largeer

LS. Quốc Vũ

LS. Quốc Vũ

2021-10-05 14:20:00

Đồng Nai: Có dấu hiệu của tội phạm trong vụ việc người mặc trang phục dân quân, dân phòng đánh đập hai người dân tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa

Chiều ngày 04/10, tại khu vực chợ K860, đường Yên Thế, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xảy ra sự việc ẩu đả giữa nhóm người mặc trang phục của dân phòng, dân quân với người dân. Sau đó, có hai người dân bị nhóm người mặc trang phục dân quân, dân phòng bắt giữ, đánh đập. Sự việc đã gây xôn xao dư luận sau khi có nhiều đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội. Sau khi xem các đoạn clip, đối chiếu với các quy định pháp luật thì nhận thấy nhóm người mặc trang phục dân quân, dân phòng có các hành vi là dấu hiệu của tội phạm “Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 137, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Theo Tuổi trẻ Online, (trích) Thông tin ban đầu, sự việc xảy ra lúc 12h30 cùng ngày tại khu vực gần chợ K860, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Một nhóm người mặc áo dân quân, dân phòng xảy ra ẩu đả với 2 thanh niên.

Sau đó, nhóm người mặc áo dân quân, dân phòng bắt được 2 thanh niên gom lại một chỗ đè xuống vỉa hè. Lúc này, 2 người mặc áo dân quân và 1 người mặc áo dân phòng dùng gậy liên tục đánh vào chân 2 người dân dù họ không phản kháng. Có người còn đạp thẳng vào mặt bất chấp nạn nhân kêu lên đau đớn.

Cũng tại hiện trường, một người mặc đồng phục công an đứng gần không tham gia vụ ẩu đả nhưng cũng không can ngăn việc đánh người. Thậm chí, khi người dân bày tỏ bức xúc, 2 người mặc áo dân quân và dân phòng cầm gậy đe dọa.

Đoạn clip sau khi đăng lên mạng xã hội đã khiến nhiều người bức xúc về hành động của người mặc áo dân quân và dân phòng cũng như sự thờ ơ của người mặc đồng phục công an. (hết trích)

Theo Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, (trích) Trao đổi với PV, công an TP Biên Hòa cũng xác nhận có sự việc xảy ra như clip đăng tải trên mạng xã hội. Vị này cho biết nguyên nhân ban đầu có người em vượt chốt phong tỏa thì bị lực lượng chức năng canh giữ tại đây giữ lại. Lúc này người anh lấy đá ném lại khiến một bảo vệ dân phố bị thương. Lực lượng dân quân, dân phố bức xúc đã có hành động như clip đăng trên mạng. (hết trích)

Qua nội dung trên, ban đầu xác định được nhóm người trang phục dân quân, dân phòng là lực lượng chức năng canh giữ chốt kiểm soát phòng chống dịch covid-19. Sự việc trên cũng đã được công an TP.Biên Hòa xác nhận “có sự việc xảy ra như clip đăng tải trên mạng xã hội”.

Sau khi xem các tình tiết, diễn biến của sự việc trong clip đăng tải trên mạng xã hội (Fanpage facebook “Trảng Bom 24h”) và đối chiếu với các quy định của pháp luật  tại Điều 137, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì nhiều người, luật gia nhận thấy lực lượng chức năng (02 người dân phòng và 01 dân quân) canh giữ chốt kiểm soát phòng chống dịch covid-19 khu vực chợ K860, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa đã có hành vi bắt giữ, dùng gậy đánh đập vào chân của hai người dân.

Theo Khoản 1, Điều 137 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đối chiếu với các tình tiết, diễn biến của sự việc nêu trên so với các dấu hiệu pháp lý cơ bản của Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (sau đây gọi là tội phạm) được thể hiện qua việc phân tích các khía cạnh sau:

Về khách thể, tội phạm có khách thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe của con người. Theo clip đăng tải trên mạng xã hội, nhóm dân quân, dân phòng đã có hành vi bắt giữ, sau đó dùng gậy đánh đập vào chân của 02 người dân. Hành vi như thế là đã xâm phạm vào quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người (khách thể của tội phạm).

Về mặt khách quan của tội phạm là hành vi dùng vũ lực gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong thi hành công vụ. Theo clip đăng tải trên mạng xã hội, nhóm dân quân, dân phòng đã thực hiện hành vi dùng gậy đánh đập vào chân của người dân (dùng vũ lực). Việc dùng gậy (giống dùi cui cao su_là công cụ hỗ trợ) để đánh đập vào chân của người khác sau khi đã bắt giữ, không có sự kháng cự của người này thì có thể xem đây là hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài các trường hợp pháp luật cho phép (Khoản 1, Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi, bổ sung 2019 quy định các trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ, tức là trường hợp được luật cho phép sử dụng).

Về chủ thể của tội phạm, theo Khoản 1, Điều 137 Bộ luật hình sự quy định quy định chủ thể của tội phạm là “người nào”. Cụ thể là người thi hành công vụ từ đủ 18 tuổi trở lên (trong sự việc trên là dân quân, dân phòng).

Về mặt chủ quan của tội phạm là hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác do cố ý hoặc vô ý. Theo đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội, có thể thấy cách mà dân quân, dân phòng dùng vật (gậy giống dùi cui cao su) để đánh đập vào chân của hai người dân là cố ý, có chủ đích đánh vào chân…

Về phía nạn nhân (người bị đánh trong sự việc trên) phải bị (có) thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khỏe ở mức đáng kể (theo khoản 1, Điều 137 BLHS tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%). Đây là yếu tố bắt buộc phải có để cơ quan có thẩm quyền xem xét định tội, định khung hình phạt. Trong trường hợp trên, hiện tại chưa có tài liệu giám định về thương tật của người bị đánh nên không thể đưa ra nhận định, kết luận về tỷ lệ tổn thương cũng như phán xét việc dân phòng, dân quân trong clip đăng tải trên mạng xã hội có phạm tội hay không.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật, việc xác định một người có tội hay không, phạm tội gì, hình phạt cho người phạm tội là gì… do Tòa án có thẩm quyền xét xử, tuyên án bằng bản án quyết định.

Qua đó thấy rằng, việc dân quân, dân phòng đánh người sau khi bắt giữ như trong clip đăng trên mạng xã hội là hành vi bạo lực, mang tính dã man, phản cảm. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, công bố thông tin đến người dân được biết, tránh gây hoang mang, bức xúc, hiểu lầm trong dư luận. Góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân trong bối cảnh phòng, chống dịch covid-19 như hiện nay.

Vụ ẩu đả giữa hai người dân với lực lượng giữ chốt tại khu vực chợ K860 (hình ảnh cắt từ clip)

Vụ ẩu đả giữa hai người dân với lực lượng giữ chốt tại khu vực chợ K860 (hình ảnh cắt từ clip)

hình ảnh cắt từ clip

hình ảnh cắt từ clip

Người đàn ông mặc áo màu cam bị nhóm mặc trang phục dân quân, dân phòng bắt giữ phía trước cửa hàng Bách hóa xanh (hình ảnh cắt từ clip)

Người đàn ông mặc áo màu cam bị nhóm mặc trang phục dân quân, dân phòng bắt giữ phía trước cửa hàng Bách hóa xanh (hình ảnh cắt từ clip)

Người đàn ông mặc áo cam bị bắt và áp giải về phía khu vực chốt phòng, chống dịch (hình ảnh cắt từ clip)

Người đàn ông mặc áo cam bị bắt và áp giải về phía khu vực chốt phòng, chống dịch (hình ảnh cắt từ clip)

Một người mặc trang phục dân quân dùng gậy chỉ về phía người quay clip, trong khi đó người mặc trang phục dân phòng vung gậy đánh vào người đàn ông bị bắt(hình ảnh cắt từ clip)

Một người mặc trang phục dân quân dùng gậy chỉ về phía người quay clip, trong khi đó người mặc trang phục dân phòng vung gậy đánh vào người đàn ông bị bắt(hình ảnh cắt từ clip)

Người đàn ông bị bắt, ngồi

Người đàn ông bị bắt, ngồi "hứng đòn" (hình ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh người mặc trang phục dân quân đánh vào người đàn ông mặc áo màu xanh (hình ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh người mặc trang phục dân quân đánh vào người đàn ông mặc áo màu xanh (hình ảnh cắt từ clip)

Người mặc trang phục dân phòng vung gậy đánh vào người bị bắt (hình ảnh cắt từ clip)

Người mặc trang phục dân phòng vung gậy đánh vào người bị bắt (hình ảnh cắt từ clip)