largeer

lili

lili

2022-07-09 11:00:00

Doanh nghiệp bất động sản chới với vì ngân hàng ngừng giải ngân

Dù đã duyệt các khoản vay từ trước đó nhưng hiện nay, nhiều ngân hàng lấy lý do đã hết room tín dụng nên dừng cho vay khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao, hụt dòng tiền.

Đã duyệt khoản vay nhưng không giải ngân

Phát biểu tại tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group cho biết, doanh nghiệp có khoản vay 2.000 tỷ đồng đã được ngân hàng duyệt giải ngân, nhưng đến khi dự án tiến hành xây dựng bị nhà băng dừng cho vay với lý do đã hết room tín dụng. Sự từ chối bất ngờ này khiến doanh nghiệp bị hụt dòng vốn trong quá trình phát triển dự án. Ông Nhật khẳng định, Ngân hàng Nhà nước nói vẫn cho vay bất động sản bình thường nhưng thực tế doanh nghiệp địa ốc tiếp cận vốn ở các ngân hàng thương mại rất khó khăn.

Ông Nhật giải thích, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp bất động sản phải gồng mình vượt qua dịch bệnh. Việc tiếp cận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài cũng gặp trở ngại khi phía đối tác đánh giá hành lang pháp lý chưa ổn do thủ tục dự án kéo dài. Hiện có 4 kênh huy động vốn là từ khách hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước, ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng nhưng đến nay các nguồn này đều vướng. Thông tin ngân hàng siết tín dụng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, khiến nguồn vốn huy động từ người mua cũng bị ách tắc.

Vạn Xuân Group có khoản vay 2.000 tỷ đồng đã được ngân hàng duyệt giải ngân, nhưng đến khi dự án tiến hành xây dựng bị nhà băng dừng cho vay với lý do đã hết room tín dụng.

Vạn Xuân Group có khoản vay 2.000 tỷ đồng đã được ngân hàng duyệt giải ngân, nhưng đến khi dự án tiến hành xây dựng bị nhà băng dừng cho vay với lý do đã hết room tín dụng.

Tương tự, bà Võ Thị Hồng Mai, Phó tổng giám đốc Công ty Asian Holding cho biết, thanh khoản của thị trường nhà ở từ sau mùa COVID-19 đến nay diễn ra rất chậm. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chào bán bất động sản vì khách hàng lo ngại về thông tin ngân hàng siết tín dụng khiến họ không dám xuống tiền mua nhà vì khó tiếp cận vốn vay.

Theo bà Mai, có khách hàng mua nhà để ở và cũng có trường hợp mua đầu tư, trong số đó nhu cầu vay vốn từ ngân hàng khoảng 20-30%. Sau khi có thông tin ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường càng thêm ảm đạm. “Rất mong ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, nới room tín dụng cho doanh nghiệp và cả khách hàng để thị trường có thể hồi phục lại trong 6 tháng cuối năm”, bà Mai nói.

Dẫn bài học nhãn tiền từ Trung Quốc sau khi ban hành chính sách giới hạn tín dụng bất động sản vào cuối năm 2020, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính phân tích, chưa đầy 1 năm sau khi triển khai siết vốn tín dụng, thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu thiếu hụt nguồn cung, chủ đầu tư không có tiền chi trả cho nhà thầu thi công, khiến các dự án đang triển khai bị đình trệ.

Bước sang năm 2022, doanh số bán nhà tháng 4 tại Trung Quốc giảm đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái; đầu tư bất động sản giảm 2,7%; đầu tư hạ tầng giảm 6,5%, thất nghiệp lên đến 6,7%. Chưa kể, nguồn cung thiếu hụt đột xuất trong khi nhu cầu vẫn có đã đẩy giá nhà tại Trung Quốc tăng trở lại, mục tiêu siết tín dụng để ghìm giá nhà coi như bất thành. Chính phủ Trung Quốc đã phải thay đổi chính sách, khuyến khích một số địa phương có thể mở cửa trở lại cho tín dụng lĩnh vực bất động sản, tùy tình hình dự án. Nhờ các động thái nới lỏng, khơi thông dòng vốn, giao dịch bất động sản ở Trung Quốc trong tháng 5 đã dần ấm lên.

“Nếu tiếp tục siết tín dụng bất động sản, thị trường sẽ có một số tác động không tốt, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Khi ngân hàng dừng cho vay, hàng loạt dự án dừng lại, điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm ra thị trường mà còn ảnh hưởng đến việc làm xã hội, cũng như ảnh hưởng tăng trưởng. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà nhưng không đủ năng lực tài chính để trả một lần mà không tiếp cận được vốn vay thì việc mua bán nhà ắt sẽ chậm lại”, ông Thịnh nói.

Không siết tín dụng với bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) xác nhận, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang rơi vào tình trạng “khát” vốn do không thể tiếp cận tiền vay ngân hàng. Hai tháng qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản, việc vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất khó khăn. Nhiều ngân hàng trả hồ sơ vay vốn với lý do hết quota tín dụng, số khác thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản.

Thị trường bất động sản đang bị nghẽn vì thiếu dòng tiền.

Thị trường bất động sản đang bị nghẽn vì thiếu dòng tiền.

Chủ tịch HoREA phân tích, doanh nghiệp địa ốc phát triển dự án dựa trên các nguồn vốn như vốn sở hữu, vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI. Trong đó, vốn chủ sở hữu theo quy định tại luật Đất đai rất thấp, chỉ chiếm từ 15-20%. Còn 80-85% phải huy động từ các kênh khác. Chưa kể, từ sau khi có Nghị định 20 từ Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản không được vay tiền để mua đất ở các ngân hàng thương mại, chỉ được vay để thực hiện dự án khi đã có đất. Việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp địa ốc.

Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cũng khẳng định, không có sự hạn chế mà phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của người mua nhà chứ không phải cho vay để gom đất đầu tư. Đối với các dự án của chủ đầu tư, BIDV chú ý đến năng lực tài chính của khách hàng, vốn tự có như thế nào, huy động ra sao, sau đó tính đến tiền vay, phát hành trái phiếu, các loại chứng khoán, cổ phần. “Những dự án chủ đầu tư có kinh nghiệm, tính khả thi, vị trí phù hợp và khả năng bán hàng tốt sẽ được cho vay. Doanh nghiệp cũng phải liệu cơm gắp mắm, tránh đầu tư dàn trải”, ông Phương nói.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, không có chuyện cơ quan này chỉ đạo siết tín dụng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chỉ kiểm soát rủi ro đối với các tổ chức tín dụng cho vay bất động sản có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn giá. Với các dự án hiệu quả, khả thi, chứng minh được phương án thực hiện, doanh nghiệp không bị giới hạn cho vay. Quyền quyết định cho vay hay không là của các ngân hàng thương mại.

Duy Quang/ TPO