largeer

Hải Đăng

Hải Đăng

2021-09-06 23:11:00

Công ty Trung Nam bị thu hồi 25 giấy phép vận chuyển thiết bị điện gió?

Sau những vi phạm các quy định pháp luật về phòng chống dịch COVID-19 khi vận chuyển thiết bị điện gió là hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông từ cảng Ba Son đến Đắk Lắk của Công Ty Trung Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết vừa ban hành quyết định thu hồi 25 giấy phép lưu hành xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng cấp cho Công ty Trung Nam.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết vừa ban hành quyết định thu hồi 25 giấy phép lưu hành xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng cấp cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vi phạm các quy định pháp luật về phòng chống dịch COVID-19 khi vận chuyển thiết bị điện gió là hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông từ cảng Ba Son (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trên đường số 3, đường số 9 khu công nghiệp Phú Mỹ I, các đoạn Quốc lộ 51, Quốc lộ 1, đường tỉnh 743A, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường tỉnh 741, đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, đến dự án nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu hồi giấy phép lưu hành xe quá khổ của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam do đơn vị này không đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thu hồi giấy phép lưu hành xe quá khổ của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam do đơn vị này không đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Công ty này cũng không thực hiện đúng hướng dẫn và yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi lưu thông đoàn xe vận chuyển thiết bị nhà máy điện gió qua vùng kiểm soát dịch COVID-19 và cho phép xe hộ tống, hỗ trợ tổ hợp xe vận chuyển thiết bị điện gió.

"Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam tạm thời dừng việc vận chuyển toàn bộ các loại hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông trên mạng lưới đường bộ cả nước", Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu công ty này thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 cho lái xe và các lực lượng tham gia hỗ trợ hộ tống áp tải, phục vụ hậu cần khi lưu thông trên đường và qua các chốt kiểm tra, phòng chống dịch bệnh của địa phương. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng tạm dừng việc cấp giấy phép lưu hành xe cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho đến khi đã khắc phục xong hậu quả.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo lực lượng Thanh tra phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm về quy định về phòng chống dịch COVID-19 đối với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.

Trước đó, Tổng Cục Đường bộ nhận được công văn số 11926/UBDN-VP ngày 1/9/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc kiến nghị xử lý trách nhiệm khi vận chuyển hàng gây lây lan dịch bệnh COVID-19 của Trung Nam Group.

Từ cảng Ba Son, đoàn xe siêu trường siêu trọng trải qua hành trình dài hơn 350km để đến dự án, trong khi đó, từ cảng Nam Vân Phong, đoàn xe thực hiện hành trình vận chuyển dài hơn 150km để đến khu vực dự án tại Đắk Lắk. Ảnh Báo Giao Thông

Từ cảng Ba Son, đoàn xe siêu trường siêu trọng trải qua hành trình dài hơn 350km để đến dự án, trong khi đó, từ cảng Nam Vân Phong, đoàn xe thực hiện hành trình vận chuyển dài hơn 150km để đến khu vực dự án tại Đắk Lắk. Ảnh Báo Giao Thông

Nội dung công văn nêu: “Công ty Trung Nam đã vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 khi vận chuyển thiết bị nhà máy điện gió như: Không có biện pháp kịp thời cách ly y tế khi phát hiện nhân viên của mình dương tính với Covid-19, tổ chức vận chuyển không đảm bảo phòng chống dịch ( để 10 nhân viên tự tổ chức về địa phương), không kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương khi biết nhân viên của mình dương tính với Covid-19". Trong khi đó 10 nhân viên của Công ty Trung Nam cũng chưa kịp thời khai báo y tế về tình trạng bệnh tới cơ quan chức năng, tự ý di chuyển khi biết mình có kết quả dương tính. CÓ biểu hiện gian dối khi dùng Giấy xét nghiệm có kết quả âm tính còn gái trị trong vòng 72h để qua các chốt kiểm soát dịch, trong khi biết tại thời điểm hiện tại mình có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19

Phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chỉ rõ, Trung Nam Group không có biện pháp kịp thời cách ly y tế khi phát hiện nhân viên của mình bị dương tính với COVID-19, thậm chí còn để 10 nhân viên tự tổ chức về địa phương; không thông báo cho chính quyền địa phương khi biết nhân viên của mình bị dương tính COVID-19.

Được biết, ngày 18-8, 10 tài xế (cùng trú huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) được điều động đi từ cảng ở thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để áp tải xe siêu trường siêu trọng chở cánh quạt điện gió đi Đắk Lắk. Những người này đi trên 5 chiếc xe con riêng và có giấy xét nghiệm không nhiễm COVID-19.

Sau khi áp tải hàng xong, nhóm người này trở về, nghỉ tại Tân Vạn (Bình Dương) vài ngày. Đến ngày 26-8, họ được xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính. Tối cùng ngày, họ về Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó 3 người về thẳng Long Điền, 7 người còn lại ghé vào Phú Mỹ.

Tại chốt kiểm soát phòng chống dịch huyện Long Điền, 3 người về trước được xét nghiệm nhanh và có kết quả dương tính.

Trong khi đó, 7 người ghé vào Phú Mỹ lại quay lên Tân Vạn, Bình Dương. Ngày 28-8, họ được công ty cho xét nghiệm nhanh và phát hiện 5 người dương tính. Thế nhưng, công ty đã không cách ly nhân viên của mình mà lại yêu cầu họ quay về Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên đường trở về nơi cư trú, những tài xế đã dùng giấy xét nghiệm PCR "âm tính" của ngày 26-8 để qua chốt kiểm soát y tế. Chỉ khi về đến cửa ngõ thị trấn Long Điền, những người này mới khai báo thật về tình trạng sức khỏe của mình.

Ngày 1-9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn đề nghị bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ xử lý những vi phạm nói trên. Công ty cổ phần cơ giới Trung Nam Miền Nam (trụ sở tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) là thành viên thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (có trụ sở tại TP.HCM).

Trung Nam Group được biết đến là một tập đoàn đa ngành được thành lập vào năm 2004, hoạt động chính trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản. Người đứng đầu tập đoàn là doanh nhân Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973) bén duyên với các dự án điện bước đầu khởi nghiệp. Năm 2007, Trung Nam Group chính thức xây dựng dự án đầu tiên là thủy điện Đồng Nai 2 có tổng mức đầu tư 3.665 tỷ đồng. Dự án này đã được hoàn thành và phát điện vào tháng 10/2015, mỗi năm cung cấp cho ngành điện 263,8 triệu kWh.

Đến năm 2010, Trung Nam tiếp tục đầu tư dự án Thủy Điện Krông Nô 2&3 có tổng mức đầu tư trên 1.850 tỷ đồng, tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Dự án có công suất lắp máy 48 MW. Năm 2015, Trung Nam lại tiếp tục xây dựng Dự án nhà máy điện gió Trung nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận với quy mô 90 MW với tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành chính thức tháng 12/2015 - 06/2016.

Kể từ năm 2018 đến nay, Trung Nam Group tiếp tục xác định mục tiêu phát triển ngành năng lượng tái tạo với các dự án từ thủy điện đến điện gió và điện mặt trời.

Cụ thể, tháng 7/2018, Trungnam Group khởi công dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Dự án này có công suất thiết kế 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.

Chỉ 6 tháng sau, Trungnam Group tiếp tục khởi công dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với quy mô 171,17 ha. Dự án này có công suất thiết kế 140 MW, sản lượng điện trung bình dự kiến đạt 250 triệu kWh/năm. Đến tháng 5/2020, Trung Nam Group tiếp tục khởi công dự án trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Ngoài ra, Trung Nam Group cũng là đơn vị thi công Dự án cầu Bạch Đằng có tổng mức đầu tư 7.662 tỷ đồng; hoặc như được Tp. HCM cấp giấp chứng nhận thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh với số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), Trung Nam Group của đại gia Nguyễn Tâm Thịnh lại tỏ ra khá "kém duyên" khi triển khai dự án Tòa nhà Trung Nam tại địa chỉ số 7A/80 Đường Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.HCM. Với vốn đầu tư 50 tỷ đồng, có quy mô gồm 11 tầng cao và 1 tầng hầm. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 20/3/2010.

Những năm 2008-2011 tên tuổi của Trung Nam Group gắn với 3 siêu dự án lớn đó là dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, dường như Trung Nam Group không có duyên với lĩnh vực BĐS khi những dự án hoành tráng một thời nay trở thành tai tiếng.

Trong 4 năm (giai đoạn 2016-2019, tình hình tài chính của Tập đoàn Trung Nam ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu của Trung Nam Group lần lượt là 1.056 tỷ đồng; 4.230 tỷ đồng; 897,5 tỷ đồng và 6.480 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn (tài sản), nợ phải trả của doanh nghiệp cũng khá biến động. Bình quân, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn chiếm dụng ngoài với tỷ lệ xấp xỉ vốn chủ sở hữu, tuy nhiên năm 2017, con số nợ nhảy vọt lên mức 14.049 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần.

Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu đạt 4.406 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả giảm còn 4.424 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Trung Nam (Công ty Trung Nam), thành viên chủ chốt trong lĩnh vực bất động sản của tập đoàn, cũng có nhiều nét tương đồng. Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Trung Nam cũng liên tục biến động, từ mức 158,2 tỷ đồng, đã tăng lên 455,5 tỷ đồng sau chỉ một năm. Tuy nhiên, ở năm kế tiếp con số này giảm nhanh còn 203,3 tỷ đồng và hồi phục về 280,9 tỷ đồng, vào cuối năm 2019.