largeer

Minh Vy

Minh Vy

2024-01-24 08:30:00

Đâu là các hành vi bị cấm đấu thầu từ ngày 01/01/2024?

Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu từ ngày 01/01/2024.

Vụ việc gần đây nhất Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan bị cấm đấu thầu 03 năm được công bố rộng rãi trên các báo về đấu thầu đang được rất nhiều nhà thầu quan tâm. Vậy bước sang năm 2024 những hành vi nào bị cấm trong hoạt động đấu thầu, bài viết hôm nay DauThau.Info sẽ cùng chia sẻ nội dung này, hãy cùng đón xem

Đấu thầu là gì? Cấm đấu thầu là như thế nào?

Theo khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Như vậy, nếu một nhà thầu bị cấm đấu thầu điều đó nghĩa là nhà thầu không được phép tham gia một gói thầu cụ thể tại một địa bàn hoặc một lĩnh vực trong một khoảng thời gian nhất định khi bị ra quyết định cấm tham gia của cơ quan/đơn vị ra quyết định cấm đấu thầu.

Trường hợp đáng tiếc của nhà thầu Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan nêu trên là làm giả hồ sơ dẫn đến bị cấm đấu thầu 03 năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chúng ta hãy cùng xem quy định của pháp luật về các trường hợp này.

cac-hanh-vie-bi-cam-tham-gia-dau-thau

Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu từ ngày 01/01/2024

Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu từ ngày 01/01/2024 được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023, gồm:

(1) Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

(2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.

(3) Thông thầu bao gồm các hành vi sau đây:

- Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu;

- Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu;

- nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.

(4) Gian lận bao gồm các hành vi sau đây:

- Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;

- Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

(5) Cản trở bao gồm các hành vi sau đây:

- Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

- Cản trở người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

- Cản trở cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động đấu thầu;

- Cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu;

- Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

(6) Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:

- Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư không đúng quy định của luật này;

- Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh;

- Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh;

- Cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người có thẩm quyền, người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Doanh nghiệp đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

- Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn do nhà thầu đó cung cấp dịch vụ tư vấn: lập, thẩm tra, thẩm định dự toán, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED); lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; kiểm định hàng hóa; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; giám sát thực hiện hợp đồng;

- Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời gian 12 tháng kể từ ngày không còn làm việc tại cơ quan, tổ chức đó;

- Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do nhà thầu đó giám sát;

- Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2023;

- Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 Luật Đấu thầu 2023;

- Nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 Luật Đấu thầu 2023;

- Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

(7) Tiết lộ những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quy định tại điểm b khoản 8 và điểm g khoản 9 Điều 77, khoản 11 Điều 78, điểm h khoản 1 Điều 79, khoản 4 Điều 80, khoản 4 Điều 81, khoản 2 Điều 82, điểm b khoản 4 Điều 93 Luật Đấu thầu 2023, bao gồm:

- Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định;

- Nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; tài liệu ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi được công khai theo quy định;

- Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;

- Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được xác định chứa nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

(8) Chuyển nhượng thầu trong trường hợp sau đây:

- Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt đã nêu trong hợp đồng;

- Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu chưa vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng nhưng ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận;

- Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt đã nêu trong hợp đồng;

- Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu mà vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.

(9) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa xác định được nguồn vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Đấu thầu 2023.

Khi nào thì nhà thầu bị cấm đấu thầu

Đối với nhà thầu tham dự thầu thì đa số nhà thầu bị cấm đấu thầu khi rơi vào một trong các trường hợp sau:

(1) Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

(3) Thông thầu

(4) Gian lận

(5) Cản trở

(8) Chuyển nhượng thầu

Trong số các hành vi trên thì gian lận thường là lỗi mà nhà thầu hay mắc phải nhất, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân và lý do tại sao hay vướng vào lỗi này. Chúng ta biết rằng khi nhà thầu tham dự thầu, vai trò của nhà thầu thường là luôn "bị động" hơn, do đó với mong muốn là doanh nghiệp mình luôn trúng thầu để tạo công ăn việc làm và doanh thu cũng như mang về lợi nhuận cho nhà thầu. Do tính chất bị động của nhà thầu nên dễ rơi vào tình huống khó do thời gian thì gấp gáp, đôi khi năng lực sẵn có của nhà thầu không đáp ứng gói thầu, từ đó nhà thầu thường nghĩ đến cách "chế" hồ sơ, sai lầm bắt đầu tư đây!

Những hồ sơ hay "được" nhà thầu chế nhất gồm:

Hồ sơ về tài chính

Hồ sơ về nhân sự

Hồ sơ về thiết bị

Hồ sơ về hàng hóa

Những lời khuyên khi có ý định chế hồ sơ

Chúng ta biết rằng, đối với hồ sơ về tài chính, những số liệu về tài chính của doanh nghiệp là số liệu rất quan trọng vì nó liên quan đến các cơ quan khác, đặc biệt là thuế. Nhiều nhà thầu thấy lợi nhận mấy năm gần đây âm (-) nên vội vàng cho kế toán chế hồ sơ để có lợi nhuận dương (+) cho đẹp hồ sơ, việc này vô cùng sai lầm bởi lẽ gần như các yêu cầu về năng lực tài chính các gói thầu thông thường đều không yêu cầu về lợi nhuận dương (+), ở một số gói thầu chỉ xét đến giá trị tài sản ròng của năm gần nhất phải dương (+).

Tức là trị số của Tổng tài sản - Tổng nợ > 0 trên báo cáo tài chính năm gần nhất của nhà thầu. Một điều nữa, dù có chế báo cáo tài chính thì nó sẽ không khớp với các giấy tờ có liên quan đến báo cáo tài chính mà đã thực hiện nộp cho cơ quan thuế cũng như nghĩa vụ thuế đã thực hiện với cơ quan nhà nước.

anh-chup-bao-dau-thau

Các gói thầu tư vấn hoặc xây lắp thường yêu cầu nhân sự có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà đôi khi nhà thầu thường không có, cách "xoay sở" phổ biến hiện nay các nhà thầu hay làm là mượn nhân sự. Việc mượn nhân sự này được pháp luật công nhận dưới hình thức nhân sự huy động, tuy nhiên đôi khi vì quá gấp hoặc bản chất là chưa chắc có được nhân sự đó đồng ý không nên các nhà thầu cứ "nhắm mắt làm bừa" chế hồ sơ bằng cách lấy bằng cấp, giấy tờ, đến hợp đồng và lý lịch cần kê khai thì thường cho nhân viên kế toán ký mạo danh nhân sự đó, đặc biệt đối với đấu thầu qua mạng thì việc kê khai nhân sự lẫn lý lịch công việc được thực hiện qua webform, nên chỉ có tài liệu hợp đồng thuê/khoán/mượn nhân công là cần có chữ ký nên việc ký hộ, ký mạo danh lại càng dễ dàng. Tuy nhiên, việc này cũng không khó để phát hiện nếu bên mời thầu làm đến cùng khi cần đối soát với người thật, bởi quá trình đấu thầu là thực hiện hợp đồng "nếu trúng thầu" là một quá trình lâu dài, như dân gian ta thường hay nói nói dối như như cái đuôi chuột rồi kiểu gì cũng lòi ra.

Đối với hồ sơ thiết bị hay hồ sơ về hàng hóa, cách làm phổ biến là hay cắt dán, tẩy xóa các thông tin trên thiết bị. Với thời buổi công nghệ máy tính hiện nay, không khó để thực hiện các thao tác chỉnh sửa giấy tờ gốc liên quan đến thiết bị, tuy nhiên như đã nói ở trên đấu thầu là một quá trình dài, nhà thầu còn bước phải thực hiện đối chiếu các tài liệu gốc so với các tài liệu đã upload lên hệ thống, việc đối chiếu tài liệu này cũng có thể làm hé lộ ra thông tin chỉnh sửa (mặc dù một số trường hợp dùng văn bản công chứng giả để đến đối chiếu).

Nói tóm lại, chúng ta biết rằng các cơ chế, quy định của pháp luật đấu thầu là rất chặt chẽ, một khi Bên mời thầu làm tới cũng thì nhà thầu khó lòng có thể qua mắt bằng cách làm giả các tài liệu được, vậy nên không gì bằng nên trung thực, ngoài ra đối với nhân sự, thiết bị nhà thầu hoàn toàn có thể được điều chỉnh trong quá trình bên mời thầu đánh giá/làm rõ hồ sơ dự thầu, nên việc chế hồ sơ là không nên rất có thể dẫn tới nhà thầu bị kết luận là gian lận, hình phạt là cấm hoạt động đấu thầu trong thời gian nhất định (06 tháng đến 5 năm).

Cre: Son Vu

Để được tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý miễn phí quý khách vui lòng liên hệ với Luật sư Sài Gòn 247 

Hotline: 0845.247.247 - 0816 00.11.33

Zalo/Viber: 0845.247.247 - 0816.00.11.33

Email: [email protected]