largeer

Loa phường

Loa phường

2021-08-13 16:03:00

COVID-19 có lây nhiễm theo trục đứng qua đường thông gió ở chung cư?

Đây là câu hỏi đang được nhiều người dân quan tâm trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Vậy thực tế COVID-19 có lây nhiễm theo trục đứng qua đường thông gió ở chung cư hay không, ý kiến các nhà khoa học như thế nào, các chuyên gia quản lý bất động sản ra sao? Theo Báo Tiền Phong online thông tin, Nhiều chung cư ở TPHCM đã ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại căn hộ cùng block, cùng trục đứng khiến cư dân bất an vì nghĩ SARS-CoV-2 có thể lây trong không khí. Các chuyên gia cũng nói rằng, virus có thể được phát tán theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua đường thông gió chung của toà nhà.

COVID-19 có lây nhiễm qua đường thông gió ở chung cư?

COVID-19 có lây nhiễm qua đường thông gió ở chung cư?

Nhiễm COVID-19 trên cùng một trục đứng

Dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt chung cư phát hiện F0. Đáng nói, nhiều chung cư phát sinh ca nhiễm theo 1 trục đứng khiến cư dân bất an vì nghĩ SARS-CoV-2 có thể lây trong không khí. Cụ thể, vào ngày 2/8, chung cư Vạn Đô quận 4 phát hiện 5 trường hợp F0 sống ở hai căn hộ liền kề cùng tầng. Sau đó, chung cư ghi nhận thêm vài ca dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều người có triệu chứng bất thường ở 5 tầng khác trong tòa nhà.

Đến ngày 6/8, Ban quản lý chung cư Vạn Đô xét nghiệm nhanh các hộ thuộc trục dọc với nhà có F0 để đánh giá mức độ lây nhiễm qua đường thông gió. Kết quả, có thêm 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ở 3 tầng khác cùng một trục căn hộ.

Ban quản lý chung cư Vạn Đô nhận định, virus SARS-CoV-2 có thể đã phát tán theo gió đến các căn hộ chung ô thông khí, theo chiều dọc và ngang. Các căn hộ ở hướng đón gió nếu nhiễm cũng có thể phát tán virus sang các hộ xung quanh. Cư dân được khuyến cáo đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực có không gian chung như hành lang.

anh2

Tương tự, chung cư Tam Phú, TP.Thủ Đức cũng ghi nhận một số ca COVID-19. Đáng chú ý, các căn hộ này cùng block, cùng trục đứng và cùng có người mắc COVID-19 như các căn 06.34 (căn hộ số 34 tầng 6), 15.34, 16.34, 19.34 của block A3 hoặc các căn hộ 13.12, 15.12 của block A3, các căn 01.07 và 04.07 của block A1. Nhóm căn hộ này lấy gió chung từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

Cư dân cho rằng virus SARS-CoV-2 đã lây qua đường không khí, vào nhà từ quạt thông gió ở các nhà vệ sinh của căn hộ hoặc từ cống thoát nước. Do đó, cư dân tự ý tắt quạt thông gió, bít kín lại hoặc bịt luôn đường thoát nước ở nhà vệ sinh khi không sử dụng. Một số hộ còn khuyên nhau hạn chế vô nhà vệ sinh.

Savills Việt Nam, đơn vị quản lý chung cư Saigon Pearl, TP.Thủ Đức cũng gửi văn bản cảnh báo đến cư dân nói rằng, tại một số chung cư ở TPHCM có báo cáo về hiện tượng cư dân sống trong các căn hộ ở cùng một trục đứng của tòa nhà bị nhiễm SARS-CoV-2.

Để đảm bảo an toàn, Savills Việt Nam khuyến nghị cư dân luôn đóng cửa nhà vệ sinh khi không sử dụng, nên mở quạt hút nhà vệ sinh từ 5-10 phút trước khi vào nhà vệ sinh. Định kỳ hằng tuần, cư dân nên đổ ít nước vào các phễu thoát sàn khu vực logia, nhà vệ sinh… để ngăn ngừa hơi và mùi hôi từ đường ống thoát trục chính không xâm nhập vào căn hộ. Hạn chế mở các cửa khu vực ban công hoặc logia.

Kiến trúc của khu chung cư nơi phát hiện các ca nhiễm theo hai dọc thẳng. Các căn hộ có ca nhiễm (A) và Sơ đồ các tầng (B).

Kiến trúc của khu chung cư nơi phát hiện các ca nhiễm theo hai dọc thẳng. Các căn hộ có ca nhiễm (A) và Sơ đồ các tầng (B).

Ban quản lý chung cư Lexington TP.Thủ Đức chưa khẳng định virus SARS-CoV-2 có thể lan truyền qua con đường này, nhưng đã có động thái phòng ngừa. Chung cư này đang cho vận hành hệ thống quạt hút trục phòng rác các tầng liên tục ngày đêm, để luôn tạo ra áp lực âm hút không khí chỉ có thể đi vào và không thể thoát ra.

Cư dân nên làm gì?

PGS.TS Trần Văn Hiếu, khoa Sinh học và Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM nói rằng, khi có một ca mắc COVID-19 trong toà nhà, các con đường lây nhiễm khả thi có thể nghĩ tới là thông qua không gian chung như thang máy hay gián tiếp tiếp xúc bằng các nút thang máy. Tuy nhiên, khi lấy mẫu bệnh tại một chung cư ở Hàn Quốc, các ca nhiễm được phát hiện đều nằm cùng theo một chiều thẳng đứng với ca nhiễm đầu tiên. Các căn tại toà chung cư này đều có lỗ thoát khí tại các phòng tắm thông ra một lối thoát khí chung.

PGS.TS Trần Văn Hiếu nói thêm, trong một nghiên cứu theo phương pháp Ator, Winair kết hợp với mô hình mô phỏng với các thông số từ hai căn hộ Amoy Gardens (Hong Kong-Trung Quốc) cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể được phát tán theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua các đường thông gió chung của toà nhà và dưới sự có mặt của lực nổi (hướng lên) và gió (hướng xuống).

Các trường hợp phát tán virus có thể xảy ra tại chung cư (trái) và khả năng nhiễm bệnh (phải) tại các căn hộ chung cư.

Các trường hợp phát tán virus có thể xảy ra tại chung cư (trái) và khả năng nhiễm bệnh (phải) tại các căn hộ chung cư.

Do đó, để ngăn chặn sự phát tán virus trong các khu chung cư, PGS.TS Trần Văn Hiếu đề nghị đóng và thường xuyên khử khuẩn các cửa sổ, cửa lùa; chặn một chiều ống thông hơi tại các đường ống thống thông khí chung; sử dụng các tấm lọc Hepa hay Ulpa nếu buộc phải sử dụng hệ thống điều hoà; dùng tấm lọc carbon để loại bỏ bớt CO2 trong nhà; tận dụng tối đa sự lưu thông khí tự nhiên, mở cửa sổ nếu có thể và kiểm soát độ ẩm vào khoảng 40-60%; thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, lỗ thông gió, vị trí thoát nước trong nhà vệ sinh.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, virus có thể bay vào các căn hộ liền kề hoặc đối diện nhau có chung không gian thông gió ở hành lang. Do đó, các cửa chính ra hành lang chung cư, cửa thông gió ở hành lang, cửa sổ có hướng quay ra hành lang hoặc nhìn thẳng sang căn hộ đối diện cần đóng chặt.

Còn theo Zingnews thì lại cho rằng: Theo chuyên gia y khoa, thông gió là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch Covid-19. Nguyên tắc là lấy không khí sạch tự nhiên bên ngoài vào và đưa không khí bên trong nhà ra.

Qua một số nghiên cứu thế giới cho thấy virus có thể lây lan theo chiều ngang lẫn chiều dọc hoặc thông qua ống xả hơi đường thoát chất thải, nhiều cư dân ở chung cư bất an trước nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Trao đổi với Zing, các chuyên gia cho rằng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong căn hộ chung cư phụ thuộc nhiều vào thời điểm ra đời của chung cư, cách thiết kế kiến trúc, đường thông gió.

Kết hợp làm thông thoáng với giữ vệ sinh nơi công cộng, khử khuẩn các bề mặt thường tiếp xúc, thông gió thường xuyên là cách quan trọng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.

Khác nhau giữa các hệ thống thông gió

Từ góc độ kết cấu của các căn hộ chung cư ở Việt Nam, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền nói việc lây nhiễm có thể phụ thuộc vào cách thiết kế hệ thống thông gió.

Chung cư có không gian ở thông thoáng, tiếp xúc trực tiếp nhiều với thiên nhiên thì khả năng lây nhiễm virus sẽ thấp.

Theo ông Truyền, có thể chia chung cư thành 2 loại là chung cư "đời cũ" và "đời mới" (được ra đời tầm 10 năm trở lại đây).

Cư dân chung cư Giai Việt (quận 8) tập trung dưới sảnh để tiêm vaccine. Ảnh: Duy Hiệu

Cư dân chung cư Giai Việt (quận 8) tập trung dưới sảnh để tiêm vaccine. Ảnh: Duy Hiệu

Chung cư "đời cũ" thường có hệ thống thông gió theo phương đứng ở giữa (thường gọi là giếng trời). Nhiều cửa sổ, nhà vệ sinh của căn hộ được thiết kế xoay quanh hệ thống thông gió nhằm hút khí thải thoát lên trời.

Ngược lại, đa phần không gian tại chung cư "đời mới" được thiết kế tiếp xúc với thiên nhiên, không còn tồn tại việc thông gió qua các giếng trời.

Do đó, với các chung cư thiết kế kiểu “đời cũ”, khi khí thải bay từ dưới lên theo ô thông gió thì tùy vào điều kiện môi trường xung quanh mà sự tồn tại của vius lâu hay không. Lúc này, khả năng lây lan theo con đường của giếng trời vẫn có thể xảy ra với điều kiện giếng trời đó thông trực tiếp vào cửa sổ của các căn hộ khác.

“Nguy cơ một người F0 ở đứng gần giếng trời thải giọt bắn ra ngoài và vô tình gây lây nhiễm cho người đứng ở gần cửa sổ các tầng lân cận là có thể xảy ra, nhưng khả năng này rất thấp", ông nói.

"Với đặc điểm khí hậu như ở TP.HCM thì không thể xảy ra trường hợp gió lùa từ trên lỗ thông gió xuống dưới và chui vào cửa sổ các chung cư nên không thể lây lan virus theo đường này mà chủ yếu là lây theo những cơn gió lùa theo phương ngang”, ông Truyền phân tích.

Hướng gió và hướng phòng

Kiến trúc sư (KTS) nhận định nguy cơ lây nhiễm virus theo phương ngang sẽ cao hơn so với phương đứng.

“Tại TP.HCM thường có 2 hướng gió chính là Tây - Tây Nam và Bắc - Đông Bắc, F0 sinh sống ở căn hộ đầu hướng gió thì những căn hộ cuối hướng gió có nguy cơ bị lây nhiễm. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm qua khu vực hành lang chung cư sẽ lớn nếu thiết kế quá kín không có sự đối lưu không khí hay thông gió”, ông Truyền nói.

Theo chuyên gia kiến trúc, hệ thống nhà vệ sinh trong thiết kế của các chung cư thường được chồng lên nhau theo trục đứng. Trong các nhà vệ sinh sẽ có các quạt hút, các quạt này đi theo một đường ống chung và thải lên trên trời.

“Các quạt hút được bố trí van một chiều chỉ cho phép không khí đi từ nhà vệ sinh vào đường ống chung. Dưới các sàn nhà vệ sinh thường bố trí phễu thu nước, dưới phễu thường bố trí các con thỏ để ngăn mùi hôi và ngăn nước ở dưới xộc ngược lên. Nếu thiết kế và thi công đúng thì không thể lây nhiễm theo hệ thống trục đứng nhà vệ sinh”, ông Truyền lý giải.

Do đó để tránh nguy cơ lây nhiễm trong chung cư, KTS này cho rằng nên tạo điều kiện cho các không gian ở phải thông thoáng, các cửa sổ nên mở toang thông ra với thiên nhiên.

Bên cạnh đó, hộ dân nên sử dụng quạt thổi hơn là dùng máy điều hòa, hạn chế việc “giao lưu không khí” với nhà hàng xóm. Trong phòng vệ sinh luôn giữ sạch sẽ, nếu phát hiện có mùi hôi thì cần giải quyết ngay, vì lúc đó đã xuất hiện sự "giao lưu không khí" theo phương đứng.

Ngoài ra, với những người F0 sử dụng thang máy, thải virus vào buồng thang cũng chính là nguồn lây virus. Sự đối lưu không khí trong thang máy bị hạn chế nên virus sẽ tồn tại ở đó làm nguồn lây cho những người tiếp theo sử dụng thang máy, đây là một trong những nơi bị nguy cơ lây nhiễm là cao ở chung cư.

"Điều đó cũng lý giải tại sao trong một chung cư các các F0 thường ở cùng một block. Ngoài ra, virus có thể lây nhiễm trực tiếp qua việc tiếp xúc các bộ phận như phím bấm thang máy, tay vịn trong thang máy nếu có bệnh nhân tiếp xúc trước đó", ông Truyền nhấn mạnh.

Cần thông gió đầy đủ

Trao đổi với Zing, bác sĩ Wynn Huỳnh Trần, PGS Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Sacramento (California, Mỹ), cho biết ở các khu chung cư, nhất là nơi có mật độ nhiều người chung sống và thông gió kém, virus SARS-CoV-2 có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti nếu người bệnh hắt hơi, nói chuyện to, hay cười nói.

Virus từ đó phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tùy theo mùa dựa theo "nguyên lý stack". Đây là nguyên lý cơ bản của thông gió tự nhiên dựa vào sự khác biệt về nhiệt độ và áp lực giữa hai nơi.

Vào mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời lạnh hơn trong nhà, không khí nóng do nấu nướng, dùng dụng cụ bên trong nhà sẽ bay lên cao. Vào mùa hè, khi không khí bên ngoài nóng hơn, thì không khí có thể chạy ngược vào trong, đi xuống bên dưới.

"Tùy vào nhiệt độ chênh lệch mà không khí sẽ di chuyển theo các hướng khác nhau. Điều này cũng giải thích vì sao có thể lây nhiễm ngang giữa những căn hộ cùng tầng với nhau, không nhất thiết phải cao hay thấp", bác sĩ Wynn Huỳnh Trần nói.

PGS này cũng cho biết thông gió đầy đủ là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Tùy vào vào vị trí phòng ngủ, tùy vào căn hộ, tùy vào hướng gió, thời tiết, mà mỗi người có thể tìm ra cách tối ưu hóa hệ thống thông gió. Nguyên tắc là tạo ra nguồn không khí di chuyển liên tục, lấy không khí sạch tự nhiên bên ngoài vào và đưa không khí bên trong nhà ra ngoài.

Bác sĩ Wynn Huỳnh Trần khuyến cáo nên kết hợp thông gió với các bệnh pháp phòng dịch khác, tạo ra nhiều lớp để ngăn ngừa bệnh Covid-19.

Trong nhà, mật độ virus SARS-CoV-2 từ người nhiễm bệnh Covid-19 cao hơn nhiều so với ngoài trời. Một luồng gió nhẹ cũng có thể làm giảm nhiều mật độ virus. Do vậy người dân nên mở thoáng các cửa sổ và cửa đi ra ngoài tự nhiên để lấy không khí sạch. Gắn thêm quạt để thổi không khí.

“Không vặn quạt tốc độ cao, không nhắm quạt vào người hay nhà khác mà nhắm quạt vào các khoảng mở trong nhà. Cách đơn giản là đặt một quạt ở bệ cửa sổ, hút hơi từ trong phòng ra ngoài và mở một cửa sổ khác để không khí tự nhiên đi vào. Chỉnh sửa và thay thế hệ thống máy lạnh để tối ưu hóa luồng gió, tạo ra sự di chuyển không khí liên tục”, PGS Wynn Huỳnh Trần lưu ý.

Empty

Ngoài ra, vị chuyên gia này khuyên nên dùng bộ lọc khí, đặc biệt là hệ thống HEPA ( high-efficiency particulate air) do EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ) khuyến cáo để lọc và tăng chất lượng không khí. Nên kết hợp làm thông thoáng với giữ vệ sinh nơi công cộng, khử khuẩn các bề mặt thường tiếp xúc.