largeer

An Nhiên

An Nhiên

2021-10-30 10:22:00

Đồng Nai: Người nuôi dê thiệt hại nặng vì đầu ra ứ đọng do dịch

Do nguồn cung lớn hơn cầu và thị trường tiêu thụ vẫn rất chậm, người nuôi dê đang thua lỗ nặng khi mặt hàng này rớt giá sâu. Ngoài ra, cách tính về giá và số kg bất hợp lý của thương lái với dê quá ký, quá lứa khiến người nuôi càng thiệt hại.

Nuôi dê từng là mô hình đem lại lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi vì người nuôi có thể lấy công làm lời khi nguồn thức ăn chính của vật nuôi này là các loại rau, cỏ có sẵn tại địa phương. Khi thị trường tiêu thụ tốt, 1kg dê hơi người nuôi có thể bán được với giá 140-150 ngàn đồng.

Tuy nhiên, thịt dê không phải là nguồn thực phẩm phổ biến mà người tiêu dùng sử dụng hằng ngày như thịt heo, thịt gà. Thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng này là xuất khẩu đi Trung Quốc; tại thị trường nội địa thì chủ yếu cung cấp cho các quán nhậu, nhà hàng... Theo đó, khi kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đình đốn, tại thị trường nội địa, hàng loạt quán nhậu, nhà hàng đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến vật nuôi này không có đầu ra.

54

Ông Hồ Văn Nghĩa, nông dân nuôi dê tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) bày tỏ lo lắng: “Chỉ tính riêng hơn 10 hộ nuôi ở khu vực xung quanh gia đình tôi đã có hơn 1 ngàn con dê quá lứa xuất chuồng bị tồn vì chưa bán được. Trong đó, khoảng 40% tổng số dê, trọng lượng dê nuôi vượt quá 40kg, mức kg chuẩn để xuất bán vật nuôi này. Với giá dê hơi bán tại trại từ 75-80 ngàn đồng/kg, chỉ tính chi phí giống và tiền mua cám cho dê ăn thêm, chưa tính công nuôi, nhất là công hái rau, cỏ cho dê thì người chăn nuôi đang lỗ hơn 1 triệu đồng/con. Dê già, giá bán chỉ bằng một nửa so với dê đến tuổi xuất bán nên để tồn càng lâu, nông dân càng thiệt hại.

Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Văn Khiêm, hộ chăn nuôi dê tại xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, nhiều hộ chăn nuôi dê tại địa phương rơi vào cảnh dê quá lứa xuất chuồng từ 2-3 tháng nay nhưng hiện vẫn tồn trong trại nuôi. Trong thời gian các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, người nuôi hầu như không xuất bán được con dê nào. Đến nay, người nuôi dê vẫn như “ngồi trên lửa” vì thương lái chỉ thu mua “nhỏ giọt”, gọi cả tuần họ mới đến bắt, mỗi đợt thường chỉ bắt từ 5-7 con. Trong khi đó, hộ nuôi ít cũng vài chục con, hộ nhiều đến vài trăm con nên không biết đến bao giờ mới tiêu thụ hết nguồn dê còn tồn.

Theo ông Khiêm: “Một thiệt thòi rất lớn khác cho người nuôi dê là cách tính kg khi thu mua của thương lái, dù con dê có trọng lượng hơn 50kg nhưng người mua chỉ trả tiền 40kg, số kg vượt quy định không được tính. Theo cách tính này, mỗi con dê bán dưới giá thành sản xuất, người nuôi còn mất trắng từ vài kg đến cả chục kg dê hơi”.

Báo Đồng Nai thông tin, riêng dê, H.Cẩm Mỹ vẫn còn tồn khoảng 5,7 ngàn con. Nguyên nhân là mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kênh tiêu thụ này hầu như bị đình đốn khiến dê đến lứa không thể xuất bán.

Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho hay, từ đầu năm đến nay, tổng đàn dê của huyện tăng 524% so với cùng kỳ năm ngoái do đặc thù của địa phương có lợi thế phát triển mô hình chăn nuôi này. Toàn huyện hiện có hơn 4 ngàn ha tiêu, người dân thường trồng cây gòn làm trụ tiêu. Đây lại là nguồn thức ăn rất tốt cho dê nên mô hình nuôi dê từng mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi tại địa phương. Hiện địa phương này vẫn đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ dê cho nông dân.

Đây là tình hình chung của người nuôi dê tại những địa phương khác của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Long, nông dân nuôi dê tại xã Phú Túc (H. Định Quán) chia sẻ, khi các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, người nuôi dê tại địa phương hầu như không xuất bán được vật nuôi này. Suốt nhiều tháng qua, ông đại diện cho người nuôi dê tại địa phương làm đầu mối liên hệ các nơi nhằm tìm kiếm cơ hội bán hàng nhưng đến nay vẫn không tìm được nơi tiêu thụ. Vài tuần trở lại đây, thương lái bắt đầu thu mua lại mặt hàng dê hơi nhưng nhu cầu vẫn rất chậm khiến các hộ nuôi dê tại địa phương còn tồn khá nhiều nguồn dê đã quá lứa xuất bán.