largeer

Hải Đăng

Hải Đăng

2022-04-22 13:00:00

Chuyên gia: Cần cấp sổ đỏ theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho BDS nghỉ dưỡng

Theo giới chuyên gia, việc khai thông các thể chế pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

1

Những điểm nghẽn pháp lý liên quan tới bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Nhờ vào tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, nên trong vài năm qua, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển rất sôi động. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ chế pháp lý, chính sách liên quan tới phân khúc này còn nhiều “nút thắt”, khiến phân khúc này không thể bứt phá.

Theo các chuyên gia, so với các phân khúc khác, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tương đối mới, nên hệ thống pháp lý chưa đầy đủ, thiếu nhất quán giữa các Nghị định, hệ thống luật.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích: Nút thắt chủ yếu đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là việc xác định khái niệm đầy đủ, rõ ràng và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu các bất động sản như condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng; việc phân chia quyền sở hữu; việc xác định thời hạn sở hữu bất động sản; việc quản lý, khai thác các bất động sản…

“Còn nhiều dự án vẫn chưa xử lý được những vướng mắc, đặc biệt là quyền lợi của hàng ngàn người mua căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng xây dựng trong các dự án này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, hiện nay bất động sản du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật đất đai hay pháp luật kinh doanh bất động sản hiện hành thì không có các khái niệm riêng cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có resort villa, condotel, shophouse, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.

Đáng chú ý, sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng về thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho các khách hàng mua bất động sản xây dựng trên phạm vi đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) đã gây ra nhiều bức xúc.

“Điều đó khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại tài chính, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách ban hành của một số cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Hà nói.

Vì lẽ đó, ông Hà cho rằng cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Hoạt động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cần được cụ thể hóa thông qua các luật, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... từ đó tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn.

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhờ du lịch

Theo giới chuyên gia, việc khơi thông các thể chế pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Bởi, bất động sản du lịch cấu thành bởi hai yếu tố, đó là bất động sản và du lịch. Vì vậy, nó liên quan và tác động, ảnh hưởng nhiều nhất đến hai lĩnh vực là thị trường bất động sản và hoạt động du lịch, cùng hàng trăm ngành, nghề, lĩnh vực khác.

Đồng tình với nhận định này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được khơi thông, nhiều dự án mới được xây dựng, đây sẽ là yếu tố để thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, chưa kể tới dòng khách du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, việc khơi thông pháp lý, các địa phương sẽ có nền tảng để thu hút nhà đầu tư rót tiền vào các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Từ đó, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, khu vực.

Trích dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Lực cho biết, tính đến tháng 9/2021, đã có khoảng 239 dự án du lịch toàn quốc.

Các dự án bất động sản du lịch chủ yếu tập trung tại 15 địa phương bao gồm: Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hòa),...

Với 239 dự án bất động sản du lịch, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng. Các dự án villas ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse ước tính khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

“Đó là chưa kể, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn tạo ra công ăn việc làm trong cả quá trình đầu tư cơ sở nghỉ dưỡng lẫn trong quá trình vận hành cơ sở du lịch. Riêng trong quý I/2022, 15.000 việc làm đã được tạo ra từ lĩnh vực này”, ông Lực nói.

Trước đó, vào đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 147, phê duyệt Chiến lược Du lịch Việt Nam tới năm 2030.

Trong đó, Chính phủ xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 – 14%/năm và khách nội địa từ 6 – 7%/năm.

Trao đổi riêng với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Một trong những yếu tố “xương sống” của ngành du lịch là phải có các cơ sở lưu trú, nơi ở nghỉ dưỡng và dành riêng cho du lịch.

“Hiện nay, dù phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã có đà tăng trưởng, nhưng trong vài năm tới, khi du lịch hồi phục và tăng trưởng trở lại, cơ sở nền tảng phục vụ lưu trú hiện nay sẽ không đủ đáp ứng. Do đó, phải khơi thông pháp lý, để tạo tiền đề cho ngành du lịch tăng trưởng”, ông Đính nói.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh: Việt Nam muốn trở thành một cường quốc du lịch thì phải ưu ái cho loại hình bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng.

"Tháo gỡ khó khăn về pháp lý theo hướng tạo sự hấp dẫn về lợi ích để thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư chính là chìa khóa tạo ra động lực cho loại hình bất động sản này", ông Võ nói.

Định Trần