largeer

Hải Đăng

Hải Đăng

2022-02-27 09:00:00

Còn 'nghèo' sản phẩm tiêu dùng du lịch

Du lịch Đồng Nai những năm gần đây được đánh giá ngày càng phát triển đa dạng, một số dự án đầu tư du lịch trọng điểm thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp (DN) lớn, tạo lan tỏa, thúc đẩy cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp không khói. Ngành du lịch Đồng Nai cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 10 ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp (không tính thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19), kích thích các ngành nghề khác cùng phát triển.

Khu du lịch núi Chứa Chan là một trong những điểm đến bán nhiều mặt hàng lưu niệm hai bên đường lên núi. Trong ảnh: Khách mua sản phẩm lưu niệm tại Khu du lịch núi Chứa Chan. Ảnh: Thủy Mộc

Khu du lịch núi Chứa Chan là một trong những điểm đến bán nhiều mặt hàng lưu niệm hai bên đường lên núi. Trong ảnh: Khách mua sản phẩm lưu niệm tại Khu du lịch núi Chứa Chan. Ảnh: Thủy Mộc

Tuy nhiên, ngoài những đầu tư về sản phẩm, hạng mục tại các khu, điểm du lịch để phục vụ du khách tham quan, mảng tiêu dùng du lịch tại Đồng Nai vẫn còn khá khiêm tốn (dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, quà lưu niệm...). Trong khi đó, theo các chuyên gia về du lịch, tiêu dùng du lịch là một trong những khía cạnh đóng góp rất lớn cho doanh thu của ngành du lịch.

Khách đông nhưng doanh thu ít

Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, ngành du lịch cả nước đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu ước đạt hơn 25 ngàn tỷ đồng. Một số địa phương có số lượng khách tham quan và doanh thu cao như: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 420 ngàn lượt khách, tổng thu 358 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 290 ngàn lượt khách, tổng thu khoảng 400 tỷ đồng; TP.HCM đón gần 300 ngàn lượt khách, doanh thu đạt 3,1 ngàn tỷ đồng; tỉnh Khánh Hòa đón trên 98,6 ngàn lượt khách, doanh thu ước đạt 524 tỷ đồng; Đồng Nai đón khoảng 179 ngàn lượt khách du lịch, doanh thu đạt 59 tỷ đồng…

Theo số liệu thống kê như trên, tỷ lệ doanh thu du lịch tương ứng với lượng khách của Đồng Nai so với các địa phương khác còn ở mức thấp. Phần lớn khách du lịch đi trong ngày nên việc chi tiêu giới hạn hơn so với những nơi có dịch vụ lưu trú kèm các dịch vụ vui chơi giải trí phát triển.

Anh Trần Văn Hùng (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, vào những dịp lễ, Tết hoặc cuối tuần, Đồng Nai là một trong những điểm đến thường xuyên của gia đình anh, bởi không khí trong lành và nhiều cảnh quan thiên nhiên rất đẹp như: khu vực hồ Trị An, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, Bửu Long… Tuy nhiên, bên cạnh việc thưởng thức, trải nghiệm về cảnh quan thiên nhiên, du lịch ở Đồng Nai vẫn chưa khiến gia đình anh hài lòng do thiếu khá nhiều dịch vụ vui chơi giải trí.

Anh Hùng cho biết: “Chúng tôi đã từng trải nghiệm ban đêm tại một số nơi như VQG Cát Tiên, khu vực hồ Trị An nhưng mỗi nơi chỉ ở lại một lần cho biết chứ không có nhu cầu ở lại những lần sau vì thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống và mua sắm. Ngoài ngắm cảnh và thưởng thức một số món đặc sản qua các bữa ăn, chúng tôi không còn thú tiêu khiển nào khác, trong khi tôi thấy Đồng Nai có rất nhiều vườn trái cây, các trang trại chăn nuôi, vườn rau sạch… có thể mở cửa phục vụ du khách. Theo tôi, Đồng Nai nên khai thác những tiềm năng này hiệu quả hơn để thu hút khách du lịch”.

Không thiếu tiềm năng

Đồng Nai những năm gần đây được biết đến là địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm từ nông nghiệp có chất lượng cao cùng với những trang trại trồng trọt, chăn nuôi có quy mô, đạt các tiêu chí về bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Thời gian qua, đã có một số ít DN địa phương có sản phẩm nông nghiệp khai thác tốt mảng du lịch như: mô hình quảng bá và giới thiệu các sản phẩm về ca cao, đặc sản bưởi Tân Triều, vườn trái cây Long Khánh… Tuy nhiên, so với tiềm năng thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn, một vài nơi vẫn còn phát triển thiếu bài bản, không đa dạng và có chưa sự liên tục nên mới chỉ khai thác theo mùa, thiếu sự linh hoạt.

Đánh giá về những vấn đề đang còn tồn tại trong lĩnh vực du lịch thời gian qua, đại diện lãnh đạo Sở VH-TTDL nhận định, các sản phẩm du lịch nhìn chung còn thiếu tính hấp dẫn. Các DN kinh doanh du lịch phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm quản lý, vốn còn nhiều hạn chế, việc tổ chức các hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu tính liên kết. Công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch tuy có những thay đổi tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết những tiềm năng (di tích lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị…). Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, một số dự án du lịch triển khai chậm…

Đánh giá về tiềm năng của du lịch mua sắm, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng, với sức ảnh hưởng của loại hình du lịch này đối với nền kinh tế địa phương và những đóng góp của nó cho sự phát triển vững chắc của điểm đến và tạo ra việc làm cho cộng đồng, du lịch mua sắm sẽ được củng cố như một phân khúc chủ đạo trong ngành du lịch. Theo đó, xét về khía cạnh xã hội, du lịch mua sắm phát triển cũng thúc đẩy mở rộng việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương. Hiện nay, nhiều điểm đến trên thế giới đã bắt đầu đưa loại hình du lịch này vào chiến lược phát triển du lịch bền vững của mình, nó sẽ được củng cố như một phân khúc chủ đạo trong ngành du lịch.