Củ sen - thần dược bị lãng quên
Trong khi những bộ phận khác của sen (như hạt sen, ngó sen, tim sen…) được ưu ái đưa vào các món ăn thức uống gần gũi hằng ngày thì củ sen có phần “thất sủng”. Chỉ vài năm trở lại đây, củ sen mới thật sự được quan tâm bởi những lợi ích rất lớn nó mang đến cho sức khỏe con người.
Củ sen như một thứ thuốc bổ mà chúng ta cần khai thác và tận dụng đúng cách. Thiên nhiên đã ban tặng con người rất nhiều thực phẩm tốt ngang ngửa “thần dược”, như loại củ suốt mùa vùi mình trong bùn đất lấm lem này.
Trong khi các loại trái cây có múi được ưu tiên trong việc bổ sung vitamin C cho cơ thể, người ta quên mất rằng thật ra vitamin C có nhiều nhất trong ớt chuông và đứng thứ nhì là loại củ kỳ lạ nằm sâu dưới lớp bùn này.


Với hàm lượng calorie thấp, giàu chất xơ, vitamin C và các chất dinh dưỡng, mỗi 100g củ sen đã có thể cung cấp 75% nhu cầu vitamin C của cơ thể. Có thể nói củ sen chính là một loại dược liệu quý trong y học. Chất pyridoxine thuộc nhóm vitamin tổng hợp nhóm B trong củ sen có tác dụng thúc đẩy sự phát triển trí não và an thần.
Cùng với lượng kali giúp thông mạch và chất xơ để giảm bớt cholesterol trong cơ thể, pyridoxine từ củ sen cũng giúp kiểm soát hàm lượng homocystein trong máu. Homocystein chính là “kẻ thù” gây đau tim. Củ sen vì vậy còn được xem là loại thực phẩm giúp thanh lọc, đào thải chất độc trong cơ thể, kháng viêm tự nhiên...
Ngoài những lợi ích trên, tại nhiều nước châu Á, người ta quan niệm củ sen là biểu tượng của sự may mắn đầu năm - biểu hiện trên số lỗ nhỏ có trong thân củ, 7 lỗ hoặc 9 lỗ đều có ý nghĩa to lớn về vận may. Những củ sen mập mạp, màu nâu nhạt, có đốt thắt giữa các đoạn thân hẹp, thân phình to, chắc nịch thường rất được ưa chuộng. Chúng được xem như biểu hiện của sự chắc chắn.