largeer

Mây lang thang

Mây lang thang

2021-06-14 21:48:00

Cố tình "thả cửa" để FE Credit cho vay nặng lãi, hay luật chỉ dành cho dân?

Những năm gần đây rất nhiều công ty tài chính kiểu FE Credit cho vay với lãi suất cao hơn 50%/năm, đòi nợ người thân kiểu xã hội đen, khiến dư luận bức xúc.

Vấn đề đặt ra là vì sao lãi ngân hàng thấp, Luật dân sự khống chế lãi vay chỉ 20%/năm, còn các công ty tài chính (kiểu như FE Credit) lại được nhà nước thả cửa cho tung hoành?!

td

Chúng tôi rà lại pháp lý thấy quá nhiều bất hợp lý trong các quy định này. Cụ thể:

- Theo Điều 468 BLDS quy định về “lãi suất” thì xác định rõ: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Đọc qua, sẽ hiểu luật liên quan là Luật Tổ chức Tín dụng, nếu có quy định mức khác thì áp theo mức đó, còn không có quy định mức khác thì sẽ khống chế 20%/năm theo luật dân sự.

- Đọc Luật Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành thì chỉ quy định các bên “tự thoả thuận” lãi suất (riêng một số mục đích vay nông nghiệp, xuất khẩu… thì khống chế lãi suất 5,5 - 6,5%/năm theo Quyết định 420 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước (NHNN). Như vậy, người đọc sẽ hiểu Luật TCTD không ấn định lãi suất trần như trước đây, nên các bên được quyền tự thoả thuận lãi suất theo Bộ luật dân sự (BLDS). Thế nhưng, các văn dưới luật cứ hướng dẫn kiểu như tự do vô biên, không cần tuân theo BLDS.

- Và mấu chốt của bất hợp lý là ở Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Toà án Tối cao hướng dẫn về lãi suất. Trong đó, quy định rõ hợp đồng tín dụng thì không áp dụng lãi của BLDS mà áp dụng theo Luật TCTD. Trong khi Luật TCTD không có mức lãi suất. Thế là, tổ chức tín dụng được tự tung tự tác, muốn lãi suất bao nhiêu cũng được toà chấp nhận.

- Tại sao BLDS quy định khá rõ, nhưng NHNN không quy định mức lãi suất, rồi toà án lại áp theo cái không ấn định đó để thả cửa. Như vậy, hổng lẽ các tổ chức tín dụng được quyền cho vay nặng lãi, mà không cần tuân theo luật dân sự, luật hình sự gì sao?!

Chính Nghị quyết 01 của Toà án đã đánh mất mục tiêu tốt đẹp của hệ thống tài chính ngân hàng - loại hình doanh nghiệp đặc biệt, giúp phát triển nền kinh tế. Đã từng có câu nói, ngân hàng không phải là tiệm cầm đồ, nên dù người vay có tài sản đảm bảo thì cũng phải có mục đích vay vốn, có phương án và khả năng trả nợ mới cho vay. Giờ thì, người nghèo vốn đã khổ, lại càng khổ thêm vì lãi cao của chính tổ chức tín dụng!

- Người dân khi cho vay lẫn nhau thì bị khống chế 20%/năm, và nếu cho vay lãi trên 100%/năm (và thu lợi 30tr đồng trở lên) thì bị xử lý hình sự. Còn các tổ chức tín dụng thì được cho vay nặng lãi và không bị xử lý hình sự ư? Vậy chế tài pháp luật chỉ dành cho DÂN thôi sao?

- Nếu chính sách pháp luật mà dung túng cho những hoạt động cho vay lãi cao, đòi nợ kiểu xã hội đen thì thiết nghĩ, lâu nay Lò cụ Tổng chỉ mới đốt tham nhũng kinh tế, nay cần phải đốt thêm tham nhũng chính sách nữa cho dân nhờ!

Thực tế, thời gian qua hoạt động tài chính quá bát nháo, nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm mới giải ngân (dù có quy định cấm, nhưng không được xử lý) và xúi khách mua trái phiếu doanh nghiệp đầy rủi ro; công ty tài chính công khai cho vay nặng lãi, đòi nợ không đúng luật (mặc dù Thông tư 18/2019/TT-NHNN buộc bí mật thông tin khách hàng; không cho phép đòi nợ bằng biện pháp đe dọa khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ…) nhưng không cty nào sợ, họ cứ vô tư đòi nợ người thân, gởi thư đòi nợ đến nơi làm việc, doạ post fb… mà dân không biết kêu ở đâu.

* Đến giờ người dân phải thận trọng với chính các tổ chức tài chính. Khi vay, lo sợ có bị gài tính lãi trên dự nợ gốc (kiểu dù nợ chỉ còn 1 đồng nhưng vẫn trả lãi trên tổng vốn vay ban đầu) mà không tính trên dư nợ giảm dần; lo sợ các khoản phạt và lãi đủ kiểu, vì họ được tự quyền áp nợ quá hạn, lãi trên nợ quá hạn, lãi trên lãi quá hạn… cao bất chấp, không khác gì vay xã hội đen. Do vậy, giải pháp cuối cùng là nếu lỡ bị đòi nợ kiểu xã hội đen thì bà con chủ động đưa ra ánh sáng, bằng cách kiện ra toà tranh chấp về lãi suất (luật buộc toà phải nhận đơn kể cả khi không có luật điều chỉnh). Khi đó, toà sẽ xác định nợ. Quá trình toà xử cũng hơn 1 năm, thời gian đó kéo dài, bạn chỉ làm việc với toà án và cơ quan thi hành án, chứ không phải đối mặt với nhân viên đòi nợ nữa.

Tác giả: Nhà báo, Luật sư Hàn Ni