largeer

Hải Đăng

Hải Đăng

2021-06-22 16:36:00

Doanh nghiệp khiến dàn lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị đề nghị kỷ luật đang làm ăn lãi lớn

Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2) khiến dàn lãnh đạo tỉnh Bình Dương (nhiệm kỳ 2015-2020) bị đề nghị kỷ luật, có kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế năm 2020 vượt 247% kế hoạch.

Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade, UPCoM: PRT) dự kiến ngày 22/6 tới sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ trực tuyến năm 2021.

Trong đó, nhiều vấn đề “lình xình” của DN này trong giai đoạn 100% vốn sở hữu của tỉnh ủy Bình Dương, có thể sẽ được nhắc lại khi hồi đầu năm này, một số lãnh đạo của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương tiếp tục bị khởi tố liên quan đến việc gây thất thoát “đất vàng”.

Dự án sân golf của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Ảnh: Báo Bình Dương)

Dự án sân golf của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Ảnh: Báo Bình Dương)

Lợi nhuận tăng mạnh, lãnh đạo liên tục “xộ” khám

Theo tài liệu được công bố tại kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay, Ban lãnh đạo cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng một số công ty con, công ty liên kết đã phục hồi từ quý III/2020 và tiếp tục kinh doanh thuận lợi trong quý còn lại của năm 2020 nên kết quả kinh doanh đạt được khá lạc quan.

Cụ thể, kết thúc năm 2020, Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương ghi nhận doanh thu là 962 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch; nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng lên 430 tỷ đồng, vượt 247% kế hoạch đã đề ra.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh năm 2020 khả quan, Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết do nhận được cổ tức từ các khoản đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết là hơn 256 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương cũng ghi nhận doanh thu tài chính do chênh lệch tỷ giá từ khoản cho vay bằng ngoại tệ với Công ty CP Hưng Vượng số tiền 6,4 tỷ đồng và lãi tiền gửi số tiền hơn 20,4 tỷ đồng do thu tiền hủy hợp đồng mua 19% cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Thành từ Công ty CP Hưng Vượng và ông Đặng Công Thanh.

Trên cơ sở lợi nhuận khả quan, Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 sẽ trình tại đại hội là 3% (300 đồng/CP).

Ngoài ra, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương được đề ra với chỉ tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ dự kiến đạt 1.833 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 284 tỷ đồng; chia cổ tức 6%.

Trước đó, theo BCTC quý 1/2021 được công bố, Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương có doanh thu đạt 249,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 66,4 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2021, tổng tài sản công ty là 6.297 tỷ đồng; nợ phải trả là 2.207 tỷ đồng; Tiền và các khoản tương đương tiền lên tới hơn 365,4 tỷ đồng.

Dù kết quả kinh doanh khả quan, dòng tiền tốt… nhưng năm 2020 lại là năm sóng gió với dàn quản trị của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương

Cổ tức mà Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương nhận được từ các công ty con, công ty thành viên năm 2020 (Ảnh: BCTC của doanh nghiệp)

Cổ tức mà Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương nhận được từ các công ty con, công ty thành viên năm 2020 (Ảnh: BCTC của doanh nghiệp)

Cụ thể, hối tháng 4/2020, một dàn lãnh đạo của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam gồm: Ông Nguyễn Văn Minh – cựu Chủ tịch HĐQT, ông Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật). Giai đoạn này, ông Lý Thanh Châu được bầu làm Chủ tịch HĐQT (đến 16/4 đến 12/6/2020).

Tuy nhiên, đầu tháng 1/2021 (ngày 16/1), cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố thêm 4 lãnh đạo của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương gồm ông Nguyễn Thế Sự (cựu Trưởng ban kiểm soát), ông Lý Thanh Châu (thành viên HĐQT kiêm phó Tổng giám đốc), bà Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu kế toán trưởng), và ông Huỳnh Công Phát (cựu Thư ký HĐQT).

Tỷ lệ sở hữu các doanh nghiệp của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (BCTC doanh nghiệp)

Tỷ lệ sở hữu các doanh nghiệp của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (BCTC doanh nghiệp)

Hiện, cổ đông lớn của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương vẫn là Nhà nước chi phối (hơn 60%), trong khi đó, tỷ lệ cổ đông chiến lược, cổ đông lớn thì không được công bố rộng rãi.

Theo dữ liệu mà Dân Việt có được, trước đó trong đợt IPO hồi đầu năm 2018 của PRT, có 3 công ty đã đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần SAM Holdings (Doanh nghiệp nhà ông Trần Anh Vương hay còn gọi là “Shark” Vương) đăng ký mua 13%; Công ty CP Đầu tư U&I (doanh nghiệp của ông Mai Hữu Tín) muốn mua 6% và Công ty TNHH Phát triển đăng ký mua nhiều nhất với 20,91%.

Tuy nhiên, hiện các cổ đông chiến lược này nắm bao nhiêu % vốn của PRT thì không được DN này công bố.

Chuyển nhượng vốn góp để khắc phục sai phạm

Theo tìm hiểu, khu đất vàng 145 ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện đã được đầu tư làm dự án “Harmonie Golf Park” với quy mô 18 lỗ golf, đã đi vào hoạt động. Sân golf này hiện do Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành sở hữu. Theo đó, Tân Thành gồm ba cổ đông chính là Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2; chiếm 30%), Công ty CP Hưng Vượng (chiếm 38%) và Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32%).

Trong diễn biến liên quan, Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển cũng có văn bản gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng đề nghị nhượng lại cổ phần trong Công ty Tân Thành cho Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (gọi tắt là Impco, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương).

Vì vậy, đề xuất trả lại khu đất 145ha thực chất là chuyển nhượng phần vốn góp của các cổ đông tư nhân tại Công ty Tân Thành về cho công ty nhà nước, theo giá trị đầu tư ban đầu theo sổ sách.

Cụ thể, Công ty Hưng Vượng xác định giá trị vốn góp theo sổ sách trên 202 tỷ đồng, Công ty Phát triển là trên 158 tỷ đồng… Như vậy, nếu cộng cả 30% còn lại mà PRT hứa bán thì tổng giá trị mà công ty nhà nước phải bỏ ra để mua lại 100% Công ty Tân Thành là trên 500 tỷ đồng.

Được biết, tới nay văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã có biên bản làm việc với các cổ đông về việc thống nhất chủ trương doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy sẽ nhận mua lại cổ phần theo giá sổ sách ban đầu, nhưng vẫn phải chờ sự cho phép của các cơ quan chức năng.

Như Dân Việt đã đưa tin, liên quan đến 145 ha đất vàng nằm trong khu đất 567 ha thuộc khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương. Tổng Công ty 3-2 có văn bản cho rằng, khu đất này có được là từ vay ngân hàng và huy động vốn từ hợp tác với các đơn vị liên doanh, liên kết. Dù nguồn gốc đất không phải là đất công nhưng khi đó Tổng Công ty 3-2 là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương.

Đáng nói, Tổng Công ty 3-2 đã lấy khu đất, tự định giá để ký hợp đồng liên doanh với hai đối tác Hàn Quốc, lập ra công ty Tân Thành là chủ đầu tư dự án khu đất 145 ha.

Vụ việc khai thác 145 ha bị cho là có nhiều bất thường, khi hai đốc tác Hàn Quốc bất ngờ chuyển nhượng vốn góp trong Công ty Tân Thành cho Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển. Đáng nói, đại diện Công ty Hưng Vượng là ông Nguyễn Văn Minh, khi đó là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3-2 và Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển là bà Nguyễn Thục Anh, là con gái ông Minh.

Theo Dân Việt