largeer

Mèo mun

Mèo mun

2021-08-20 09:40:00

Bà Rịa - Vũng Tàu: Một tài xế xe tải ngang nhiên dùng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để qua chốt kiểm soát

Để sang một huyện khác, tài xế xe tải đã sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để qua chốt kiểm soát. Hành vi này đã bị lực lượng công an phát hiện.

Công an TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàuđã cho biết cơ quan chức năng trên địa bàn phát hiện một trường hợp sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để qua chốt kiểm soát dịch.

Theo đó, khoảng 7h30 cùng ngày, Tổ công tác đặc biệt số 5, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với lực lượng Công an TP Vũng Tàu làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên đường ven biển (phường 12, TP Vũng Tàu).

Tổ công tác lập biên bản xử phạt về hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với B.. Ảnh: Công an cung cấp.

Tổ công tác lập biên bản xử phạt về hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với B.. Ảnh: Công an cung cấp.

Lực lượng đã dừng một xe tải do P.M.B. (31 tuổi, trú tại thị xã Phú Mỹ) điều khiển. Lúc đó xe lưu thông hướng từ TP Vũng Tàu sang huyện Long Điền.

Tại chốt kiểm soát, B. xuất trình một giấy kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính của một phòng khám tại TP Vũng Tàu. Nhận thấy có nhiều biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đặc biệt đã kiểm tra và xác định giấy xét nghiệm Covid-19 của ông B. là giả mạo.

Làm việc với cơ quan công an, ông B. đã khai nhận không đi làm xét nghiệm và thừa nhận giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là giả.

Tổ công tác và Công an TP Vũng Tàu lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông B. về hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, bàn giao vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu tiếp tục làm rõ hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tình trạng người dân cố tình giả mạo giấy tờ để vượt chốt kiểm dịch không phải là chuyện hiếm

Trước đó, thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho hay, hồi 18 giờ 30 phút ngày 12-8, tổ công tác liên ngành phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại chốt kiểm soát dịch số A06 (thuộc Km65+300 QL37 thuộc khu Tiền Trung, phường Ái Quốc, TP Hải Dương) kiểm tra xe ôtô con mang nhãn hiệu VINFAST, BKS 14A - 559.20 do Mạc Văn H. (SN 1978, thường trú tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển.

Thời điểm này, trên xe chở 3 người gồm Bùi Văn Q. (SN 1979, thường trú tại xã Yên Đức); Đoàn Giang N. (SN 1988, thường trú tại phường Mạo Khê) và Nguyễn Thanh Nh. (SN 1972, trú tại phường Minh Thành), đều thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Quá trình kiểm tra giấy tờ, 4 người trên đã xuất trình Phiếu xét nghiệm Covid-19 có kết quả "Âm tính" do Phòng khám đa khoa 182 Lương Thế Vinh - Bệnh viện Đại học Quốc Gia Hà Nội cấp. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã xác định đây đều là các phiếu giả mạo.

Ngay sau đó, làm việc với lực lượng công an trong tổ liên ngành, cả 4 đối tượng trên khai nhận không đi xét nghiệm Covid-19. Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm trên là phiếu giả mạo, mục đích để đi qua các chốt kiểm soát dịch vào TP Hải Dương.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, bàn giao 4 người trên cho Công an TP Hải Dương để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Theo các nhà làm luật, nhìn nhận từ góc độ pháp lý đối với các cá nhân vi phạm ở sự việc trên, thì hành vi giả mạo chữ ký lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 có thể bị xử lý kỷ luật mang tính nội bộ được quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như khiển trách, cảnh cáo…, nếu có đủ căn cứ thì có thể bị truy tố hình sự.

Tương tự, hành vi dùng mã QR “luồng xanh” giả để qua chốt kiểm soát dịch cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Về xử phạt hành chính, đây là hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ – CP của Chính phủ, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trường hợp, người sử dụng mã QR Code “luồng xanh” giả để qua chốt kiểm soát dịch mà dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người".

Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả, sử dụng mã QR “luồng xanh” giả mạo còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi.

Còn trong trường hợp, việc cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì người làm giả giấy tờ có thể bị truy cứu về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Theo điều 240 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm; bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.