đầu tư Trung Sơn (Công ty Trung Sơn) làm chủ đầu tư có nguồn gốc đất là của Công ty Liên hiệp Dầu thực vật Đồng Nai. Giai đoạn 1987 - 1988, công ty này giao đất cho nhiều người dân địa phương canh tác sản xuất.

Năm 2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty Trung Sơn làm dự án với thời hạn sử dụng đất 50 năm, Nhà nước cho thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm.

Ngày 15/7/2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Quyết định 6561/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án. Đến ngày 10/5/2005, tỉnh ra quyết định điều chỉnh thay đổi từ hình thức cho thuê sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhưng sau đó lại thay đổi thành giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Hai tháng sau đó, Công ty Trung Sơn thế chấp toàn bộ dự án tại ngân hàng để bảo lãnh cho một công ty khác vay tiền dùng vào việc khác thay vì vay vốn để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng.

Theo bà Hòa, trong hai năm từ năm 2003 đến năm 2005 dự án không triển khai, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng lại thực hiện việc chuyển hình thức từ cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất sang hình thức giao đất và ưu đãi không thu tiền sử dụng đất.

"Điều này tạo điều kiện cho Công ty Trung Sơn mang giấy tờ đất đi bảo lãnh cho một công ty khác. Như vậy Nhà nước thất thu ngân sách khi ưu đãi đầu tư sai đối tượng, Công ty Trung Sơn hưởng lợi bằng việc dùng tài sản Nhà nước giao đất không thu tiền để bảo lãnh cho công ty khác vay tiền ngân hàng”, bà Hòa bức xúc.

Quang cảnh dự án KDL Trung Sơn – Hồ Tràm hiện nay.

Quang cảnh dự án KDL Trung Sơn – Hồ Tràm hiện nay.

Theo Sài gòn đầu tư online, khu đất dự án có diện tích hơn 11ha, tọa lạc tại đường ven biển xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT). Hồ sơ pháp lý thể hiện năm 2003, UBND tỉnh BRVT ra quyết định thu hồi đất và giao cho CTCP Đầu tư xây dựng Trung Sơn làm dự án KDL Trung Sơn – Hồ Tràm, với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Nhà nước cho thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm.

Từ năm 2005 đến năm 2014, CTCP Đầu tư xây dựng Trung Sơn bỏ hoang, không thực hiện dự án. Vì vây, năm 2014 UBND tỉnh BRVT ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư về dự án nhưng không thu hồi dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh BRVT, từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án, cụ thể là lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng. Đây là dự án thuộc diện chậm triển khai.

Chính vì vậy, ngày 5-6-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có văn bản số 2520/STNMT-CCQLĐĐ, kiến nghị UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án KDL Trung Sơn - Hồ Tràm. UBND tỉnh cũng đã có văn bản 5854/UBND-VP ngày 27-6-2017, thống nhất với nội dung báo cáo Sở TNMT.

Tuy nhiên đến tháng 7-2017, CTCP Đầu tư Trung Sơn lại tiếp tục có văn bản đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án. Trong thời gian này, chủ đầu tư cũng bất ngờ thực hiện thủ tục xóa thế chấp dự án tại ngân hàng.

Cho đến ngày 1-4-2019, UBND tỉnh BRVT có văn bản số 190/TB-UBND thông báo kết luận cuộc họp thường trực của UBND tỉnh về dự án KDL Trung Sơn. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở TNMT, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ của dự án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy về việc giãn tiến độ dự án.

Điều bất ngờ, trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát pháp lý dự án thì Chi cục Thuế khu vực Xuyên Mộc – Châu Đức có Thông báo Số 1282 ngày 6-2-2020 về việc nộp tiền sử dụng đất và chậm nộp đối với diện tích hơn 11ha đất được giao cho Công ty Trung Sơn, với nghĩa vụ tài chính là 7,6 tỷ đồng!

Khu đất bị quây kín nhiều năm nhưng không triển khai dự án.

Khu đất bị quây kín nhiều năm nhưng không triển khai dự án.

Theo khảo sát, giá đất trong cùng khu vực giao dịch vào thời điểm trên trên dưới 10 triệu đồng/m2. Dư luận đặt câu hỏi, cơ sở nào để cơ quan thuế tính tiền sử dụng đất 7,6 tỷ đồng cho 11ha đất dự án? Đơn giá áp dụng để tính tiền sử dụng đất là năm 2005 hay 2009? Với số tiền thuế thu được có gây thất thoát ngân sách Nhà nước?

Tại báo cáo 130/BCSKHĐT của Sở KHĐT tỉnh BRVT ngày 15-4-2020, về tình hình thực hiện và kết quả xử lý các dự án vốn doanh nghiệp chậm triển khai trên địa bàn BRVT đến tháng 4-2020, cho thấy hiện dự án KDL Trung Sơn - Hồ Tràm vẫn đang vướng trong việc thỏa thuận, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với người dân.

Công ty nhiều lần thương lượng nhưng chưa có kết quả và hiện nay khu đất có hiện tượng lấn chiếm. Công ty đề nghị hỗ trợ hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xem xét giãn tiến độ đầu tư, điều chỉnh quy hoạch 1/500.

Theo Luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp rà soát, xử lý rốt ráo dự án do CTCP đầu tư xây dựng Trung Sơn để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư theo quy định; hàng chục hecta đất bỏ hoang, lãng phí gần 20 năm trách nhiệm thuộc về ai; năng lực của chủ đầu tư và có hay không việc thất thoát ngân sách tại dự án này.

Cũng theo Luật sư Thái Văn Chung, khoản i Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: Đất được Nhà nước giao, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, phải đưa vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng, và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuế đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng.

Không những vậy, đến nay dự án cũng không hề triển khai, khu đất vẫn là bãi đất hoang hóa gần 20 năm.

Theo luật sư Trần Thu, đoàn luật sư TP.HCM, tại mục 5 Điều II Quyết định số 6561 ngày 15/7/2003 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ: Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án trong quá trình triển khai công tác đầu tư và xây dựng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục đầu tư được theo kế hoạch đã cam kết trong tờ trình xin thuê đất, phải giao trả đất lại cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có nhu cầu thuê, đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt.

Điều 64 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng, nếu không sẽ bị thu hồi để đấu thầu, đấu giá để giao đất cho chủ đầu tư khác có năng lực để triển khai dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí đất đai.