Sư Tử

Sư Tử

2021-11-25 10:34:00

Bệnh viện dã chiến TP.HCM lại kín bệnh nhân COVID-19, 50% ca tử vong chưa tiêm vắc xin

Từ tuần đầu tiên của tháng 11, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận nhiều ca F0 từ nhiều đơn vị chuyển đến. 'Đây là đỉnh mới' -  ông Hồ Hữu Đức - phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình cho biết.

37

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình (TP.HCM) chiều 24-11, tất cả các giường bệnh từ hồi sức bệnh nặng, trung bình, nhẹ đến cấp cứu đều kín bệnh nhân. Dọc hành lang khu D (khu bệnh nhẹ) phải kê thêm nhiều giường xếp cho bệnh nhân bệnh nhẹ nằm.

Dưới thời tiết oi bức, số lượng bệnh nhân quá tải cùng với tiếng tít tít phát ra liên hồi từ các thiết bị y tế khiến không khí tại đây càng khẩn trương. Các y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên phải căng mình chăm sóc, điều trị rất nhiều bệnh nhân. Có nhiều người phải dùng các túi đá để làm mát cơ thể mới tiếp tục làm việc.

Ông Hồ Hữu Đức - phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình - cho biết bệnh viện có 3 tầng, tầng 1 (khu E) do Trung tâm Y tế quận Tân Bình phụ trách; tầng 2 (khu D) do Bệnh viện quận Tân Bình phụ trách và tầng 3 (từ khu A đến C) do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách.

Riêng những bệnh nhân nhẹ, bệnh viện phải kê 50 giường xếp để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tại khoa cấp cứu, nếu như những ngày cuối tháng 10 chỉ tiếp nhận 6 - 7 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày thì 2 tuần gần đây phải tiếp nhận liên tục và thời điểm nào giường cấp cứu cũng kín bệnh nhân, họ phải lưu lại đây trong thời gian dài vì giường bệnh ở các khu đều kín.

Theo bác sĩ Đức, bệnh viện có 70 bác sĩ, 140 điều dưỡng và hiện đang điều trị 850 bệnh nhân. Điển hình tại khu bệnh nặng với 128 bệnh nhân nhưng chỉ có 4 bác sĩ, 7 điều dưỡng chăm sóc, điều trị. Trước tình trạng bệnh nhân F0 dần quá tải, bệnh viện gặp nhiều khó khăn về nhân lực khi lực lượng chi viện đã rút, khu cách ly tập trung các quận huyện đóng cửa cũng như các bệnh viện trở lại công năng ban đầu...

"Tôi nghĩ tình trạng quá tải này diễn ra cục bộ. Do đó Sở Y tế cần điều tiết những nơi nào còn khả năng thu dung để tránh tình trạng quá tải cục bộ" - ông Đức nói.

Hơn một tuần nay số ca mắc của TP.HCM vượt 4 con số, như ngày 24-11 có 1.666 ca. Số ca mắc tăng, kéo theo số ca trở nặng và tử vong tăng. Từ duy trì dưới 30 ca tử vong/ngày, 4 ngày trở lại đây số ca tử vong tăng liên tục, lần lượt từ 50, 55, 59 lên 62 ca ngày 24-11.

Một cán bộ của Sở Y tế TP.HCM cho hay các bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện tử vong thường tập trung ở nhóm cao tuổi, mang nhiều bệnh nền và đặc biệt "không chịu tiêm vắc xin". Thống kê các ca tử vong một ngày cho thấy có điểm chung trên 50% chưa tiêm vắc xin.

Ngoài ra một số bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu điều trị bởi một bệnh lý khác (bệnh nền), sau đó xét nghiệm tầm soát mới phát hiện mắc thêm COVID-19. Có người mắc COVID-19 không hề biết mình có bệnh nền. Các trường hợp nêu trên, theo vị này, COVID-19 chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân tử vong chính vẫn là do mắc các bệnh lý khác, kèm thêm tuổi cao sức yếu.

Một nguyên nhân khác khiến số ca tử vong tăng ở TP.HCM xuất phát từ việc TP đang phải "gánh" một phần ca tử vong của các tỉnh. Bởi hiện nay với các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến, TP.HCM phải tiếp nhận điều trị.