largeer

Ha Na

Ha Na

2021-07-12 15:00:00

Bà Đỗ Tú Anh – Chủ tịch kín tiếng của Masterise Group là ai?

Masterise Group – dịch sang tiếng Việt nôm na là “sự nổi lên của ông chủ” thể hiện rõ nét về tham vọng trỗi dậy của Masterise Group khi thâu tóm hàng loạt dự án bất động sản từ các ông chủ lớn và tham gia vào cuộc chơi năng lượng. Chủ tịch Masterise Group là bà Đỗ Tú Anh – một nhân vật kín tiếng nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với ông Hồ Hùng Anh – chủ tịch Techcombank.

masteri
Đế chế mới nổi Masterise Group

Mới đây, CTCP Phát triển Thành Phố Xanh - công ty con của Vinhomes (Mã CK: VHM) - đang chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư và Công viên Phước Thiện (Vinhomes Grand Park) tại quận 9 (nay là Tp. Thủ Đức), Tp. HCM cho Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (Masterise Homes). Thương vụ đã nhận được sự chấp thuận của UBND Tp. HCM tại quyết định số 2197/QĐ-UBND ban hành ngày 17/6/2021.

Theo đó, phần dự án chuyển nhượng gồm 2 lô đất có tổng diện tích hơn 7 ha. Trong đó, lô đất B6 có diện tích 37.111 m2; lô đất B7 có diện tích 33.672 m2. Cả 2 lô đất này cùng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/3/2020.

Masterise Homes là thành viên của CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group) - một tập đoàn địa ốc mới nổi trong ít năm trở lại đây, phủ bóng ở một loạt dự án bất động sản tại Hà Nội và Tp. HCM.

Masterise Group tiền thân là CTCP Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) thành lập vào năm 2007, thành danh với sản phẩm đầu tay là dự án Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) và sau đó là các dự án Masteri An Phú (Quận 2), Masteri Millennium (132 Bến Vân Đồn, quận 4), M-One Sài Gòn (quận 7), hay M-One Gia Định (quận Gò Vấp).

Ở Hà Nội, trong 2 năm qua, một số pháp nhân có liên hệ với Masterise đã liên tục mở rộng quỹ đất sạch. Đơn cử, giai đoạn tháng 6/2019 – tháng 8/2019, Công ty TNHH MTV tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO (công ty con của Đầu tư TCO Việt Nam) và Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội đã lần lượt nhận chuyển nhượng hơn 34,6 ha đất thuộc Khu đô thị Gia Lâm (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và 37.525 m2 đất thành phần dự án kể trên từ Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm.

Bên cạnh đó, Đầu tư TCO Việt Nam là chủ dự án Vinhomes Thăng Long. Dự án quy mô 24,2 ha, bao gồm 798 căn biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề& nhà phố thương mại.

Hay kín tiếng hơn, Masterise Group là đơn vị phát triển dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của CTCP Đầu tư Xây dựng số 9 Hà Nội (Hanco 9). Dự án khởi công từ năm 2017 và bắt đầu bàn giao nhà từ quý IV/2019. 

Cũng ít ai biết, dự án Vinhomes Mễ Trì quy mô 320.965 m2 (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) ban đầu thuộc sở hữu của nhóm Masterise Group, cụ thể là thông qua Công ty TNHH Quyền Tinh và các cổ đông liên quan góp vốn vào CTCP Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì. Doanh nghiệp dự án này sau đó được bán lại 100% cho nhóm Vinhomes.

Tháng 11/2019, Thảo Điền Investment đã âm thầm đổi tên thành CTCP Tập đoàn Masterise (Masterise Group) – dịch sang tiếng Việt nôm na là “sự nổi lên của ông chủ” thể hiện rõ nét về tham vọng trỗi dậy của Masterise Group, hay nói chính xác hơn là nhóm chủ của tập đoàn này. Masterise Group cũng nâng vốn điều lệ lên 1.423,5 tỷ đồng.

Sau khi chính thức ra mắt với bộ nhận diện thương hiệu mới, Masterise Group với thương hiệu bất động sản Masterise Homes lên kế hoạch phát triển hàng loạt dự án căn hộ cao cấp tại An Phú quận 2, dự án Masteri Centrel Point tại Vinhomes Grand Park quận 9,….. cùng dự án Masteri Waterfront tại Vinhomes Ocean Park Hà Nội.

Tập đoàn này cũng được cho là nhà đầu tư mua lại dự án tại Ba Son, quận 1, Tp. HCM - từng một thời là dự án của Vinhomes - để triển khai dự án hạng sang Grand Marina Saigon.

Nhà mẫu dự án Grand Marina Saigon

Nhà mẫu dự án Grand Marina Saigon

Hồi đầu năm 2021, Masterise Homes gây bất ngờ khi trở thành đơn vị phát triển của dự án One Central HCM, cao 224 m gồm 2 tòa tháp được kết nối bởi khối đế bán lẻ rộng 58.400 m2 ở khu đất tứ giác Bến Thành. Tòa tháp 55 tầng West Tower bao gồm 37.400 m2 sàn khách sạn Ritz Carlton 250 phòng, 17.800 m2 sàn văn phòng hạng A. Tháp 48 tầng East Tower bao gồm 58.400 m2 sàn chia thành 350 căn hộ hạng sang.

Giai đoạn năm 2016, bộ đôi pháp nhân có liên hệ tới Thảo Điền là CTCP Đầu tư TCO Việt Nam và Techcom Capital đã bỏ không ít công sức với dự án hàng không SkyViet. Và dù chết yểu sau đó khi không nhận được cái gật đầu của cơ quan quản lý, dự án SkyViet đã cho thấy tầm nhìn lẫn tiềm lực đáng gờm của Masterise Group.

Không chỉ bất động sản và hàng không, nhóm Thảo Điền cũng không giấu diếm cuộc chơi năng lượng với việc hợp tác cùng Trung Nam Group thành lập CTCP Thủy điện Trung Nam Bác Ái – nay là CTCP Điện gió Trung Nam Gia Lai – Xã Trang. Công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm cổ đông của Trung Nam Group nắm giữ 50% và nhóm Masteries Group – TCO Việt Nam nắm giữ 50%.

 Việc đổi tên thành Masterise Group, không loại trừ là dấu hiệu cho sự trỗi dậy của một tập đoàn đa ngành. Song song với động thái đổi tên, một loạt doanh nghiệp “họ” Masterise cũng được thành lập dồn dập trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, với cùng một mức vốn điều lệ là 20 tỷ đồng.

Đơn cử, CTCP Đầu tư Masteri thành lập vào tháng 7/2019, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn và giúp đỡ kinh doanh hoặc dịch vụ lập kế hoạch, tổ chức, hoạt động hiệu quả, thông tin quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp lý). Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Đầu tư Thảo Điền (98%), Nguyễn Thanh Bình (1%) và Phan Thị Ánh Tuyết (1%);

Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (kinh doanh chính bất động sản) thành lập tháng 11/2019; Công ty TNHH Phân phối Masterise Retail (bán lẻ khác trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center (tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại) và Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels (dịch vụ lưu trú ngắn ngày) cùng được thành lập vào tháng 2/2020; Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Masterise Property (tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất) thành lập tháng 4/2020;…

Giới chủ lộ diện là những người thân tín của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh

Cập nhật tới tháng 5/2020, Masterise Group đã nâng vốn điều lệ lên mức 1.423,5 tỷ đồng. Dù cơ cấu cổ đông của Masterise Group vẫn còn nhiều bí ẩn, sự phát triển của Masterise Group còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Mối quan hệ khăng khít đến mức không ít đồn đoán Masterise Group là “sân sau” của ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank. Dù chưa chính thức lên tiếng khẳng đinh, nhưng những thân tín của ông Hùng Anh đều là những nhân sự quan trọng tại Masterise Group.

Có thể kể đến như bà Đỗ Tú Anh (sinh năm 1974) – người cập nhật đến tháng 2/2020 vẫn là Chủ tịch HĐQT Masterise Group.

Bà Đỗ Tú Anh

Bà Đỗ Tú Anh

Theo giới thiệu trên website công ty Chứng khoán Kỹ Thương, bà Đỗ Tú Anh là cử nhân Khoa học Chuyên ngành Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, Cử nhân Quản trị Kinh doanh Đại học Columbia Southern. Hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc trong đó có 16 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh bất động sản. Bà đã giữ các vị trị chủ chốt tại các công ty như Tổng giám đốc CTCP Đầu tư INB (Dự án Thảo Điền), Phó tổng giám đốc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác Tài sản AMC khu vực Miền Nam (quản trị danh mục tài sản, phát mãi tài sản với tổng giá trị tài sản lên tới 2000 tỷ đồng), Giám đốc Môi giới đầu tư Miền Bắc, Công ty Tư vấn Bất động Savills Việt Nam, và nhiều chức vụ chủ chốt khác.

Bà hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thảo Điền (Dự án Masteri Thảo Điền), đồng thời là Giám đốc chi nhánh miền Nam, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương.

Ngoài bà Đỗ Tú Anh, không thể không kể đến vợ chồng ông Hồ Anh Ngọc, bà Nguyễn Hương Liên (ông Hồ Anh Ngọc là em trai ông Hồ Hùng Anh).

Ông Hồ Anh Ngọc (sinh năm 1982) từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group trong giai đoạn 2011 – tháng 7/2012. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch HĐQT CTCP One Mount Group. Mới đây, ông Hồ Anh Ngọc cũng trúng cử vào HĐQT ngân hàng Techcombank.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985) từng có vai trò làm "mối nối" thành lập hàng loạt công ty con trong hệ sinh thái Masterise Group, bao gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center, Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty TNHH Môi giới Masterise, Công ty TNHH Dịch vụ và Quản lý Bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH Môi giới Masterise Agents.

Bà Nguyễn Hương Liên (áo đen, đứng thứ 2 từ trái sang phải).

Bà Nguyễn Hương Liên (áo đen, đứng thứ 2 từ trái sang phải).

Cả 6 công ty đều được thành lập vào tháng 2/2020, có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Bà Nguyễn Hương Liên là người đại diện ủy quyền toàn bộ phần vốn góp này, nhưng sau đó đồng loạt chuyển giao lại cho ông Trần Quốc Hoài.

Bản thân bà Liên là cổ đông tại Techcombank, nữ doanh nhân sở hữu gần 70 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 1,99% (31/12/2020) - hiện có giá trị thị trường gần 2.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà cũng nắm trong tay 6,75 triệu cổ phiếu Tập đoàn Masan, tương đương 0,57% (dữ liệu tính đến 31/12/2017).

Ông Trần Quốc Hoài – hiện là Phó Tổng giám đốc Masterise Homes. Ông gia nhập Công ty này từ năm 2010, hiện là thành viên chiến lược trong Ban Điều Hành và giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Pháp chế và Tuân thủ, đồng thời cũng đang là pháp chế bán thời gian tại Techcombank AMC.

Việc các nhóm chủ nhà băng Việt Nam đầu tư bất động sản là chuyện rất… bình thường, song khác với những Hoa Lâm (VietBank), Him Lam (Lienvietpostbank), Việt Phương (VietABank), Sovico (HDBank), Hoàn Cầu (Nam A Bank), Gami (NCB), BRG (SeaBank), Geleximco (ABBank), T&T (SHB)…vốn đầu tư vào ngân hàng sau khi đã có cơ ngơi bất động sản đồ sộ, thì một số ông chủ nhà băng lại quay ra làm địa ốc sau khi đã có chỗ đứng trong giới buôn tiền, chẳng hạn trường hợp nhóm chủ VPBank, OCB, hay sẽ không bất ngờ nếu là cặp đôi Techcombank – Masterise Group.

Phải khẳng định rằng việc các đại gia ngân hàng đầu tư địa ốc cũng là rất bình thường, miễn là họ tuân thủ các quy định về an toàn tín dụng. Vấn đề cần đặt ra với bộ đôi Masterise Group – Techcombank, bởi vậy, có lẽ không phải là “sân trước, sân sau”, mà là sự thượng tôn pháp luật, tuân thủ các quy định về giới hạn cấp tín dụng, với mục đích phát triển lành mạnh cả thị trường địa ốc lẫn ngân hàng.

Mộc Công