largeer

Mai Anh

Mai Anh

2021-11-03 18:20:00

Cần có cơ quan giải quyết kiến nghị độc lập trong đấu thầu

Khi tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất bổ sung mô hình giải quyết kiến nghị bởi một cơ quan hoàn toàn độc lập với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu để bảo đảm sự khách quan, minh bạch trong đấu thầu.

Quá trình tìm hiểu, phản ánh nhiều vụ việc kiến nghị của nhà thầu trên Báo Đấu thầu cho thấy, có nhiều nội dung kiến nghị của nhà thầu rất chính đáng nhưng bị chủ đầu tư “để ngoài tai” hoặc trả lời chiếu lệ. Tháng 9/2021, Báo Đấu thầu có đăng tải bài viết từ nội dung kiến nghị của nhà thầu về gói thầu cải tạo nhà làm việc của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, trong quá trình mời thầu qua mạng không công khai đủ bản vẽ thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, có 1 nhà thầu vẫn làm được hồ sơ dự thầu và sau đó được lựa chọn trúng thầu. Còn kiến nghị của nhà thầu đến nay chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý thỏa đáng.

Trên thực tế, khi nhà thầu gửi đơn kiến nghị, nhiều chủ đầu tư/BMT chuyển trách nhiệm làm văn bản trả lời kiến nghị cho các đơn vị tư vấn mời thầu hoặc tư vấn chấm thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Interne

Trên thực tế, khi nhà thầu gửi đơn kiến nghị, nhiều chủ đầu tư/BMT chuyển trách nhiệm làm văn bản trả lời kiến nghị cho các đơn vị tư vấn mời thầu hoặc tư vấn chấm thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Interne

Theo quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu 2013, chủ đầu tư (đối với dự án), bên mời thầu (đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung) là cấp trực tiếp giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Nếu nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư/bên mời thầu thì có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền. Trên thực tế, khi nhà thầu gửi đơn kiến nghị, nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu chuyển trách nhiệm làm văn bản trả lời kiến nghị cho các đơn vị tư vấn mời thầu hoặc tư vấn chấm thầu. Khi nhà thầu tiếp tục kiến nghị đến người có thẩm quyền thì người có thẩm quyền lại ra văn bản giao cho chủ đầu tư báo cáo, làm rõ. Chủ đầu tư/bên mời thầu lại dùng chính văn bản mà đơn vị tư vấn đấu thầu trả lời nhà thầu để báo cáo người có thẩm quyền... Chính vì vậy, các nội dung kiến nghị của nhà thầu thường rơi vào vòng “luẩn quẩn” và không được giải quyết một cách thỏa đáng.

Ông Richard Olowo - Trưởng nhóm Đấu thầu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, Ngân hàng luôn duy trì 1 cơ quan độc lập, gọi tắt là INT để xem xét, giám sát và giải quyết các vấn đề phát sinh trong đấu thầu (trong đó có các kiến nghị đấu thầu của nhà thầu). INT được xem như một bộ lọc khắt khe, hoạt động trên quy mô toàn cầu, đường dây nóng của INT có thông dịch viên hoạt động 24/24h nên INT sẽ giám sát và vào cuộc điều tra ngay khi tiếp nhận phản ánh với các chứng cứ hoặc dấu hiệu gian lận, tham nhũng, thông đồng và không minh bạch trong đấu thầu. Các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ bị xử lý hoặc nhận được hình thức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm được xác thực.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, thực tế nhiều vụ việc sai phạm trong đấu thầu nổi cộm bị các cơ quan công an khởi tố, điều tra thời gian gần đây cho thấy, hầu hết các sai phạm về đấu thầu đều có sự tiếp tay, bao che của chủ đầu tư/bên mời thầu, người có thẩm quyền. Chính vì thế, khi trao quyền xử lý kiến nghị trong đấu thầu cho chủ đầu tư/bên mời thầu, người có thẩm quyền sẽ tồn tại việc “nể nang”, “lợi ích nhóm” trong giải quyết kiến nghị, dẫn đến việc kết quả giải quyết, xử lý kiến nghị gần như không thay đổi, không chấn chỉnh được tiêu cực trong đấu thầu. Phía nhà thầu kiến nghị cũng vì thế mà chán nản, bỏ cuộc, tính răn đe đối với các hành vi vi phạm đạt thấp và không tương xứng với mức độ hành vi vi phạm.

Theo Bộ KH&ĐT, kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu 2013 cho thấy, hệ thống giải quyết kiến nghị hiện nay chưa đủ tính độc lập. Việc giải quyết kiến nghị ở cấp chủ đầu tư/bên mời thầu gần như không thỏa đáng đối với kiến nghị của nhà thầu vì toàn bộ quá trình đấu thầu chủ yếu do chủ đầu tư/bên mời thầu quyết định, gần như khép kín và không có cơ quan độc lập thực hiện việc giám sát, thẩm tra, thẩm định. Do đó, cần phải đưa ra một mô hình phù hợp để công tác giải quyết kiến nghị trong đấu thầu đạt hiệu quả.