largeer

lili

lili

2022-01-18 17:30:00

Cẩn trọng khi đăng ảnh trẻ em trên mạng xã hội

Theo các chuyên gia đánh giá, mạng xã hội (MXH) là ''con dao hai lưỡi'', vừa giúp kết nối thông tin nhanh chóng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với trẻ em, việc đưa các thông tin, hình ảnh, đời tư của trẻ lên MXH có thể gây ra nhiều hệ lụy rất lớn về tâm lý và đời sống của trẻ.

Nhiều hình ảnh trẻ em tại Tịnh thất Bồng Lai (tỉnh Long An) bị đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội, vi phạm nghiêm trọng Luật Trẻ em năm 2016. Ảnh chụp màn hình

Nhiều hình ảnh trẻ em tại Tịnh thất Bồng Lai (tỉnh Long An) bị đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội, vi phạm nghiêm trọng Luật Trẻ em năm 2016. Ảnh chụp màn hình

Dưới góc độ pháp luật, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc và bảo vệ. Do đó, pháp luật nghiêm cấm việc tiết lộ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em khi không được sự đồng ý của trẻ hoặc của cha mẹ, người giám hộ của trẻ.

Nhiều bất lợi, rủi ro cho trẻ

Thời gian gần đây, MXH “dậy sóng” khi thông tin vi phạm pháp luật của các cá nhân tại Tịnh thất Bồng Lai (tỉnh Long An) được công bố. Trong số đó có những trẻ vô tội được sinh ra và sống tại Tịnh thất Bồng Lai bỗng dưng trở thành đề tài bàn tán của cộng đồng MXH.

Một mặt, mọi người chỉ trích hành vi phạm pháp của các cá nhân nơi đây, mặt khác liên tiếp đăng thông tin, like và chia sẻ một cách “chóng mặt” hình ảnh, tên, tuổi, mối quan hệ huyết thống của những trẻ em trong Tịnh thất Bồng Lai vô tội. Đáng nói, nhiều người vì muốn “câu like” còn tìm tòi và đăng tải bản giám định ADN nhằm chứng minh huyết thống của các trẻ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tâm sinh lý và tương lai của những đứa trẻ này.

Tại Đồng Nai, không ít trường hợp cha mẹ đăng thông tin con trẻ lên MXH và vô tình khiến con trở thành nạn nhân trên các trang mạng độc, xấu. Chị N.T.N. (35 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) kể lại, chị từng đăng rất nhiều hình ảnh của con mình trên MXH ngay từ lúc cháu còn nhỏ. Tuy nhiên, trong một lần chị vô tình thấy trên MXH có một đứa trẻ bị giết với hình ảnh ghê rợn, nhưng khuôn mặt bị ghép lại là hình con của chị. Điều này khiến chị hoảng hốt và đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình chị một thời gian dài. Kể từ đó, chị N. không còn thói quen đăng hình con lên MXH.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh dù không muốn cha mẹ đăng tải hình ảnh cá nhân lên MXH nhưng vẫn phải chiều theo sở thích “khoe con” của bậc phụ huynh. Em L.K.N. (10 tuổi, ngụ H.Thống Nhất) kể lại, vì N. có khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn nên mẹ luôn chụp hình để đăng tải lên MXH. Việc này khiến N. bị nhiều bạn trêu đùa nên không muốn trên trang Facebook của mẹ lại tràn ngập hình ảnh của mình. Dù đã nói với mẹ nhiều lần nhưng sự việc vẫn tiếp diễn nên sau đó mỗi lần mẹ yêu cầu chụp hình, N. đều dùng cách lảng tránh.

Đăng ảnh trẻ em không xin phép là vi phạm pháp luật

ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển giáo dục Vlife (TP.Biên Hòa), sự việc liên quan tới Tịnh thất Bồng Lai đang gây xôn xao và thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là việc xác minh nguồn gốc của những đứa trẻ ở nơi đây. Tuy nhiên, việc nhiều người chia sẻ rộng rãi các hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ lên MXH cần phải chấm dứt, vì nó đang vi phạm nhiều yếu tố về mặt đạo đức, xã hội, thậm chí là pháp luật.

Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) vừa có văn bản đề nghị Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) ngăn chặn việc phát tán thông tin, hình ảnh trẻ em ở Tịnh thất Bồng Lai (tỉnh Long An). Đồng thời, đề nghị cộng đồng mạng ngừng chia sẻ hình ảnh, thông tin trẻ em trong vụ việc này.

Theo ThS Hà Văn Phúc, việc chia sẻ rộng rãi ảnh khuôn mặt, thông tin đời tư trong những vụ việc tiêu cực sẽ khiến các em bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cá nhân, nhất là khi các em đang trong giai đoạn lớn lên và có những hiểu biết, nhận thức nhất định. Về lâu dài, trẻ em sẽ cảm thấy mặc cảm, tổn thương, sợ hãi, thậm chí dẫn đến hậu quả trẻ tự tử khi đối diện với sự chỉ trích, nhận xét, đánh giá, kỳ thị, hoặc những thông tin bịa đặt từ bên ngoài.

Dưới góc độ pháp luật, thẩm phán Trần Phương Đông, Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh cho biết, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác chưa được sự đồng ý là vi phạm pháp luật, trừ trường hợp hình ảnh đó được sử dụng vì lợi ích quốc gia, cộng đồng…

Pháp luật cũng quy định trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc, bảo vệ; nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ.

Tại Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 và chương IV của Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em nêu rõ: cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng; cơ quan tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Luật nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Trường hợp thu thập, sử dụng hình ảnh cá nhân không xin phép mà xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm gây ra có thể bị xử lý hành chính từ 10-20 triệu đồng, hoặc xử lý hình sự lên tới 5 năm tù.

“MXH là môi trường rất khó kiểm soát thông tin. Những hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ không nên bị xuất hiện trên MXH. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều kẻ xấu bắt chuyện làm quen, có hành vi lợi dụng, xâm hại hoặc bắt cóc…” - thẩm phán Trần Phương Đông khuyến cáo.

Theo Báo Đồng Nai