largeer

lili

lili

2021-12-02 08:30:00

Cầm sổ đỏ đi thế chấp vay tiền thì dễ, đòi lại giấy tờ mới thực sự là hành trình mệt mỏi

Vào năm 2014, bà Nguyễn Thị Tuyền, quận 12, Tp Hồ Chí Minh thế chấp bìa đỏ đất cho người khác để vay 50.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó bà Tuyền không nhận được tiền, mà người cầm sổ đỏ không trả lại cho bà. Dù đã nhiều lần yêu cầu bên cho vay trả bìa đỏ đất nhưng người ta nại ra rằng, họ đã cầm sổ đỏ này đi thế chấp cho một người khác, và người đó lại cầm đi thế chấp với 1 người khác nữa.

so-do_d698ce11

Câu chuyện thế chấp bìa đỏ để vay tiền như của bà Tuyền không phải là cá biệt. Nhiều người vay tiền xong, trả hết cả gốc và lãi nhưng bên cho vay vẫn chây ì không trả sổ. Không loại trừ, cùng cuốn sổ ấy được mang đi thế chấp nhiều lần, ở nhiều nơi.

Việc đòi lại “giấy tờ” trong thủ tục tố tụng dân sự rất phức tạp. Vì “sổ đỏ” không được coi là một loại tài sản, nên nếu khởi kiện, không phải để đòi lại giấy tờ, mà sẽ là một vụ kiện tranh chấp tài sản.

Theo quy định tại Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Quyền đòi lại tài sản” thì: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”.

Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản bao gồm: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Trước đây, tại Công văn số 141/TANDTC/KHXX ngày 21/9/2011 Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn như sau:

“1. Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì giấy tờ có giá bao gồm:

a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;

d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);

đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”…

2. Theo các quy định trên đây thì các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật Dân sự năm 2005; do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết”.

Tại Mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự hướng dẫn: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính”. Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính, không phải là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ” cho nên không phải là giấy tờ có giá. Do vậy, hướng dẫn tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá vẫn phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và các pháp luật khác đang có hiệu lực.

Hiện nay, Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, theo đó tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Trên thực tế, việc theo đuổi các vụ kiện dân sự dạng này rất mệt mỏi. Vì kể cả thắng kiện, tiếp sau đó là quá trình “chạy theo” để yêu cầu thi hành án dân sự.

Do vậy, khi cầm sổ đỏ đi thế chấp vay tiền, nên cân nhắc thật kỹ.

Cre: news88today