largeer

Mèo mun

Mèo mun

2022-03-16 15:30:00

Cô giáo miền đại ngàn và giấc mơ xây thương hiệu mỹ phẩm từ trái bơ Đắk Lắk: “Để có thể đi được đến đoạn đường này, tôi đã trả bằng mồ hôi, máu và cả nước mắt”

Lớn lên dưới gốc bơ, tình yêu với quả bơ đã in sâu trong tiềm thức "Hằng Bơ’’ - cái tên mọi người hay gọi cô giáo Phạm Thị Thu Hằng xứ Tây Nguyên mạnh mẽ từ bỏ nghề sư phạm để dấn thân, thử sức và thành công bằng kinh doanh mỹ phẩm.

photo1647403500471-16474035006581353604313

Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Sinh học, Phạm Thị Thu Hằng (1986) - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang khởi nghiệp thất bại khi mới 25 tuổi. Hằng từng sợ thất bại, sợ thua lỗ…đến nỗi ai nhắc đến hai từ "khởi nghiệp" là né tránh. Thế nhưng, nỗi khát khao được làm lại vẫn chưa từng rời bỏ, 30 tuổi, Hằng "tái khởi nghiệp’’ thành công với thương hiệu mỹ phẩm từ trái bơ Pơ Lang.

tit03-3-16474035546871283537568

Con đường khởi nghiệp của chị bắt đầu từ khi nào? Tại sao chị lại chọn quả bơ mà không phải bất kỳ lĩnh vực hay nguyên liệu nào khác?

Ra trường, tôi không theo nghề sư phạm được luôn mà đi làm nhân viên kinh doanh ở khá nhiều công ty nên đam mê ngấm vào máu. Mặc định trong đầu óc lúc nào cũng nghĩ phải làm kinh tế.

Lần đầu tiên khởi nghiệp là năm 2011, lúc ấy tôi 25 tuổi, mở công ty bán thiết bị định vị. Còn trẻ, cá tính và thiếu kinh nghiệm nên tôi và cộng sự phân chia công việc không phù hợp, mặt nặng mày nhẹ khi thấy mình phải làm nhiều hơn đứa kia, ngồi văn phòng là chính chứ ít khi đi thị trường, bán hàng thì được ít mà bán xong khách nợ tiền không trả...để rồi cuối cùng cả đám tan rã, bỏ của chạy lấy người.

Tôi trở về làm giáo viên dạy Sinh học, mặc áo dài, tay cầm phấn, viết bảng đen. Cuộc sống ngỡ sẽ bình yên, êm ả, rồi lấy chồng, sinh con…nhưng cuối cùng tôi cũng nghỉ dạy.

Tôi bắt đầu lại với quả bơ tươi Đắk Lắk, vì tôi yêu loại quả đặc sản quê nhà đã theo tôi suốt từ những năm tháng tuổi thơ. Tôi nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu và thật sự ngỡ ngàng trước những lợi ích của quả bơ mang lại.

Thời điểm đó, ở Tây Nguyên, Đắk Lắk vốn dĩ là thủ phủ của bơ, người dân trồng bơ khắp nơi nhưng lại ít có thói quen sử dụng, các chế phẩm từ bơ hầu như chưa có trong đời sống. Không phải tôi là người đầu tiên suy nghĩ về việc chế biến bơ, nhưng tôi chưa thấy một công ty làm thực sự rõ ràng ở Việt Nam nên tôi nghĩ con đường chế biến là con đường tất yếu của quả bơ này.

Một giáo viên cấp 3 khi đó chuẩn bị những gì để rẽ ngang làm kinh doanh? Giai đoạn khởi nghiệp có điều gì khiến chị ngỡ ngàng không như mường tượng ban đầu?

Khởi nghiệp mà nói là khởi nghiệp 0 đồng thì không bao giờ có. Trong những năm đi làm tôi có một khoản dự phòng nên dành ra hết để thử nghiệm. Tôi không nhớ rõ nhưng nếu tính ra thì hồi đầu tôi mất khoảng 400 triệu để trả giá cho những bài học.

Tháng 11/2019 tôi xin nghỉ, vừa bắt đầu tham gia được một số hội nghị kết nối thì mọi hoạt động giao thương của tỉnh đều bị ngưng trệ do dịch. Tôi cứ nghĩ mình nghỉ việc rồi tập trung đi hết những dịp đó nhưng khó khăn chồng chất khó khăn.

Tôi tìm cách liên hệ, gọi điện và gặp các tiến sỹ trong các viện nghiên cứu khoa học để trao đổi chi tiết về cách chế biến bơ sau thu hoạch. Tôi gom bơ gửi đi khắp nơi làm thử nghiệm, có hôm lọ mọ 10h tối một mình đứng giữa ngã 3 đường quốc lộ, chờ xe tới để gửi mấy tạ bơ, vừa đói, vừa mệt, vừa sợ, vừa xót con ở nhà. Về đến nhà, lên giường ngủ, tôi ôm con, nằm khóc.

Kết quả gửi về, bơ sấy dẻo, bơ sấy giòn, kem bơ đắng ngắt, thất bại.

Mình đã sai ở đâu? Ngồi nghĩ thật kĩ, phân tích chi tiết, nghe ngóng phản hồi, tôi nhận ra: sản phẩm có dung lượng thị trường quá nhỏ, không đa dạng, thiếu sự chọn lựa cho khách hàng, kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh của mình thì còn quá non nớt. Vậy là khăn gói quả mướp xuống Sài Gòn đi học, học kiến thức sản phẩm, học sản xuất, học kinh doanh.

quote1-16474035961681276242427

Tại sao chị quyết định rời bỏ nghề giáo viên? Gia đình chị phản ứng ra sao khi con gái bỏ công việc được cho là ‘’nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý’’?

Không phải tôi không yêu ngành giáo dục, học sinh vui và dễ thương lắm, nhưng tôi không có tham vọng về thành tích. Từng làm song song cả kinh doanh và đi dạy, tôi thấy không thăng hoa được cái nào cả. Tôi nghĩ nếu đã không thực sự đặt nhiệt huyết ở đó thì nên dừng lại để nhường vị trí cho người có nhiệt huyết hơn với ngành giáo dục.

Tôi suy nghĩ, vậy bây giờ mình muốn giúp đỡ người dân tiêu thụ được nhiều bơ hơn hay chỉ làm kinh tế đủ vừa để tiêu bên cạnh đồng lương dạy học? Tôi bắt buộc phải lựa chọn.

Thời gian đầu xin nghỉ, sáng tôi cắp cặp đi, tới quán cà phê làm việc rồi đúng giờ đi về, sau đó bố mẹ tôi biết thì không nói gì được nữa vì quyết định tôi đã cầm trên tay. Trước đó gia đình có ý định xin cho tôi chuyển công tác về gần nhà, tôi nói rằng: thà để tiền đó cho con đầu tư làm kinh doanh, còn không thì cho ai dạy chứ con không dạy.

tit06-4-16474036299101191464339

Tôi khá tò mò về ý nghĩa của cái tên Pơ Lang?

Ở Tây Nguyên người ta gọi hoa gạo là cây Pơ Lang, nó gắn liền với truyền thuyết về câu chuyện tình yêu rất đẹp của một đôi nam nữ, tôi đã thích từ rất lâu. Nó đại diện cho một loài hoa đẹp, hoa thì đại diện cho vẻ đẹp, nó cho tôi tôi cảm giác nhẹ nhàng và thanh thoát nên quyết định lấy làm thương hiệu của mình.

Mặt hàng chủ lực hiện tại của Pơ Lang là gì và đang hướng đến phân khúc thị trường nào là chính?

Sản phẩm chính của chúng tôi hiện là dầu bơ với chức năng dưỡng ẩm, làm mềm da, chống lão hóa, ngoài ra sản xuất thêm các sản phẩm như son, muối tắm, sữa rửa mặt.

Khách hàng chính của chúng tôi là phụ nữ từ 25-35 tuổi. Như trước Tết, ngoài Bắc rất lạnh, những sản phẩm dầu khác gần như không thể làm mềm da được mà chỉ có dầu bơ thôi nên chúng tôi bán rất chạy. Hiện chúng tôi phân phối chính ở TP. HCM và Hà Nội thông qua các kênh đại lý. Doanh thu năm vừa rồi chúng tôi đạt được 1,5 tỷ.

Chúng tôi chuẩn bị đưa dầu bơ vào thực phẩm bởi vì định hướng ban đầu của tôi là muốn tiêu thụ được nhiều bơ, thì chỉ có thể đưa bơ vào thực phẩm. Hiện chúng tôi đã bước đầu liên kết được với những công ty chuyên về sản xuất bơ quả và cũng đã cho ra được dầu bơ có khả năng đi vào thực phẩm.

Tôi không dám khẳng định trong 1-2 năm, nhưng hi vọng 4-5 năm nữa tôi có thể đưa dầu bơ Việt Nam xuất khẩu ra những thị trường không có bơ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

quote2-1647403596791163373191

2 năm dịch vừa rồi tác động như thế nào đến doanh nghiệp của chị?

Sòng phẳng mà nói thì tôi thấy dịch vừa ảnh hưởng lại vừa có lợi.

Giai đoạn dịch, tôi có thời gian để xác định lại mô hình kinh doanh, viết lại dự án. Thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, từ một hòn đá có nhiều góc cạnh, ban giám khảo giúp tôi gọt dũa những cái gai nhọn không phù hợp để hoàn thiện dần, bỏ những cái không cần thiết và xác định đi đúng hướng hơn.

Ngoài ra, cái này cũng chưa hẳn có lợi cho nông dân, nhưng dịch nông dân không bán được bơ nên nguyên liệu cực kì rẻ. Thực ra tôi không mong muốn nguyên liệu rẻ để mua vào, nhưng khởi nghiệp mà, mình không sang chảnh theo kiểu tôi muốn mua nguyên liệu với giá trên trời được.

Trước khi dịch 1 cân bơ booth có thời điểm lên tới 120 ngàn/kg, với một công ty chế biến mà đầu vào nguyên liệu như vậy thì bạn nghĩ có kinh khủng không? Quá kinh khủng. Nhưng trong dịch, bơ bắt đầu giảm xuống chỉ còn 10 ngàn, 20 ngàn, nó phù hợp cho doanh nghiệp chế biến, đầu vào thấp thì đầu ra cũng sẽ không quá cao.

Thực ra người nông dân họ cũng không buồn, ‘’giải cứu’’ không hết, có những nơi người ta xác định để bơ rụng tự do nên chúng tôi đến thu mua là họ đã vui rồi. Như đầu tháng 8 năm ngoái, không chuyến xe nào đi ra khỏi tỉnh được, mà trong tỉnh nhà nào cũng có bơ cả thì họ bán cho ai?

Quả bơ chín và kết trái theo mùa, vậy những mùa bơ chưa chín và kết trái thì chị lấy nguyên liệu từ đâu?

Chúng tôi dùng phương pháp cấp đông và nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trái bơ khi ăn tươi sẽ ngon và tốt hơn trái bơ được cấp đông, nhưng trong chế biến, việc rút dầu ra gần như không ảnh hưởng gì cả, vị dầu không thay đổi. Vậy nên kể cả trong mùa bơ chúng tôi cũng phải trữ đông, có khi là 500kg, 1 tấn để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất.

Trên thị trường bây giờ có rất nhiều công ty mỹ phẩm handmade tự xưng là thiên nhiên nhưng bản chất lại là kem trộn kém chất lượng. Cũng có những tên tuổi lớn chuyển sang chế biến mỹ phẩm tự nhiên. Vậy Pơ Lang có lợi thế gì để cạnh tranh và nhận được lòng tin từ khách hàng?

Gần như mà nói thì kem nào cũng phải trộn, trộn vào nhau thì nó mới ra được sản phẩm, nhưng quan trọng là làm có đạt tiêu chuẩn hay không.

Chúng tôi sẽ phải có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận của Bộ Y tế, Sở Y tế. Từ khâu đại lý, chúng tôi đào tạo và cung cấp tất cả mọi giấy tờ được phép sản xuất, được phép lưu hành sản phẩm. Tất cả sản phẩm đều phải mang đi test, kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo yêu cầu của ASEAN trước khi công bố và gửi lên Sở Y tế xin cấp phép.

Đối với xưởng, chúng tôi đủ điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, phòng vô trùng. Về nhân sự, tôi chỉ là sư phạm Sinh học nhưng người phụ trách quản lý sản xuất là dược sĩ, chúng tôi sẵn sàng chứng minh bằng tất cả nguồn lực.

Còn trước những tên tuổi lớn, nhìn chung rất khó để tôi gọi là đối thủ của họ, gần như không thể là đối thủ vì họ đã có một tệp khách hàng sẵn. Nhưng Pơ Lang sẽ đi theo một thị trường ngách là những người tin, yêu sản phẩm Việt, ủng hộ người nông dân và tin tưởng những người sản xuất chân chính.

Tôi tin không có thị trường nào chỉ dành riêng cho một người cả. Bản thân bạn hay cả tôi chắc chắn đều mua của rất nhiều hãng, có thể hợp với kem dưỡng của hãng này nhưng lại hợp với kem chống nắng của hãng khác…Nên những ông lớn dù có muốn bao phủ hết sản phẩm của mình lên kệ làm đẹp của một người cũng không bao giờ làm được, tôi nghĩ dù sao đi nữa cơ hội cho các thương hiệu mỹ phẩm nhỏ ở Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng.

Kỳ thực là sinh sống ở Hà Nội nhưng tôi chưa bao giờ thấy cái tên Pơ Lang mặc dù cũng khá quan tâm về thị trường mỹ phẩm tự nhiên, hoặc có thể tôi đã thấy rồi mà không có ký ức gì…Chị nghĩ tại sao lại như vậy?

Bởi vì truyền thông marketing của chúng tôi chưa đủ mạnh, tôi vẫn đang trong quá trình thúc đấy truyền thông để tiếp cận được nhiều người hơn.

Tất nhiên là Pơ Lang chưa có lực lượng nào đứng sau đẩy vốn vào và nâng tên tuổi lên như nhiều thương hiệu tương tự khác. Nhưng tôi tin rằng khi mình có sản phẩm tốt, có đủ tâm huyết thì đến một lúc nào đó sẽ có những nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng của dự án và trở thành hậu thuẫn của mình.

tit10-2-1647405007254384700739

Nhìn lại hành trình đã qua, chị cảm thấy hạnh phúc vì điều gì nhất?

Để có thể đi được đến đoạn đường này, mồ hôi, máu và cả nước mắt, với tôi, đều là những thứ có thật. Có lần vội vàng đi giao hàng cho khách, tôi vấp té từ trên cầu thang xuống, ảnh hưởng phần mềm, u đầu, bầm hết một bên mặt, hơn cả tháng mới lành. Có những hôm mất ngủ đến tận 3 giờ sáng và chưa bao giờ biết giấc ngủ trưa là gì, tôi sụt hẳn 3kg. Nhưng rồi bước chân vào rẫy, nhìn bố mẹ, các chú bác nông dân rơi mồ hôi, cười tươi bên cây bơ trĩu quả mình lại thấy sức lực tràn trề. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là niềm vui của người nông dân Tây Nguyên.

Có thời khắc nào chị thấy tủi thân và muốn rời bỏ kinh doanh chưa?

Nhiều lần tôi tủi rồi khóc chứ. Ngày chọn quả bơ, tôi không tính toán gì nhiều, chỉ nghĩ là làm thôi, làm sai thì lại sửa. Rồi cũng sửa không biết bao nhiêu mà kể! Mệt mỏi, căng thẳng muốn buông xuôi rồi trở về với nghề giáo viên cho nhàn, chẳng biết mình làm để làm gì, tiền để tiêu cũng không cần thiết đến mức đó.

Nhưng qua cơn tiêu cực, tôi lại nghĩ đến việc mình phải giúp người nông dân, trở thành đầu mối tiêu thụ nguyên liệu tin cậy để bà con Tây Nguyên vững tin trồng trọt, không còn canh cánh trong lòng nỗi lo được mùa mất giá.

Tôi thấy chị có rất nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, điều đó liệu có đáp ứng được kỳ vọng tài chính của một doanh nghiệp mới hoạt động?

Đó là hoạt động nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp, từ thiện là một chi phí bắt buộc nên tôi không xác định nó có ảnh hưởng đến doanh thu hay không. Khi mà mình chưa giúp đỡ, chưa hướng dẫn được người nông dân quy trình trồng bơ đạt chuẩn, chưa thu mua được cao so với mức mong muốn thì phải làm điều gì khác.

Chúng tôi rất tâm huyết với việc đưa trẻ em đến trường, vì khi một đứa trẻ được đến trường tư duy của nó sẽ khác, lớn lên sẽ có khả năng kiếm được công ăn việc làm và khi tự chủ được kinh tế thì sẽ có gia đình hạnh phúc. Mỗi tháng chúng tôi trích 10% doanh thu và giúp được 6-7 trẻ.

quote3-16474050480121819215075

Trong ngành mỹ phẩm, người ta vẫn thường nói đến vấn đề đạo đức kinh doanh. Vậy đâu là những tiêu chuẩn đạo đức và nguyên tắc để chị dẫn dắt doanh nghiệp của mình?

Tôi nghĩ đạo đức của một doanh nghiệp xuất phát từ đạo đức của người điều hành, đó là tạo ra sản phẩm an toàn, trước hết phải an toàn và chất lượng chứ chưa nói đến doanh thu hay bất cứ điều gì khác. Đó là nguyên tắc mà cả tôi và Pơ Lang đều theo đuổi.

Triết lý và hành trình kinh doanh của tôi được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ một người, đó là Dượng Tony – tác giả cuốn sách "Trên đường băng’’ nổi tiếng, một người hoàn toàn ẩn danh và tôi chỉ ngưỡng mộ qua những cuốn sách. Trong đó, có một câu mà tôi tâm đắc nhất, đại ý: cuộc đời không phải là thiên ý mà là nhân ý, tức không phải trời quyết định mà là mình quyết định. Tôi nghĩ các bạn trẻ khởi nghiệp cũng nên bắt đầu bằng chân lý đó, khi đã lựa chọn con đường thì hãy bền bỉ đi đến cùng, giống như tôi đã chờ đợi suốt 5 năm.

Xin cảm ơn chị.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị