largeer

Sư Tử

Sư Tử

2022-05-10 10:30:00

Doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ “chết trên đống tài sản”

Cùng với quá trình khơi thông các điểm nghẽn pháp lý, việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) được đánh giá là rất cần thiết. Bởi, theo các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ không thể "sống" nếu nguồn vốn bị bóp nghẹt.

Nguồn vốn bị tắc, doanh nghiệp “chết mòn”

Trong bối cảnh các doanh nghiệp BĐS đang phải chịu nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, những chính sách có phần mạnh tay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua thực sự là “cú đấm bồi” khiến con đường tìm vốn của các doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Có thể thấy, vai trò của thị trường BĐS trong nền kinh tế là rất lớn. TS Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2021, kinh doanh BĐS đóng góp 3,58% GDP. Thị trường BĐS là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị BĐS. Thống kê cho thấy có tới 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường BĐS với hệ số lan tỏa từ 0,5 - 1,7 lần. 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (5,95% GDP), du lịch (1,97% GDP), lưu trú (1,71% GDP), tài chính - ngân hàng (4,62% GDP) năm 2021.

Doanh nghiệp bất động sản rất cần nguồn vốn để vực dậy sau dịch. Ảnh: Cao Nguyên

Doanh nghiệp bất động sản rất cần nguồn vốn để vực dậy sau dịch. Ảnh: Cao Nguyên

Ngoài ra, ông Lực cho rằng, thị trường BĐS xếp thứ hai về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hằng năm. Lũy kế đến hết tháng 4.2022, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đạt gần 65 tỉ USD, chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký. Thị trường BĐS là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.

Theo nhiều chuyên gia, ở giai đoạn hiện tại, việc tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn cho thị trường này sẽ là một trong những ưu tiên cấp thiết cần triển khai. Tuy nhiên, việc hồi phục và phát triển có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Nếu các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, gói kích cầu kinh tế được thực hiện hiệu quả, nhiều chương trình ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn được triển khai… chắc chắn sẽ là cơ sở và động lực lớn giúp doanh nghiệp BĐS khởi sắc.

Song những yếu tố nói trên không được thực hiện, doanh nghiệp BĐS cũng như lĩnh vực BĐS sẽ tiếp tục trì trệ, nguồn lực đất đai không được khơi thông, dự án ách tắc, DN BĐS có nguy cơ “chết trên đống tài sản”.

Khơi thông nguồn vốn

Theo các chuyên gia, ở góc độ vĩ mô, thị trường BĐS được xem là một trong những “rốn” hấp thụ lạm phát trong bối cảnh các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cần sớm được “hà hơi” thông qua những gói kích thích quy mô. Qua đó, việc tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn cho thị trường này sẽ là một trong những ưu tiên của những nhà làm chính sách.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, để thị trường BĐS sớm phục hồi sau đại dịch, một mặt góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, mặt khác tạo tiền đề cho những lĩnh vực kinh tế liên quan đến BĐS phục hồi theo thì khơi thông nguồn vốn là giải pháp cần ưu tiên.

"Có nhiều căn cứ để tin tưởng vào việc Việt Nam sẽ triển khai quyết liệt và thành công chiến lược bao phủ diện rộng tiêm vaccine, hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng trong đầu năm 2022. Đây chính là điều kiện quan trọng để khôi phục nền kinh tế nói chung và cải thiện dòng vốn cho thị trường BĐS nói riêng" - TS Ánh cho biết.

Nói với Lao Động về giải pháp để duy trì và cải thiện dòng tiền cho thị trường BĐS trong năm 2022, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cần tiếp tục giữ vững lòng tin của các chủ nợ, thị trường và đối tác, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án và mục đích sử dụng vốn vay… cũng như tăng cường chất lượng của các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khi phát hành trái phiếu phải đảm bảo công khai rõ ràng và đúng với quy định pháp luật tăng được uy tín, tên tuổi của doanh nghiệp. Có như vậy, bất động sản mới củng cố được niềm tin đối với các nhà đầu tư, cơ quan chức năng.

“Vốn vay ngân hàng, tín dụng và vốn từ phát hành trái phiếu đang là những nguồn vốn của lực của các doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải hiểu rõ quy luật, cái gì phụ thuộc quá cũng không tốt, vì thị trường luôn biến động và các chính sách có thể thay đổi. Do đó, để phát triển bền vững kể cả trong hoàn cảnh chịu nhiều tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến các nguồn vốn chủ lực, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm kiếm các nguồn vốn, đa dạng hoá nguồn vốn, huy động từ nhiều kênh khác nhau” - ông Thịnh cho biết.

Trong khi đó TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, về câu chuyện vốn trung và dài hạn của ngân hàng cũng chỉ bằng vốn trái phiếu của doanh nghiệp hiện nay trên thị trường với mức trên 20%. Nói để thấy thị trường trái phiếu rất quan trọng với BĐS nói riêng và thị trường nói chung.

“Chúng ta nên nhanh chóng sử dụng công cụ thuế để phòng chống đầu cơ BĐS. Lúc đầu, mức thuế có thể ít nhưng dần dần trong tương lai có thể tăng lên để người dân nhận thức được vai trò của đất đai, tránh tình trạng ôm đất bỏ hoang” - ông Nghĩa nói thêm.

Nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/doanh-nghiep-bat-dong-san-co-nguy-co-chet-tren-dong-tai-san-1043102.ldo