largeer

lili

lili

2022-03-05 08:00:00

Đồng Nai: Hạn chế khai thác nước ngầm tại nhiều khu vực

UBND tỉnh vừa ban hành danh mục vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Đây là những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao hoặc đã bị ô nhiễm, mực nước ngầm bị suy giảm không đủ điều kiện khai thác, trong khu vực đã có nước sạch.

Người dân khoan giếng lấy nước tại TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

Người dân khoan giếng lấy nước tại TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc

Việc hạn chế khai thác nước ngầm là vấn đề cấp bách phải làm, nhưng trong điều kiện nhiều nơi vẫn thiếu nước sạch, nhu cầu ngày càng tăng cần có giải pháp thay thế.

Cấp thiết giảm khai thác nước ngầm

Đồng Nai có trữ lượng nước lớn, nhưng quá trình khai thác, sử dụng nước dưới đất chưa hợp lý đã kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là gia tăng nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún mặt đất. Kết quả nghiên cứu của dự án Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Đồng Nai chỉ ra, một số nơi nước dưới đất có dấu hiệu ô nhiễm amoni, nitrit, nitorat, phenol… Nếu vẫn tiếp tục khai thác nước ngầm, hậu quả ngày càng nghiêm trọng, việc khắc phục sẽ khó khăn, tốn kém và đòi hỏi thời gian lâu dài.

Ông Hứa Quốc Bách, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho rằng, ngoài những lý do trên, các tầng chứa nước phân bố nông, mức độ chứa nước trung bình, nhiều nơi nghèo nước, trữ lượng nước thay đổi theo mùa không đủ điều kiện khai thác nữa. Trên cơ sở kết quả quan trắc, đánh giá, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

Theo quyết định, có gần 600 vùng, khu vực ở 11 huyện, thành phố nằm trong vùng, khu vực, điểm hạn chế khai thác nước ngầm. Đây là các vị trí mà phạm vi khoảng cách nhỏ hơn 1km tới bãi rác, nghĩa trang hoặc khu chôn lấp chất thải; khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung; khu vực đã bị ô nhiễm hoặc đang gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất; khu vực có mức nước ngầm giảm thấp hơn mức cho phép…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT, nước ngầm chỉ mang ý nghĩa là dự phòng và việc hạn chế khai thác nước dưới đất là vấn đề cấp thiết để quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước dưới đất.

Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT và các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, đề án cấp nước sạch. Ngoài ra, việc ban hành danh mục hạn chế khai thác nước dưới đất cũng là một hình thức tuyên truyền, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân.

Giải pháp nào thay thế?

Ngưng khai thác nước ngầm để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ nguồn nước cho tương lai là điều phải làm. Tuy nhiên, khi nhu cầu nước sạch ngày càng tăng, nhiều nơi cả thành thị lẫn nông thôn ở Đồng Nai vẫn thiếu nước sạch thì cần có các giải pháp bổ sung để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án hạn chế khai thác nước dưới đất kèm theo. Nguyên tắc thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất là phải theo lộ trình phù hợp, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước, không làm hạn chế hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong trường hợp khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất chưa có hệ thống cấp nước sạch thì vẫn gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất, ưu tiên phục vụ mục đích sinh hoạt, phòng cháy, chữa cháy, chống thiên tai… nếu đủ điều kiện theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã ban hành, các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho các vùng bị hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án Cung cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 do Sở Xây dựng và Sở NN-PTNT đang hoàn thiện cũng đặt mục tiêu tận dụng, khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất công, nông nghiệp.

Giải pháp được xem là hiệu quả lâu dài để hạn chế khai thác nước ngầm đó là hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo Sở TN-MT, từng địa phương phải ưu tiên nguồn lực cho kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước, làm việc với đơn vị cấp nước sạch đảm bảo cấp nước đủ nhu cầu, ổn định chất lượng tại các vùng hạn chế khai thác nước ngầm, khu vực chưa có nước sạch.

Cho ý kiến về đề án Cung cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 trước đó, Chủ tịch UNND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thống nhất phương án đóng cửa các giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ để hạn chế khai thác nước ngầm.

Trước mắt, mỗi địa phương đề xuất đóng cửa giếng khoan bắt buộc ở một xã/phường, chọn nơi có nhiều vùng hạn chế khai thác nước và đã có nước sạch, sau đó triển khai toàn tỉnh. Để làm được điều này phải xây dựng kế hoạch và lộ trình đóng cửa, tuyên truyền và vận động người dân chuyển sang sử dụng nguồn nước máy.

Trong quyết định ban hành danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT rà soát các công trình cấp nước tập trung đang khai thác nước ngầm. Công trình nào đảm bảo điều kiện thì đưa vào quy hoạch cấp nước của tỉnh, công trình nào không đảm bảo đề xuất lộ trình chuyển đổi nguồn cung, ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt để cấp nước cho khu vực nông thôn. Sở Xây dựng rà soát điều chỉnh quy hoạch cấp nước đô thị và công nghiệp; vận động tổ chức, cá nhân chuyển sang dùng nước mặt từ hệ thống cấp nước tập trung.

Theo Báo Đồng Nai