largeer

Loa phường

Loa phường

2021-09-21 17:11:00

Đắk Lắk: Đang giãn cách xã hội vẫn tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của dân làm khu tái định cư

Đây là thông tin được chia sẻ trên lsvn.vn thông qua bài viết: Đắk Lắk: Đang giãn cách xã hội vẫn tổ chức cưỡng chế, hàng trăm người tham gia. Theo tác giả bài viết chia sẻ, mặc dù thành phố Buôn Ma Thuột đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (+) của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng UBND thành phố Buôn Ma Thuột vẫn tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của các hộ dân để làm khu tái định cư tại thôn 1, xã Hòa Thắng với sự tham gia của hàng trăm người.

Một người dân bị chấn thương, phải nhập viện khi phản đối cưỡng chế.

Một người dân bị chấn thương, phải nhập viện khi phản đối cưỡng chế.

Dịch bệnh phức tạp vẫn tổ chức cưỡng chế

Theo phản ánh của các hộ dân sống sinh sống tại thôn 1, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, trước năm 2000, nhiều hộ dân di cư từ phía Bắc vào Đắk Lắk để làm kinh tế mới. Họ nhận khoán một diện tích đất của Công ty cà phê Việt Thắng để trồng cây cà phê. Trong quá trình canh tác, các hộ dân có làm nhà ở để trông nom, chăm bón cây trồng. Tuy nhiên, đến năm 2008, Công ty cà phê Việt Thắng đã bàn giao toàn bộ diện tích trên cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột quản lý, sử dụng. Lúc này, người dân vẫn sinh sống và canh tác ổn định trên phần diện tích đất nói trên và hằng năm đều đóng thuế nhà đất.

Đến năm 2020, nhiều hộ dân nhận được thông tin diện tích đất mà mình đang sử dựng đã được quy hoạch để làm khu dân cư. Mặc dù Trung tâm quỹ đất thành phố Buôn Ma Thuột có tổ chức họp dân và tiến hành kiểm đếm để lên kế hoạch bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nhưng theo các hộ dân, phương án bồi thường, hỗ trợ của Trung tâm quỹ đất đưa ra là chưa thỏa đáng nên đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan ban ngành của tỉnh, thành phố.

Sáng ngày 20/9/2021, thông tin từ người dân cho biết có rất đông người của UBND thành phố Buôn Ma Thuột đang tổ chức cưỡng chế các nhà dân đang sinh sống trong khu vực Dự án. Đặc biệt, một người dân trong lúc phản đối đã bị chấn thương, phải đi bệnh viện cấp cứu.

Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sau khi kết thúc Chỉ thị 16/CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/9/2021, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Công văn số 4067/UBND-VP áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg đối với 20 phường, xã của thành phố, trong đó có nội dung “Không tập trung quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Trường hợp cần thiết, phải được sự đồng ý của UBND thành phố bằng văn bản”.

Thế nhưng, theo ghi nhận của Phóng viên, có đến hàng trăm người đang tụ tập tham gia vào hoạt động cưỡng chế nói trên, hầu hết không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hầu hết những người tham gia cưỡng chế không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Hầu hết những người tham gia cưỡng chế không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Một người dân bức xúc: "Chúng tôi chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND thành phố đề ra và đang làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan, ban ngành của tỉnh, thành để nhờ giải quyết. Mặc dù UBND thành phố chưa trả lời, giải quyết đơn thư nhưng đã cho đông người vào cưỡng chế là chưa hợp tình, hợp lý”.

“Trong lúc dịch bệnh đang phức tạp mà UBND thành phố vẫn thành lập đoàn cưỡng chế, buộc chúng tôi ra khỏi nhà, các con của tôi đang học trực tuyến cũng bị ‘đuổi’ ra. Chúng tôi thực sự không biết sẽ sống ra sao trong tình hình này”, một người dân khác buồn bã nói.

Điều đáng nói là trong thời gian vừa qua tại thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, các huyện lân cận liên tiếp phát hiện các ca nhiễm Covid -19 ngoài cộng đồng. Trong khi UBND tỉnh cũng như các ban ngành đang thực hiện, áp dụng các Chỉ thị phù hợp để “Thích ứng an toàn để thực hiện cuộc sống bình thường mới” đảm bảo an sinh xã hội thì lại diễn ra sự việc thực hiện cưỡng chế ngay thời điểm này thì có tính nhân văn nhân đạo hay không?

Phóng viên bị "cưỡng chế" thô bạo ra khỏi hiện trường khi tác nghiệp

Đáng nói, sau khi nhận thông tin người dân phản ánh, Phóng viên thường trú của Tạp chí Luật sư Việt Nam đã xuống hiện trường nhằm kịp thời ghi nhận sự việc. Trong khi tới khu vực cưỡng chế, Phóng viên đã chủ động liên hệ với Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng để trình bày nội dung.

Tuy nhiên, khi mới bước vào khu vực hiện trường, Phóng viên đang tìm cách liên hệ với Trưởng Đoàn cưỡng chế để đăng ký tác nghiệp theo quy định thì bị chiến sỹ Công an là N.T.N., công tác tại Công an thành phố Buôn Ma Thuột áp sát, đe dọa ‘đuổi’ đi ra. Mặc dù Phóng viên chưa tác nghiệp và cũng không có hàng vi chống đối, cố gắng giải thích nhưng đều bị phớt lờ, đồng thời người này dùng tay khống chế, xô đẩy Phóng viên ra khỏi hiện trường.

Sau khi bị từ chối không cho tác nghiệp, Phóng viên xin được quay ra để liên hệ làm việc với UBND xã Hòa Thắng. Tuy nhiên, chiến sỹ Công an N.T.N. tiếp tục có hành vi lời nói đe dọa, đồng thời dùng nghiệp vụ bẻ, khóa tay Phóng viên, kèm thêm những lời thách thức, đe dọa và không cho đi lại hướng đường cũ mà yêu cầu tìm đường khác để đi, dù trong khu vực đó chỉ có một con đường dân sinh duy nhất. Toàn bộ sự việc trên được đông đảo người dân chứng kiến.

Ông N.T.N., chiến sỹ Công an thành phố Buôn Ma Thuột chỉ tay đe dọa, ‘đuổi’ Phóng viên ra khỏi khu vực hiện trường.

Ông N.T.N., chiến sỹ Công an thành phố Buôn Ma Thuột chỉ tay đe dọa, ‘đuổi’ Phóng viên ra khỏi khu vực hiện trường.

Sau khi sự việc xảy ra, Phóng viên đã liên hệ với UBND xã Hòa Thắng để trình báo sự việc nhưng tại UBND lúc 11h10’ không có ai trực, phòng Trưởng Công an xã mở cửa nhưng không có người. Đến 14h, ngày 20/9, Phóng viên đã làm đơn trình báo lên Sở Thông tin truyền thông tỉnh Đắk Lắk, Công an thành phố Buôn Ma Thuột về sự việc.

Chiều cùng ngày, liên hệ với Thượng tá Bùi Trọng Tuấn – Trưởng Công an thành phố Buôn Ma Thuột, ông Tuấn cho biết, đã nắm được thông tin và sẽ cho kiểm tra lại, quy trình công tác, sự việc như thế nào sau đó sẽ có phản hồi rõ ràng.

“Anh em đi làm nhiệm vụ, làm đúng thì không sao nếu làm sai tùy theo tính chất mức độ sẽ xử lý theo quy định. Nếu đúng như anh nói thì không thể làm như thế được, cán bộ sai quy trình, quy chế, văn hóa ứng xử chúng tôi sẽ chấn chỉnh”, ông Tuấn cho hay.

Liên hệ với ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột để làm rõ thông tin về việc rất đông người tham gia chức cưỡng chế tại thôn 1, xã Hòa Thắng trong thời gian giãn cách xã hội thì ông Hưng cho biết đang bận họp và sẽ liên hệ lại sau.

Khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định 

Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP: Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí quy định:

"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; 

b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này".

Trước đó theo Lao động online thông tin, chiều 15/9, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) thông tin, UBND thành phố đã yêu cầu tạm dừng việc cưỡng chế thu hồi đất của các hộ dân thôn 1, xã Hòa Thắng (ngày 15.9) để triển khai xây dựng khu tái định cư.

Dự kiến, sáng thứ 2 (ngày 20.9) chính quyền địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của 11 hộ dân khu vực kể trên, với diện tích gần 3 ha nhưng trước mắt chỉ áp dụng đối với khu vực đất trồng cây lâu năm.

Lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột nhấn mạnh: "Cần nhấn mạnh rằng, chính quyền địa phương chưa vội cưỡng chế nhà ở của các hộ dân diện cần giải tỏa vì chưa có khu tái định cư cho bà con, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Sau khi thu hồi đất, đơn vị phối hợp với chính quyền xã sẽ báo cáo lãnh đạo UBND TP.Buôn Ma Thuột tiếp tục cho chủ trương. Ngoài ra, các bên liên quan sẽ tiếp tục đối thoại với hàng chục hộ dân ở thôn 1, xã Hòa Thắng nhằm ghi nhận ý kiến, có phương án xử lý thỏa đáng nhất".

Được biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nắm được diễn biến tình hình tại khu vực kể trên và đang chỉ đạo với các đơn vị liên quan giải quyết. Ngoài việc thực hiện quy trình theo quy định của pháp luật thì trước mắt sẽ lập phương án hỗ trợ bổ sung cho người dân. Các bên chịu trách nhiệm tham mưu, xử lý trực tiếp sẽ là UBND TP.Buôn Ma Thuột và Sở Tài nguyên Môi trường.

Đầu năm 2021, Báo Lao Động có bài phản ánh, đất của hàng chục hộ dân ở khu vực thôn 1, xã Hoà Thắng (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sẽ được giải toả để làm Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn 1, xã Hoà Thắng".

Chủ đầu tư là UBND TP.Buôn Ma Thuột. Đại diện chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư xây dựng TP.Buôn Ma Thuột. Tổng mức đầu tư là hơn 50 tỉ đồng.

Mục đích của dự án là nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thành phố đã được phê duyệt; giải quyết nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất khi thành phố triển khai xây dựng dự án đường Đông - Tây. Chính quyền địa phương phải thu hồi đất của khoảng 32 hộ dân (10,1ha) với 59 thửa đất và 13 căn nhà.

Nguồn gốc lô đất kể trên có từ những thập niên 80, 90, các hộ dân nhận hợp đồng giao khoán sản xuất trồng cà phê với Nông trường cà phê Việt Đức (nay là Công ty Việt Thắng) và đa số đều không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) để xây cất nhà (vốn là đất nông nghiệp - PV).

Trước tình hình trên, người dân khu vực giải tỏa đã nhiều lần đến trụ sở UBND thành phố tha thiết đề nghị chính quyền có phương án hỗ trợ bồi thường, bố trí tái định cư cho họ. Bởi, nhiều người đã định cư lâu năm tại đó, gia cảnh khó khăn, hoàn toàn không có tài sản giá trị nào khác ngoài mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ.