Bao giờ đóng cửa, chuyển công năng KCN Biên Hòa 1 để giải cứu sông Đồng Nai?
Chủ trương chuyển đổi công năng, di dời khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Đồng Nai từ năm 2009. Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai, đến nay đề án này lại quay về vạch xuất phát…
Theo Thanh Niên dẫn lời ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai - đơn vị được giao đầu mối xây dựng đề án, cho biết hiện nay Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có báo báo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh, đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam. Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng, tỉnh Đồng Nai mới thực hiện các bước tiếp theo.

Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai. Ảnh: Vũ Hội
Thông tn trên PLO cho biết từ tháng 10-2009, Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho UBND tỉnh Đồng Nai chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, sau khi nghiên cứu các quy định, văn bản pháp luật liên quan, UBND tỉnh Đồng Nai nhận thấy không có cơ sở pháp lý nào cho việc đóng cửa KCN Biên Hòa 1. Để đóng cửa KCN này, Đồng Nai phải thực hiện theo Nghị định 82/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, vào tháng 8-2019, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ KH&ĐT thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam đến năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý cần phải có để di dời các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN này và thực hiện chuyển đổi công năng theo đề án.
Ông Nguyên cũng cho biết đến nay việc đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch vẫn gặp một số vướng mắc. Vào thời điểm UBND tỉnh Đồng Nai có tờ trình gửi Bộ KH&ĐT thẩm định, tham mưu trình Thủ tướng là thời điểm Luật Quy hoạch đã có hiệu lực. Vì vậy, việc đưa KCN này ra khỏi quy hoạch bắt buộc phải tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, đề án sẽ tiếp tục bị chậm trễ, dự kiến sẽ còn kéo dài.

Hiện Còn nhiều DN hoạt động trong KCN Biên Hòa 1. Ảnh Đức Nguyễn
“Sở KH&ĐT đã làm việc với Bộ KH&ĐT để đưa đề án này vào trường hợp cần thiết, cấp bách để được áp dụng theo Nghị định 82/2018. Khi đó, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa KCN này ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam trong năm 2020 chứ không thực hiện tích hợp vào quy hoạch tỉnh để tránh kéo dài thời gian” - ông Nguyên nói.
Ngày 26-6, tại công văn trả lời kiến nghị của tỉnh Đồng Nai, Bộ KH&ĐT đã giải thích lý do việc chậm trễ đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam.
Theo Bộ KH&ĐT, ngày 28-5-2020, bộ nhận được văn bản giải trình bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020. Đến nay, Bộ KH&ĐT đã có văn bản xin ý kiến các bộ liên quan về nội dung đề án để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Trước đó, vào ngày 18-3, tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai về tiến độ thực hiện dự án này, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng phải đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN Việt Nam trong tháng 6-2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Nhà xưởng của một DN di dời bỏ không trong KCN Biên Hòa 1. Ảnh Đức Nguyễn
Trong khi đó theo ông Hồ Văn Hà, thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và UBND TP.Biên Hòa tập trung tham mưu cho tỉnh thực hiện các bước, như: xem xét các giải pháp nguồn vốn để giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ chế hỗ trợ di dời, chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực… “Đây là dự án đặc thù có quy mô lớn, liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, ảnh hưởng đến nhiều DN và người dân, người lao động nên cần nhiều thời gian để triển khai. UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đề án, sớm di dời bàn giao mặt bằng để lựa chọn nhà đầu tư, trên tinh thần tích cực và khẩn trương”, ông Hà nhấn mạnh.
KCN Biên Hòa 1 ra đời năm 1963, là KCN lâu đời nhất Việt Nam, là biểu tượng của ngành công nghiệp miền Nam sau giải phóng. KCN Biên Hòa 1 có tổng diện tích hơn 320 ha. Báo cáo của Sở TN-MT Đồng Nai, cho biết mỗi ngày các DN đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000 m3 nước thải; trong đó, có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tình trạng này khiến nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng chục triệu người dân vùng Đông Nam bộ.