largeer

Loa phường

Loa phường

2021-10-31 08:45:00

Cần ngăn chặn kịp thời tội phạm trên không gian mạng

Thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lợi dụng nhu cầu sử dụng internet, cũng như mạng xã hội (MXH) để làm việc, học tập, mua bán, giao dịch, giải trí tăng cao, không ít đối tượng đã tìm nhiều cách tiếp cận các nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều tra viên Công an TP.Biên Hòa làm việc với những người dân đến trình báo bị đối tượng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo. Ảnh: TRẦN DANH

Điều tra viên Công an TP.Biên Hòa làm việc với những người dân đến trình báo bị đối tượng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo. Ảnh: TRẦN DANH

“Sập bẫy” khi vay tiền qua mạng

Một trong những hành vi lừa đảo qua mạng rộ lên trong những tháng gần đây là việc lập ra các trang web giả mạo các ngân hàng, các tổ chức, công ty tín dụng để lừa đảo. Một điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, từ khoảng giữa tháng 5-2021 đến nay, tình trạng người dân bị lừa thông qua dịch vụ vay tiền trên mạng xảy ra rất nhiều.

Theo điều tra viên này, thông tin từ các nạn nhân cung cấp cho thấy, các đối tượng lừa đảo đăng tải số điện thoại, hình ảnh lên MXH để giới thiệu về các dịch vụ cho vay tiền. Khi người dân có nhu cầu liên hệ các đối tượng sẽ cung cấp các gói vay “ưu đãi” kèm theo đó là các hợp đồng vay vốn và bảo hiểm khoản vay.

Gói vay mà các đối tượng đưa ra dao động từ 40-50 triệu đồng. Khi có người đồng ý vay, các đối tượng yêu cầu phải đóng phí bảo hiểm khoản vay khoảng 2,5 triệu đồng; đồng thời yêu cầu thêm các khoản “bồi dưỡng”, ít nhất cũng từ 2-3 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi người vay đã đóng các khoản tiền nêu trên, các đối tượng lại đặt ra nhiều thủ tục và các tình huống khác để tiếp tục “moi” tiền của nạn nhân như: hồ sơ bị lỗi, thủ tục sai quy định... Sau khi thông báo các tình huống phát sinh, các đối tượng tiếp tục yêu cầu người dân đóng các khoản phí, lệ phí vô lý khác hoặc tiền thế chân... để được giải ngân. Tuy nhiên, theo cơ quan công an, đây đều là những chiêu thức mà các đối tượng lừa đảo đặt ra để đưa nạn vào bẫy và buộc phải vay tiền của chúng. Có một số trường hợp, chỉ muốn vay số tiền 30-40 triệu đồng nhưng đã bị kẻ xấu lợi dụng lừa chiếm đoạt số tiền lên đến 80 triệu đồng.

Gần nhất vào đầu tháng 10-2021, qua tìm hiểu trên mạng, bà L.T.N. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã liên hệ với một người xưng là chuyên viên tín dụng của công ty tài chính tại TP.Hà Nội để yêu cầu vay khoản tiền 40 triệu đồng. Sau đó, bà N. được nhân viên này hướng dẫn làm hợp đồng, đóng bảo hiểm... Sau khi làm các thủ tục, bà N. được nhân viên này gợi ý “bồi dưỡng” để được giải ngân nhanh chóng.

8

Tuy nhiên, sau khi đóng các khoản bảo hiểm, bồi dưỡng, bà N. vẫn chưa thể nhận được tiền do nhiều “thủ tục” liên quan vẫn còn vướng mắc. Cụ thể như đối tượng yêu cầu tài khoản nhận tiền của bà N. ít nhất phải có các khoản phí “luân chuyển” (khoản tiền nạp vào và rút ra ít nhất 20 triệu đồng) trong thời hạn nhất định thì mới được nhận tiền. Để thực hiện yêu cầu này, đối tượng đã yêu cầu bà N. phải tạm nạp vào tài khoản số tiền trên sau đó chuyển sang một tài khoản khác do phía đơn vị cho vay quản lý để làm cơ sở xác định điều kiện.

Nghe theo các hướng dẫn, bà N. đã vay mượn bên ngoài chuyển cho nhân viên này hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không vay được tiền. Biết mình bị kẻ xấu lừa đảo, bà N. đã đến Công an TP.Biên Hòa trình báo, do chỉ muốn vay số tiền 40 triệu đồng, nhưng bà đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 80 triệu đồng.

Chiêu lừa cũ nhưng tinh vi hơn

Bên cạnh việc lập ra các trang web giả các ngân hàng, các tổ chức, công ty tín dụng để lừa đảo, thời gian gần đây một số đối tượng thông qua các trang MXH như: Zalo, Facebook gửi cho người dân thông báo về tiền điện cũng như những vi phạm khi sử dụng điện của khách hàng. Trên cơ sở đó, các đối tượng yêu cầu người dân đóng tiền phạt theo hướng dẫn. Đặc biệt, có trường hợp được người đóng giả “nhân viên điện lực” thông báo rõ họ tên, mã số nhân viên của Tổng công ty Điện lực miền Nam thông báo về những vi phạm của khách hành và phải nộp số tiền hàng chục triệu đồng để được giải quyết.

Cụ thể, vào cuối tháng 4-2021, bà N.T.V. (ngụ TP.Biên Hòa) trình báo với Điện lực Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa về việc bà có nhận được một cuộc điện thoại từ số điện thoại giống với số tổng đài chăm sóc khách hàng (12 số) thông báo vi phạm sử dụng điện, chưa thanh toán tiền điện và công an đang vào cuộc điều tra… Đồng thời, người gọi điện cũng yêu cầu bà V. phải thanh toán số tiền điện quá hạn lên đến hàng chục triệu đồng.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, khi phát hiện khách hàng gặp những thủ đoạn có dấu hiệu lừa đảo nêu trên, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã kịp thời phản ảnh đến cơ quan công an để yêu cầu giải quyết.

9

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo tiếp tục sử dụng các chiêu thức cũ như: giả danh cán bộ cơ quan tư pháp; đóng giả quân nhân nước ngoài muốn gửi tặng quà... nhưng cách thức hoạt động ngày càng tinh vi.

Theo đó, các đối tượng đóng giả cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan... để gọi điện, nhắn tin đưa ra những thông tin giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản. Để các nạn nhân dễ dàng tin tưởng, các đối tượng còn làm giả luôn cả các loại giấy tờ liên quan như: quyết định khởi tố, lệnh bắt bị can, lệnh khám xét và sẵn sàng gửi các quyết định, lệnh này thông qua MXH. Mục đích cuối cùng là các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp các thông tin liên quan đến ngân hàng để thực hiện việc “phong tỏa” tài sản. Không ít nạn nhân đã tin tưởng làm theo và bị lừa hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ tháng 5-2021 đến nay, công an các huyện, thành phố đã tiếp nhận hàng chục vụ tố cáo lừa đảo bằng chiêu thức giả nhân viên ngân hàng, công ty tài chính để cho vay tiền. Riêng tại TP.Biên Hòa, lực lượng công an đã tiếp nhận khoảng 50 trường hợp trình báo bị lừa bằng thủ đoạn nêu trên. Số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng.

Phức tạp hoạt động tấn công mạng, tin giả, cờ bạc, khiêu dâm trên Internet

Theo báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 của Chính phủ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) nhận định, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng, mức độ nghiêm trọng. Tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet. Giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng.

Đặc biệt, hành vi đưa tin sai sự thật không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đại biểu cho rằng, bên cạnh tính chất phức tạp, tinh vi của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, việc xử lý vẫn chưa kiên quyết, chưa nghiêm và chưa kịp thời.

Đại biểu Trần Chí Cường cũng cho biết, theo phản ánh của cử tri thời gian qua có rất nhiều ứng dụng trên mạng Internet hoạt động dưới hình thức cờ bạc trá hình, thậm chí lôi kéo người chơi bằng các hoạt động khiêu dâm, phản cảm. Tình trạng lợi dụng mạng xã hội để có những phát ngôn không đúng, dùng ngôn từ phản cảm, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí còn xúc phạm cả tôn giáo…

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đắk Nông.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đắk Nông.

"Những hành vi này lôi kéo hàng triệu người tham gia, đặc biệt là các thế hệ trẻ gây bất ổn về an ninh, trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội. Diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời xử lý dứt điểm" - ĐBQH đoàn TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa về việc quy định các chế tài và các biện pháp để các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng chỉ ra, tội phạm trên không gian mạng đang gia tăng với các thủ đoạn tinh vi: "Loại tội phạm này đang làm mưa làm gió trên không gian mạng trong thời gian gần đây, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn trong xã hội".

Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn lực chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường năng lực, lực lượng kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Phối hợp quốc tế trong đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói riêng.