largeer

Mèo mun

Mèo mun

2021-07-26 23:20:00

Bách Hóa Xanh liên tục bị xử phạt vì không thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa

Những ngày qua, chuỗi bán lẻ nhu yếu phẩm Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động liên tục gặp “kiếp nạn”, sau khi dư luận bức xúc phản ứng vì cho rằng Bách Hóa Xanh đã tăng giá hơn gấp đôi một số mặt hàng trong bối cảnh dịch bệnh, mới đây, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tại An Giang lại bị xử phạt vi phạm hành chính không thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa...

Sự bức xúc lên đến đỉnh điểm khi làn sóng đòi tẩy chay Bách Hóa Xanh cũng dâng cao, cho dù phía Thế Giới Di Động đã có thông tin giải thích rằng một số mặt hàng không thể giữ giá bán như trước khi đợt dịch bùng phát vì nhiều lý do khách quan tác động đến chi phí.

Trước sự bức xúc của dư luận, hàng chục điểm bán của Bách Hóa Xanh trên địa bàn TPHCM đã bị cơ quan quản lý thị trường thực hiện kiểm tra. Bên cạnh đó, 2 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Sóc Trăng và Buôn Ma Thuột còn bị lực lượng quản lý thị trường lập biên bản vì lỗi không niêm yết giá, hoặc giá bán cao hơn giá niêm yết.

Ngày 26-7, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho biết: Đội QLTT số 6 đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh (trụ sở chính tại phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) số tiền 1,5 triệu đồng. Lý do: đơn vị này đã không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định pháp luật.

Lực lượng QLTT tỉnh An Giang kiểm tra một cửa hàng Bách Hóa Xanh: ẢNH: Cục QLTT tỉnh An Giang

Lực lượng QLTT tỉnh An Giang kiểm tra một cửa hàng Bách Hóa Xanh: ẢNH: Cục QLTT tỉnh An Giang

Trước đó, vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 21-7-2021, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 6 phối hợp các ngành chức năng cùng Công an huyện Châu Thành kiểm tra Cửa hàng Bách Hóa Xanh số 37 (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang thuộc Chi nhánh Công ty cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh).

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Bách Hóa Xanh số 37 không thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa. Cụ thể là không niêm yết giá thức uống dinh dưỡng hiệu MILO loại 330g/bịch, chuối già Nam Mỹ loại 1kg/hộp, gà dai...

Đội QLTT số 6 tiến hành lập biên bản và mời người đứng đầu cửa hàng Bách Hóa Xanh An Giang số 37 đến trụ sở Đội QLTT số 6 để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, chuỗi siêu thị lớn Bách Hóa Xanh đang trở thành tâm điểm bởi hàng loạt bài đăng "tố" tăng giá sản phẩm giữa dịch COVID-19. Thậm chí, nhiều người dân còn phản ánh rằng, ở một số chi nhánh giá một đằng, tính tiền một nẻo, cân sai, bán đắt hơn so với bên ngoài…

Cụ thể, một tài khoản M.A đã đăng bài chia sẻ về trải nghiệm mua hàng tại một chi nhánh của chuỗi siêu thị này cho biết: "Tôi đi siêu thị mua mớ rau răm héo giá 14.000 đồng, củ gừng 21.000 đồng… phía siêu thị đã tăng giá lên gấp 3-4 lần".

Trước vấn đề này, Bách Hóa Xanh đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, giải thích lý do tăng giá. Phía công ty khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân.

Các lý do được đơn vị này đưa ra như, thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỉ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.

Chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.

Chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng nghìn tài xế giao hàng, nhân viên kho và hàng trăm nhân viên đi làm ở 2 tỉnh lân cận nhau.

Ngoài ra, đơn vị này phải chi trả chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa.

Một yếu tố khác được đơn vị này đưa ra là hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông...

Bách Hóa Xanh đã thực hiện giải pháp bán hạn chế số lượng cho mỗi khách hàng đối với 1 số mặt hàng ở một số cửa hàng để chống lại hiện tượng mua gom hàng về bán giá gấp 2 - 3 lần của 1 số người.

Mặc dù đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không nhằm mục đích vụ lợi, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn phải đối mặt với “làn sóng” tẩy chay của người tiêu dùng.

Theo đó, nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra dưới bài viết của fanpage facebook của Bách hóa Xanh.

"Bách Hóa Xanh tăng giá quá đà mùa dịch?! Một bước đi đầy lòng tham có thể kéo cả tập đoàn bao gồm Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Dộng vào chuỗi tẩy chay sau dịch của người dân...", một bạn bình luận trên fanpage facebook của Bách Hóa Xanh.

Một người khác cùng bình luận: "Bách Hoá Xanh nâng giá mùa dịch quá nhiều nên tẩy chay. Lúc đồng bào khó khăn mà chỉ nghĩ lợi ích của mình".

Bên cạnh đó, lý do khác khiến khách hàng phản ứng là việc Bách Hóa Xanh thông báo tăng giá bán hàng hóa thì một số siêu thị khác lại tuyên bố vẫn giữ nguyên giá, bình ổn để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.

Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.op Food thông báo luôn giữ bình ổn giá, kết nối đi chợ cho khách hàng trong mùa dịch.

"Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Co.op Food ngày đêm cố gắng phục vụ hết công suất để đảm bảo đầy đủ các thực phẩm thiết yếu và chủ động giữ bình ổn giá tại thị trường TP HCM...", Co.op Food thông báo.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), để làm rõ những thông tin phản ánh tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh vi phạm quy định về giá hàng hóa, nâng giá bất hợp lý, chiều 16/7, lực lượng Quản lý thị trường TP HCM đã tiến hành kiểm tra, làm việc 75/641 cửa hàng đang kinh doanh tại quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh.

Tại thời điểm kiểm tra, các cửa hàng cung cấp cho lực lượng Quản lý thị trường thông tin về hóa đơn chứng từ đầu vào của hàng hóa được lưu trữ tại Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (địa chỉ số 128 Trần Quang Khải, Phường Tân Định, Quận 1, TP HCM).

Theo đó, giá cả hàng hóa mỗi ngày được thông báo qua phần mềm quản lý nội bộ QR code, không sử dụng hệ thống máy tính kế toán tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Tại buổi làm việc, lực lượng Quản lý thị trường đã đề nghị các cửa hàng chấp hành quy định về niêm yết giá theo quy định và bán đúng giá, đảm bảo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.