Saigon 247

Saigon 247

2022-02-09 11:30:00

Chế biến đa dạng thực phẩm từ thanh long

Cám cảnh trái thanh long được mùa mất giá của nông dân, các doanh nghiệp tại Bình Thuận đã thúc đẩy khâu chế biến đa dạng sản phẩm sau thu hoạch của loại trái cây xuất khẩu chủ lực này, bước đầu tạo ra những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng trong nước

Chế biến bằng công nghệ hiện đại

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 14 cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại vào chế biến sản phẩm thanh long. Trong đó có 3 cơ sở thanh long sấy, 11 cơ sở nước ép và rượu vang thanh long. Với năng lực canh tác khoảng 700.000 tấn trái/năm, thanh long được đánh giá còn nhiều dư địa cho lĩnh vực chế biến sau thu hoạch. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã triển khai 18 nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong sản xuất và chế biến thanh long, trong đó có 4 dự án cấp Bộ Khoa học và Công nghệ, 8 đề tài/dự án cấp tỉnh, 6 đề tài cấp cơ sở.

Từ các dự án, đề tài này, cộng với sự chủ động tìm tòi sản xuất từ các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm chế biến từ trái thanh long đã đưa ra thị trường thành công, được người tiêu dùng đón nhận. Trong đó, các dòng sản phẩm nước ép, rượu từ trái thanh long hiện được sản xuất rất đa dạng bằng công nghệ lên men không dùng cồn, không dùng hóa chất bảo quản được thị trường khá chuộng. Riêng các sản phẩm thanh long sử dụng làm mứt, sấy dẻo, khô… cũng đang được nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến, tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Hay mới đây, một doanh nghiệp đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm mì tôm thanh long thương hiệu Caty (tên một dòng sông chảy ngang TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), với thành phần thanh long chiếm khoảng 12%. Theo doanh nghiệp này, thanh long đưa vào sản xuất được chọn lựa kỹ về chất lượng, kiểm soát được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên khi đưa vào chế biến mì tôm sẽ bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Với đặc tính thanh mát, giá trị dinh dưỡng cao, các sản phẩm chế biến từ trái thanh long đang dần tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Càng nhiều sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, an toàn ra đời, người tiêu dùng sẽ có thêm những lựa chọn về sản phẩm sạch để sử dụng, vừa là dịp để ủng hộ nông sản Việt; đồng thời, người nông dân có thêm đầu ra nông sản, ổn định và phát triển sản xuất. 

Chế biến thanh long sấy khô tại Bình Thuận

Chế biến thanh long sấy khô tại Bình Thuận

Anh Đỗ Thanh Hiệp bên các dòng sản phẩm rượu thanh long

Anh Đỗ Thanh Hiệp bên các dòng sản phẩm rượu thanh long

Nhiều sản phẩm ra mắt thành công

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, cho biết để thúc đẩy chế biến sản phẩm từ trái thanh long, trong năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến một số sản phẩm từ trái thanh long, đó là nước giải khát, đồ uống lên men, sấy dẻo, bột dinh dưỡng hòa tan, sinh tố đóng chai, mứt vỏ thanh long, chất màu thực phẩm vỏ thanh long... Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có khá nhiều nghiên cứu, ứng dụng để phát triển sản phẩm thanh long sau thu hoạch, trong đó có nhiều sản phẩm ra mắt thị trường thành công. "Thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh lĩnh vực này theo hướng gắn sự tham gia của các doanh nghiệp ngay từ đầu vào khâu lập, triển khai các dự án. Có như vậy, các doanh nghiệp sẽ vừa tham gia làm ra được sản phẩm, vừa tiếp cận công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các dự án nghiên cứu không bị chết yểu" - ông Nguyễn Hoài Trung tự tin.

Nhiều sản phẩm ra mắt thành công

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, cho biết để thúc đẩy chế biến sản phẩm từ trái thanh long, trong năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến một số sản phẩm từ trái thanh long, đó là nước giải khát, đồ uống lên men, sấy dẻo, bột dinh dưỡng hòa tan, sinh tố đóng chai, mứt vỏ thanh long, chất màu thực phẩm vỏ thanh long... Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có khá nhiều nghiên cứu, ứng dụng để phát triển sản phẩm thanh long sau thu hoạch, trong đó có nhiều sản phẩm ra mắt thị trường thành công. "Thời gian tới chúng tôi đẩy mạnh lĩnh vực này theo hướng gắn sự tham gia của các doanh nghiệp ngay từ đầu vào khâu lập, triển khai các dự án. Có như vậy, các doanh nghiệp sẽ vừa tham gia làm ra được sản phẩm, vừa tiếp cận công nghệ để đưa ra thị trường các sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các dự án nghiên cứu không bị chết yểu" - ông Nguyễn Hoài Trung tự tin.