largeer

Loa phường

Loa phường

2021-09-09 09:00:00

Dịch Covid-19 đã cướp đi người thân của 250 trẻ em ở TP.HCM

Thông tin trên được ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), đưa ra tại hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong đại dịch Covid-19, tổ chức ngày 8/9.

Ông Nam cho biết trong khi dịch bệnh ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội, phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài tác động đến sức khỏe và dinh dưỡng, dịch bệnh gây ra gián đoạn trong học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; đặc biệt với trẻ em bị mắc Covid-19, bị cách ly tại các khu cách ly tập trung.

Đề xuất tiêm vaccine cho trẻ em

Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, nhiều trẻ em mồ côi do cha mẹ tử vong vì Covid-19, hoặc không có người chăm sóc do cha mẹ, người thân bị nhiễm nCoV phải đi điều trị hay cách ly tập trung. Trong đợt dịch lần 4 này tại TP.HCM, gần 250 trẻ em bị mồ côi cả cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ mất vì dịch bệnh.

"Đây là vấn đề sẽ tác động lâu dài đến trẻ. Khi hết dịch, trẻ không còn cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển sau này", ông Nam lo ngại.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của các em khi ở những nơi bị cách ly và phong tỏa nhiều ngày. Covid-19 cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo lực, mất an toàn do giãn cách xã hội và suy thoái kinh tế, người lớn mất việc làm.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến về chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đại dịch, ngày 8/9. Ảnh: Molisa.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến về chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đại dịch, ngày 8/9. Ảnh: Molisa.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh giải pháp ưu tiên là phải điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm nCoV tại các cơ sở y tế và trẻ em phải cách ly để phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung. Ngoài ra, trẻ cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý.

Bà Hà kiến nghị các cơ quan, ban ngành sớm xây dựng, đề xuất, phương án đề nghị viện trợ, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine để báo cáo Thủ tướng chủ trương, kế hoạch tiêm chủng phòng Covid-19 cho trẻ em và người dưới 18 tuổi.

Đồng thời, ưu tiên vaccine cho trẻ em trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung, học sinh tại các điểm nóng về dịch bệnh, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Về chính sách hỗ trợ, các địa phương cần triển khai kịp thời, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi. Các chính sách hỗ trợ trẻ em là F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cần được đẩy mạnh.

Với trẻ em không có cha mẹ, người thân chăm sóc do dịch Covid-19, các địa phương cần triển khai việc thiết lập các cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế.

Chưa có khuyến cáo tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi

Theo TS Annie Chu, Điều phối viên Nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO tại Việt Nam, các bằng chứng hiện có cho thấy trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do mắc Covid-19 so với các nhóm tuổi khác.

Chuyên gia của WHO cũng khuyến nghị các quốc gia chỉ xem xét sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi khi đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao với 2 liều trong các nhóm ưu tiên. Việc này đã được đề cập trong lộ trình ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 của WHO.

"Chúng ta chưa có dữ liệu về hiệu quả hoặc độ an toàn của vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Do vậy, trẻ dưới 12 tuổi chưa nên được tiêm chủng cho đến khi có dữ liệu này", TS Annie Chu cho biết.

Ngoài ra, các thử nghiệm vaccine cho trẻ em đang tiếp tục được triển khai và WHO sẽ cập nhật các khuyến nghị khi có các bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ học cần thiết, phù hợp để thay đổi chính sách.

Theo đại diện của WHO tại Việt Nam, trong khi nguồn cung cấp vaccine còn hạn chế, ưu tiên hiện nay là tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao vẫn chưa được tiêm chủng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm người cao tuổi, những người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, đến hết ngày 31/8, cả nước có hơn 11.800 trẻ em là F0, hơn 27.300 trẻ em là F1. Trong đó, TP.HCM là địa phương có số trẻ em F0 và F1 cao nhất cả nước với 2.463 trẻ đang điều trị.

Theo Bộ Y tế, từ ngày 5/7 đến 30/7, khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Nhiều trẻ em nhiễm nCoV có chuyển biến nặng tại TP.HCM, nhiều phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nguy kịch, do đó ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi.

Tại TP.HCM, 7/39 cơ sở nuôi dưỡng trẻ ngoài công lập có trẻ em và người chăm sóc trẻ là F0. Các cơ sở này cũng tập trung nhiều trẻ có sức khỏe yếu, khuyết tật, mắc bệnh nền, do đó rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Dịch bệnh có nguy cơ lây lan và biến các cơ sở này thành các điểm nóng về dịch.