largeer

Mây lang thang

Mây lang thang

2021-06-06 08:54:00

Đồng Nai: 'Chạy đua' khởi công dự án Đường vành đai 3

Theo quy hoạch, đường vành đai 3 đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành: Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP.HCM. Đây là tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp liên kết vùng, góp phần phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các đơn vị và các địa phương liên quan đang 'chạy đua' để tháo gỡ vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc dự án Đường vành đai 3 là nguồn vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó, đảm bảo cho dự án khởi công đúng tiến độ dự kiến.

Theo Báo Đồng Nai thông tin:

Vốn giải phóng mặt bằng giảm hơn 350 tỷ đồng

Dự án Đường vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và được điều chỉnh từ năm 2013. Theo quy hoạch, đường vành đai 3 được chia làm 4 đoạn, có tổng chiều dài 89,3km. Đến nay, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (dài 16,3km) đã được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với các đoạn còn lại, dù đã trải qua khoảng 10 năm được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc triển khai xây dựng đường vành đai 3 chủ yếu đến từ việc thiếu vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km là đoạn duy nhất trong 4 đoạn thuộc dự án Đường vành đai 3 đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Ảnh: PHẠM TÙNG

Đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km là đoạn duy nhất trong 4 đoạn thuộc dự án Đường vành đai 3 đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Ảnh: PHẠM TÙNG

Theo quy hoạch, đường vành đai 3 đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành: Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP.HCM. Đây là tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp liên kết vùng, góp phần phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do việc triển khai thực hiện đầu tư chậm so với quy hoạch nên cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GT-VT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư đối với các đoạn còn lại của dự án. Để phù hợp với việc quản lý và huy động nguồn vốn, dự án sẽ được phân chia thành các dự án thành phần gồm: 1A, 1B; 2 (đoạn 1); 3 (đoạn 3) và 4 (đoạn 4). Đối với Đồng Nai, sau khi được phân tách, dự án Đường vành đai 3 có 2 dự án thành phần sẽ được triển khai trên địa bàn gồm dự án thành phần 1A và phân đoạn 2A thuộc dự án thành phần 2.

Hiện nay, dự án thành phần 1A đã được Bộ GT-VT phê duyệt báo cáo tiền khả thi với tổng mức đầu tư khoảng 5,3 ngàn tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng.

Dự án 1A có chiều dài 8,75km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; điểm đầu tuyến giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận H.Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 6,3km.

Theo UBND H.Nhơn Trạch, dự án 1A đi qua địa bàn 2 xã Long Tân và Phú Thạnh, diện tích đất cần thu hồi để phục vụ xây dựng dự án là hơn 49ha với 457 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng (378 hộ dân có đất bị thu hồi và 79 hộ có tài sản trên đất). Đến nay, UBND H.Nhơn Trạch đã công bố phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 381 hộ dân. Đối với các hộ dân còn lại, địa phương cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ.

Tháng 4-2021, tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được Bộ GT-VT giao quản lý dự án), UBND tỉnh cho hay, kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án 1A là hơn 1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện áp giá, kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án 1A hiện chỉ còn hơn 650 tỷ đồng.

Lý giải cho việc giảm hơn 350 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng đối với dự án 1A, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho biết, trước đây, khi chưa thực hiện áp giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Nhơn Trạch tính toán mức kinh phí dự phòng gồm tiền đền bù, hỗ trợ (1,5 lần chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp) thì kinh phí ước tính hơn 1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện áp giá chính thức, diện tích đất nông nghiệp trong khu vực dự án giảm xuống nhiều dẫn đến kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án giảm xuống nhiều và hiện ở mức hơn 650 tỷ đồng.

Nỗ lực khởi công dự án đúng tiến độ

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc dự án Đường vành đai 3 dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong quý III-2021.

Tháng 2-2021, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu với Công ty Pyunghwa Engineering Consultant Ltd (Hàn Quốc). Thời gian qua, đơn vị tư vấn đã triển khai công tác khảo sát và thiết kế. “Dự kiến, đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành toàn bộ công tác thiết kế trong tháng 6-2021. Sau đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ trình phê duyệt thiết kế, dự toán và hồ sơ mời thầu xây lắp. Các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự kiến sẽ triển khai mời thầu trong quý III-2021 và dự án sẽ được khởi công vào cuối quý III hoặc quý IV-2021” - ông Trần Văn Thi cho biết.

Để đảm bảo thời gian khởi công dự án, ông Trần Văn Thi cũng kiến nghị 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM bố trí nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ đã đề ra.

Đối với Đồng Nai, theo kế hoạch, nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án sẽ được lấy từ nguồn thu tiền sử dụng đất của dự án khu dân cư do Công ty CP Freeland trên địa bàn H.Nhơn Trạch nộp. Hiện doanh nghiệp này đã nộp gần 185 tỷ đồng tiền sử dụng đất nên nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án 1A hiện có khoảng 110 tỷ đồng (60% tổng số tiền sử dụng đất do Công ty CP Freeland đã nộp). Do đó, nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hiện còn thiếu hơn 540 tỷ đồng.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh tổng hợp các quy định gửi về UBND tỉnh để UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Riêng UBND H.Nhơn Trạch tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.