largeer

Mây lang thang

Mây lang thang

2021-12-26 10:45:00

Điểm tin BĐS: Xây cầu vượt biển nối sân bay Cam Ranh về Nha Trang, khan hiếm địa ốc đồi Hạ Long, đất nền còn giữ ‘ngôi vương’ dịp Tết?

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, xây cầu vượt biển nối sân bay Cam Ranh về Nha Trang, bất động sản đồi Hạ Long ngày càng khan hiếm… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Các chuyên gia dự báo kịch bản sốt đất nền sẽ không diễn ra dịp Tết Nguyên đán năm nay. (Nguồn: Infonet)

Các chuyên gia dự báo kịch bản sốt đất nền sẽ không diễn ra dịp Tết Nguyên đán năm nay. (Nguồn: Infonet)

Đất nền có hút tiền sau Tết?

Dù vẫn là kênh đầu tư giữ "ngôi vương" của thị trường BĐS, nhưng các chuyên gia dự báo kịch bản sốt đất nền sẽ không diễn ra dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Chia sẻ tại Tọa đàm BĐS với chủ đề: "Giao dịch trở lại, đất nền có sốt giá cuối năm", các chuyên gia khẳng định có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Đầu tiên là đà phục hồi kinh tế - xã hội. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế dẫn số liệu cho thấy, các chỉ số kinh tế - xã hội trên cả nước đã phục hồi 80-85%; nhiều doanh nghiệp tại TPHCM cho biết cũng đã mở lại 90-95% hoạt động so với trước dịch.

Thứ hai là tâm lý đầu tư mang tính mùa vụ. Cuối năm, người ta thường muốn mua một mảnh đất hoặc căn nhà để làm của đề dành sau một năm làm việc. Thứ ba là lãi suất hiện nay về cơ bản tương đối thấp. Theo ông Lực, lãi suất cho vay mua nhà hiện phổ biến trong khoảng 9-10%/năm với thời hạn vay 13-15 năm, thậm chí lâu hơn. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn kích cầu ở thời điểm hiện nay đã tung ra những chính sách bán hàng cũng như gói cho vay khá hấp dẫn.

Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cũng đang đề xuất nhiều gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có một số chính sách sẽ tác động đến thị trường BĐS. Nổi bật là gói cho vay mua nhà ở quy mô 60.000 - 65.000 tỷ đồng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất, tương tự như gói giải cứu 30.000 tỷ đồng được tung ra hồi 2013.

Gói cho vay với nhà ở xã hội cũng sẽ tiếp tục được triển khai, với lãi suất hiện tại vào khoảng 4,8%/năm. Thị trường này được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến nếu quy định bắt buộc khu công nghiệp phải có nhà ở dành cho công nhân được thông qua.

Mặc dù khẳng định, đất nền vẫn là kênh đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng, trong ít nhất 3 tháng tới, sẽ khó có khả năng xảy ra cơn sốt đất trên diện rộng như tình trạng trước năm 2018.

Nguyên nhân, theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam, là do kinh tế và thu nhập của đại đa số người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến thị trường thứ cấp (tức mua đi bán lại) chưa có nhiều sôi động. Thông thường, thị trường thứ cấp nhộn nhịp mới tạo đà cho thị trường sơ cấp (mua lần đầu từ chủ đầu tư).

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, chính quyền các địa phương đã có động thái mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát thị trường, ngăn chặn những thông tin bơm thổi.

"Nếu gọi là sốt đất trên diện rộng hoặc sôi động như những năm trước thì hầu như không có. Sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng xẹp rất nhanh, độ khoảng một tuần đến 10 ngày là hết. Bởi vì những nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông", ông Hoàng phân tích.

Sóng đầu tư sẽ tập trung tại những khu vực được hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông hoặc những nơi sắp có sự chuyển đổi về mặt đô thị.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.

Đến năm 2030, phấn đấu tăng tỉ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85-90%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75-80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc đặc biệt là khu vực đô thị; 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn cung kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán.

Đối với các hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu sổ và miền núi, hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cải thiện nhà ở theo hướng: Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; tăng mức vay ưu đãi cũng như đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa và lồng ghép việc hỗ trợ từ các nguồn vốn hợp pháp khác; tăng chất lượng và tăng diện tích tối thiểu của ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với các hộ có nhà ở trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (bão, lũ, sạt lở đất,...), hỗ trợ theo hướng cho vay ưu đãi để xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cao chất lượng căn nhà, tăng khả năng chống chịu của nhà ở; đối với một số khu vực nguy hiểm thực hiện hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại các khu vực an toàn từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhà ở gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; nhóm giải pháp về quy hoạch, phát triển quỹ đất; nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; giải pháp phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; nhóm giải pháp về nguồn vốn và thuế; nhóm giải pháp phát triển thị trường BĐS; giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; nhóm giải pháp khác.

Xây cầu vượt biển nối sân bay Cam Ranh về Nha Trang

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025.

Theo quyết định, có 3 khu vực của TP Nha Trang được điều chỉnh cục bộ, gồm: Cảng Nha Trang và vùng phụ cận (tại P.Vĩnh Nguyên và P.Vĩnh Trường); đảo Hòn Tre - Hòn Một (P.Vĩnh Nguyên); khu vực Hòn Thị (xã Phước Đồng).

Tổng điều chỉnh quy hoạch cục bộ khoảng 1.276,56 ha, chiếm 4,5% diện tích tự nhiên theo Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012.

Trong đó, chuyển đổi chức năng đất đồi núi khoảng 1.162 ha, đất chưa sử dụng 14,75 ha, đất mặt nước 24,9 ha, đất du lịch dịch vụ 64,3 ha, đất giao thông và công trình đầu mối 10,25 ha… Mục đích chuyển đổi thành đất trung tâm đô thị du lịch.

Đặc biệt, Thủ tướng đã đồng ý cho xây dựng mới cầu Hòn Rớ, chạy qua cửa sông Quán Trường. Cây cầu này sẽ nối từ đường Trần Phú với đại lộ Nguyễn Tất Thành, tạo thành con đường ven biển liên tục chạy từ sân bay quốc tế Cam Ranh về TP Nha Trang. Các chỉ tiêu về mật độ xây dựng tại đây vẫn giữ nguyên là tối đa 40% và 40 tầng.

Phoenix Legend - MGallery, một trong những dự án cuối cùng phát triển trên đồi tại Hạ Long.

Phoenix Legend - MGallery, một trong những dự án cuối cùng phát triển trên đồi tại Hạ Long.

BĐS đồi Hạ Long ngày càng khan hiếm

Trong bối cảnh quỹ đất đồi Hạ Long đang dần hạn hẹp, nguồn cung BĐS ở khu vực này ngày càng trở nên khan hiếm.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Hạ Long được cho là đã phát triển nóng trong thời gian vừa qua nhờ chính sách phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Để phát triển du lịch, Quảng Ninh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch kết nối liên vùng từ sân bay đến các danh thắng, di tích, các điểm tham quan du lịch.

Dự kiến đây sẽ là quy hoạch “xương sống” cho hành trình kiến tạo Hạ Long trở thành một đô thị đa cực và cũng là "cơ hội vàng" để Hạ Long có đủ thế và lực phát triển đồng bộ, xứng tầm là một thành phố trực thuộc Trung ương, một thành phố xanh bên bờ di sản theo “Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn 2050”.

Nhờ những thế mạnh trên, thị trường BĐS Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi có hàng loạt chủ đầu tư đổ về làm dự án du lịch nghỉ dưỡng trên đồi như FLC, BIM Group, Thuận Phát…

Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất đồi Hạ Long đang dần hạn hẹp, nguồn cung BĐS ở khu vực này ngày càng trở nên khan hiếm. Mới đây, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo về việc rà soát quy hoạch, chủ trương đầu tư dự án khu vực đồi, rừng tại TP. Hạ Long.

Theo đó, thống nhất chủ trương tạm dừng triển khai các dự án chưa được giao đất, chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư nằm trong ranh giới rà soát (mới được chấp thuận chủ trương, địa điểm nghiên cứu quy hoạch hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết).

Sau khi quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ xem xét cụ thể.

Chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là phù hợp so với thực tiễn phát triển của địa phương. Đặc biệt đối với các khu vực đồi tại P. Hùng Thắng và P. Bãi Cháy sẽ chỉ dành phát triển công viên cây xanh đô thị, cây có giá trị cảnh quan và kết hợp khai thác du lịch.

Sở hữu di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, những năm qua TP. Hạ Long được biết đến là thủ phủ, đô thị phát triển năng động nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Thông tin trên đã thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn của giới đầu tư đối với các BĐS đồi vốn dĩ đã khan hiếm nay lại càng khan hiếm hơn. TP. Hạ Long đang là "mảnh đất vàng" thu hút các nhà đầu tư, là tâm điểm du lịch nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn hàng đầu trong nước và quốc tế.