largeer

Song Toàn

Song Toàn

2023-03-28 11:27:00

"Bánh ăn kiêng" hiểu thế nào cho đúng để tránh mắc bẫy mua phải bánh "dởm"

Hiện nay, mọi người có xu hướng dịch chuyển thói quen chi tiêu của bản thân, đầu tư nhiều hơn vào chất lượng cuộc sống và bản thân mình. Đặc biệt, một số người chi rất nhiều tiền để mua thực phẩm sạch và đồ ăn healthy (lành mạnh), nhất là bánh ăn kiêng.

Tại sao bánh ăn kiêng ngày nay lại là lựa chọn của nhiều người? Đó là bởi vì bánh ăn kiêng thường được làm từ các nguyên liệu lành mạnh hơn cho sức khỏe như bột mì nguyên cám, bột mì đen, trái cây, đậu phộng, hạt chia... thay vì các thành phần không tốt cho cơ thể như đường, bơ, kem, mỡ động vật... Ngoài ra, bánh ăn kiêng còn giúp giảm cân, cung cấp năng lượng cho cơ thể một cách lành mạnh, và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến chế độ ăn uống thiếu lành mạnh.

89

Thời gian gần đây, một số tiệm bánh ngọt gắn mác "ăn kiêng", "healthy", bánh ngọt "an toàn cho người bị tiểu đường". Lợi dụng nhu cầu giảm cân và chế độ ăn lành mạnh của nhiều người nên các tiệm bánh trên "đổi trắng thay đen", nhập bánh ngọt giá rẻ về bán cao gấp hàng chục lần. Chưa kể, các loại bánh này còn được quảng cáo dùng đường ăn kiêng, an toàn cho bà bầu trong thai kỳ bị tiểu đường, người già tiểu đường ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhận biết các loại bánh ăn kiêng

Trên thực tế đã có nhiều người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn và không phân biệt được thế nào là bánh ăn kiêng, bánh dùng chất tạo ngọt không phải bánh ăn kiêng,... và rất nhiều những thông tin khác. Trên thị trường hiện nay có hai dòng bánh ăn kiêng chính là low carb, no carb (không đường, không tinh bột) và low calories, GI thấp (bánh healthy, eat clean).

Bánh Low Carb, No Carb

Low Carb là viết tắt của từ Low-Carbohydrate, nghĩa là ít đường, tinh bột. Quy tắc ăn theo LowCards hạn chế gần như tuyệt đối thực phẩm có tinh bột, đường như cơm, mì, ngô, khoai, bánh kẹo ngọt, hoa quả nhiều đường,... và ăn không hạn chế chất đạm và chất béo.

Chế độ ăn này thường được những người ăn kiêng theo chế độ Keto, chế độ Das và bệnh nhân tiểu đường áp dụng. Các loại bánh Keto, Das tuyệt đối không có carb, hoặc nếu có thì cực kỳ ít, vì điều này ảnh hưởng đến sự tăng đường huyết và vượt khỏi chế độ ketosis (trạng thái trao đổi chất tự nhiên mà thay vì dùng carb sản sinh năng lượng nuôi dưỡng thì xeton - 1 chất hữu cơ từ chất béo sẽ thực hiện vai trò đó).

Bởi vậy, các loại bánh Keto này không được có tinh bột từ các loại như bột mì, bột gạo, ngô, khoai, sắn, yến mạch, bột lúa mạch đen, bột nguyên cám,... Đặc biệt các loại đường như đường (sucrose, saccarose, fructose,...) có trong đường trắng, đường phèn, đường vàng, đường thốt nốt, mật ong, mật mía, hoa quả ngọt đều không được dùng.

Điều này cho thấy các loại bánh Keto được thực hiện theo quy tắc khá gắt gao. Các nguyên liệu được sử dụng làm bánh thường là trứng, bột hạnh nhân (để thay cho bột mì), bột dừa, bột hạt lanh, đường ăn kiêng từ cỏ ngọt, hạt nhiều dầu ít tinh bột như macca, lạc, hay konjac (khoai nưa) thay cho thạch,...

Cho nên, với các loại bánh ăn kiêng thì vị chắc chắn không bắt miệng như đường bình thường. Vị ngọt này có thể hơi khó ăn, hơi "ngang" và kết cấu bánh không được bông mịn như bình thường, hơi thô và cứng vì bánh làm từ hạt thay vì bột.

Bánh Low Calories, GI thấp (healthy, eat clean)

Các dòng bánh healthy hay eat clean đúng chuẩn phải được làm từ những nguyên liệu chuyển hóa chậm, GI thấp, chậm tăng đường huyết. Chỉ số GI là chỉ số đường huyết của thực phẩm chứa tinh bột. Điều này thể hiện mức độ ảnh hưởng của thực phẩm đến đường huyết. Các nguyên liệu được sử dụng thường là yến mạch, bột nguyên cám, bột lúa mạch đen,...

Khi làm bánh healthy kiểu này phải tính kỹ calories trên từng thành phần của bánh để cho người dùng có thể tính toán lượng nạp calo mỗi ngày. Công đoạn này rất khó kiểm chứng bởi các nguyên liệu làm bánh và lượng calories không phải người làm bánh nào cũng kiểm soát được.

Bánh làm từ các nguyên liệu thô này nhìn chung không dễ ăn, không nịnh miệng. Bởi vì chúng cứng, màu hơi nâu, kết cấu khô hơn bình thường. Nếu bánh được bày bán trắng mịn, mềm mại, ăn ngon ngọt không khác gì bánh thường thì đây không phải bánh healthy hay bánh keto.

Nhìn chung, các loại bánh ăn kiêng nhiều người tin dùng không phải vì chúng thơm ngon như bình thường, mà vì chính những hạn chế đó quyết định đến sức khỏe và phải sử dụng nguyên liệu thay thế. Bánh khó ăn, mùi vị có thể không hấp dẫn, cho nên các loại bánh ngọt bình thường gắn nhãn bánh Keto, bánh healthy, eat clean thì cần tỉnh táo phân biệt.