An Nhiên

An Nhiên

2020-12-31 09:08:00

Bộ Y tế bỏ hành tỏi vô rổ... dược liệu, tiểu thương 'hết hồn': Tuần sau sẽ có hướng dẫn mới

Đậu, gừng, tỏi, hạt sen… bỗng dưng bị Bộ Y tế đưa vào nhóm dược liệu và quản lý như kinh doanh thuốc khiến việc xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp bị đảo lộn, thậm chí tạm ngưng. Nhiều chuyên gia khẳng định như vậy khi đề cập về thông tư 48 của Bộ Y tế, đồng thời cho rằng công tác làm luật và chính sách của nhiều bộ ngành còn chủ quan, không đúng với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ kêu gọi thời gian qua.

Bất ngờ mới đây trong danh mục của Bộ Y tế có đến hàng trăm loại thực phẩm rất phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày lại đưa vào danh mục dược liệu: các loại đậu hạt (đậu ván trắng, hạt bí ngô, óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh…); các loại rau thơm (bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng…); các loại gia vị (riềng, gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, sả, gấc, tỏi…); các loại nước mát (atisô, bồ công anh, cam thảo, sắn dây, chè vằng, nhân trần, rau má, râu bắp, hoa cúc…); thực phẩm bổ dưỡng (táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả…) và nguyên liệu như rễ cỏ tranh, hạt cau, lá khế, lá xoài, bồ kết.

3

Theo tìm hiểu, hàng trăm DN nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu đang bị vướng bởi quy định tại thông tư số 48/2018 ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế. Thông tư này ban hành danh mục dược liệu, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu...

Rất nhiều mặt hàng người dân vẫn sử dụng hằng ngày biến thành dược phẩm. Trong khi đó, theo thông tư 03/2016 của Bộ Y tế, cơ sở xuất nhập khẩu dược liệu phải có đủ các điều kiện "đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu", đạt các nguyên tắc "thực hành tốt bảo quản thuốc" đối với dược liệu theo quy định tại thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra...

Tuổi Trẻ dẫn lời anh Nguyễn Văn Tin, phụ trách xuất nhập khẩu của một công ty tại quận 3 (TP.HCM), cho biết công ty đang có một lô hàng kỷ tử (trái cây sấy khô) nhập khẩu nằm tại cảng từ tháng 10-2020 đến nay, chưa thể làm thủ tục thông quan do vướng quy định tại thông tư 48.

"Khi mặt hàng này do Bộ NN&PTNT quản lý, doanh nghiệp chỉ cần liên hệ với trung tâm kiểm dịch thực vật đến để kiểm tra chất lượng, xuất trình phiếu kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu là được thông quan" - anh Tin cho biết.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), với thông tư này, rất nhiều loại thực phẩm tiêu dùng thông thường phải được làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự các loại dược liệu. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, vì vừa phải tuân thủ các quy định quản lý về xuất nhập khẩu thực phẩm, vừa phải tuân thủ các quy định quản lý dược liệu.

Cụ thể, nếu muốn nhập khẩu, doanh nghiệp phải có giấy phép xuất nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cấp, rồi giấy chứng nhận C/O của nước xuất khẩu và phiếu kiểm nghiệm từng lô dược liệu. "Quy định như thế này sẽ cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm. Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế cần rà soát thông tư 48 để không làm khó cho doanh nghiệp" - bà Minh kiến nghị.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Bộ Y tế gom chung các loại thực phẩm đa chức năng và các dược liệu khác vào một mối để quản lý nhằm tạo thuận tiện cho doanh nghiệp ngành dược nhưng lại làm khó cho các doanh nghiệp ngành nghề khác. "Thậm chí, nếu tuân thủ các quy định này, doanh nghiệp ngành thực phẩm, tiểu thương bán lẻ ngoài chợ sẽ phải ngưng kinh doanh" - một chuyên gia nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng ngoại trừ các loại dược liệu chỉ dùng làm thuốc, Bộ Y tế không thể đưa vào danh mục phải kiểm tra kiểm soát với các loại thực phẩm đa chức năng (có thể chiết xuất làm dược liệu, dùng làm thực phẩm hằng ngày hay làm nguyên liệu chế biến sản phẩm phi thực phẩm...), mà để doanh nghiệp tự khai báo theo mục đích sử dụng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ liên hệ với cơ quan quản lý theo mục đích sử dụng để làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Cũng theo ông Dũng, Bộ Y tế giải thích rằng việc cần kiểm soát này nhằm hỗ trợ nông dân, ví dụ như trường hợp gừng trong nước nhiều mà vẫn nhập khẩu, là không thỏa đáng bởi việc tiêu thụ gừng hay các loại nông sản khác không thuộc trách nhiệm của bộ này. Việc của Bộ Y tế là đảm bảo việc sản xuất dược liệu đúng tiêu chuẩn, thuốc đúng chất lượng và các công việc liên quan đến sức khỏe. "Cần phải phân chia danh mục quản lý rõ ràng. Bộ Y tế chỉ giữ lại những loại dược liệu chuyên dùng để làm thuốc, còn các loại thực phẩm đa chức năng khác phải để cho doanh nghiệp tự khai báo" - ông Dũng đề xuất.

Với việc đưa nhiều loại thực phẩm vào danh mục quản lý như dược liệu, Bộ Y tế không những gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mà còn "đá nhầm sân" của Bộ NN&PTNT.

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết đã nhận được rất nhiều phản ảnh của doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm do vướng thông tư này. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư 48 theo hướng chỉ đưa vào danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu. Chỉ cần Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT ngồi lại với nhau, mọi vướng mắc sẽ được nhanh chóng gỡ bỏ..." - bà Chi bức xúc.

Với quy định mới của Bộ Y tế, các loại trên là dược liệu và phải được quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh dược liệu. Điều này sẽ đẩy tất cả các DN xuất nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm có liên quan đến các mặt hàng nói trên vào thế không thể kinh doanh. 

"Trước đây việc nhập khẩu các sản phẩm này thực hiện theo thông tư 15 của Bộ NN&PTNT, không có vướng mắc nào phát sinh. Gần đây những sản phẩm này lại nằm trong danh mục dược liệu theo thông tư 48 và nghị định 54, từ đó nảy sinh những vướng mắc" - đại diện cục xác nhận.

Để giải quyết vướng mắc, cục Quản lý y dược cổ truyền đã có kế hoạch họp bàn với Tổng cục Hải quan và đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT trong tuần tới nhằm tách danh mục này theo hướng sản phẩm hướng thực phẩm nhiều hơn sẽ ứng xử như với thực phẩm, sản phẩm nào là dược liệu sẽ trả về cho dược liệu.