Minh Anh

Minh Anh

2020-12-04 14:19:00

Ẩm thực Trà Vinh: Thấy là mê, ăn là nghiền

Trà Vinh là vùng đất của những ngôi chùa Khmer, những lễ hội truyền thống và cả một nền ẩm thực đa sắc màu. Cũng nhờ có sự cộng cư của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer mới tạo nên một văn hóa ẩm thực Trà Vinh phong phú, đa dạng và vô cùng đặc trưng. Ở đó cũng có một loại bánh được kết tinh giữa sự tư duy sáng tạo và sự giao thoa văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây mang đậm chất riêng của vùng đất sông nước Nam bộ.

Bún suông

Bun-suong-la-dac-san-cua-Tra-Vinh

Bún suông (hay bún đuông) là món ăn đặc biệt của Trà Vinh bởi phần chả tôm được tạo hình như những con đuông (loài sâu sống trong thân cây dừa). Sự hấp dẫn của bún suông là nhờ nước lèo có màu nâu đậm của me và tương hạt, tạo vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng. Bún suông Trà Vinh từng được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là một trong những đặc sản của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á.

Dừa sáp Cầu Kè

coconut_png9159

Dừa sáp là đặc sản chỉ có tại huyện Cầu Kè. Không giống dừa của các vùng khác, dừa sáp ít nước nhưng phần cơm rất dày, nước sền sệt màu trắng. Để thưởng thức dừa sáp Cầu Kè, người ta thường bổ đôi, lấy vỏ cứng làm thìa và múc cơm dừa để thưởng thức. Ngoài ra, dừa sáp còn được chế biến thành sinh tố với vị béo, bùi, có tác dụng giải khát rất tốt.

Bánh tét Trà Cuôn

cover-banh-tet

Bánh tét Trà Cuôn của ấp Trà Cuôn (huyện Cầu Ngang), được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm ngon không giống với bánh tét ở các vùng, miền khác. Bánh được làm từ loại nếp ngon, không lẫn nếp tạp. Khi chế biến, người ta đãi sạch, trộn đều với nước cốt rau ngót để tạo màu xanh tự nhiên và hương thơm nhẹ. Phần nhân bánh gồm đậu xanh, thịt heo, lòng đỏ trứng vịt muối... được gói khéo léo, luôn nằm chính giữa. Người làm phải biết giữ đòn bánh và buộc lạt chặt vừa đủ, cách đều nhau để khi nấu nước không thấm vào bánh, giúp bảo quản lâu hơn.

Chù ụ rang me

unnamed (1)

Chù ụ thuộc họ nhà cua, thoạt trông rất dễ nhầm với con ba khía. Chù ụ thường sống ở các bãi bồi nước lợ và xuất hiện nhiều nhất ở vùng biển Ba Động (huyện Duyên Hải). Để chế biến, người ta làm sạch chù ụ, cho vào chảo dầu chiên giòn, sau đó đập dập hành, tỏi cho vào và rưới đều nước cốt me sao cho vị chua - ngọt hòa trộn vào nhau. Thịt chù ụ chắc, vỏ giòn, nhiều canxi. Vì thế, đây là món ăn bổ dưỡng và là đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh.

Bún nước lèo (món ăn truyền thống Khmer)

hoan-thanh-11

Bún dai ngon, nước lèo trong mà vị vô cùng đậm đà, chả giò giòn tan, huyết mềm mịn, thịt heo (lợn) quay thơm béo, rau các loại, ớt hiểm cay nồng, tất cả hòa quyện cùng nhau tạo ra cái hương riêng của dân tộc Khmer ở miền Tây Nam bộ. Một tô bún nước lèo dân dã ngon từ sợi bún làm từ loại gạo lúa mùa dai và ngọt, rau ghém phải có giá đỗ sống, bắp chuối (để cả vỏ đỏ bên ngoài) và hẹ hương (những cọng nhỏ nhưng giòn và ngọt nồng).

Các loại rau ghém sạch này đặc biệt đều được trồng theo phương pháp truyền thống, tuyệt nhiên không bón phân hóa học. Nước lèo chan bún được nấu bằng mắm bò hóc (prohoc), tạo ra vị mặn nồng nàn, thơm lựng mũi cho người ăn. Một tô nước lèo có thịt cá lóc rỉa, thịt heo quay vàng ruộm, bánh giá nóng giòn, vài miếng huyết heo tưởng đơn giản nhưng nếu bạn đã ăn một tô thì sẽ còn muốn ăn thêm để thưởng thức hương vị đã thấm vào từng sợi bún hòa tan trong nước lèo thơm ngon.

Cháo cá khoai

canhcachao_uacf

Cá khoai là loài sống chủ yếu vùng nước mặn, nước lợ ở cửa sông, thường bơi thành từng đàn. Loại cá này có mình tròn, thon dài giống như củ khoai lang, đặc biệt không có vẩy, riêng phần lưng và đuôi thì có màu xanh đen, miệng rộng, thịt trắng trong, xương mềm và trong suốt.

Mùa cá khoai thường bắt đầu từ tháng chạp của năm này kéo dài đến hết tháng tư, tháng năm âm lịch của năm sau. Vào những ngày sương mù cũng là thời điểm cá khoai xuất hiện đông đúc nhất. Để có được một nồi cháo cá khoai ngon thì công đoạn chọn được cá tươi, mang đỏ, toàn thân trong suốt, vây ánh hồng tự nhiên rất quan trọng. Nếu là cá khoai vây đen, bụng to, thịt xỉn đục tức là cá đã bị ươn hoặc được tẩm chất bảo quản nên khi ăn sẽ không ngon.

Cháo cá khoai ăn mát, bổ, lành tính, giải nhiệt, nhuận tràng. Khi ăn từng miếng cháo sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, mặn mòi của biển, thơm nồng của hành và tiêu, vị cay của ớt…được hòa quyện vào nhau để trở thành món ăn đậm đà của vùng biển Trà Vinh đặc trưng này.

Nước mắm rươi Trà Vinh

Cach-lam-nuoc-nam-ruoi-1

Rươi là loài sống dưới mặt đất ở các vùng nước mặn,ngập mặn,dọc theo sông rạch hay các khu bãi bồi ven biển. Con rươi nhỏ chừng cây diêm quẹt, thân mềm nhũn.Khi còn sống, chúng mang màu máu tươi và trong suốt. Hàng năm, rươi thường thoát khỏi nơi cư trú vào mùa gió chướng, khi nước dâng cao ngập cả bờ (khoảng từ tháng 11 hay cuối tháng chạp âm lịch là lúc nước dâng cao đến đỉnh điểm). Khi đó, chúng thường quyện vào nhau, trôi từng dòng dày đặc trên mặt nước, dọc theo những con sông, rạch miền biển. Người dân nơi đây chỉ cần dùng vợt bọc bằng vải mùng là đã có thể hứng hay vớt rươi.

Rươi sinh sản trong tự nhiên nên không cần mất công nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi chế biến rươi thành nước mắm thì lại trở thành thứ nước mắm có giá trị thơm ngon vào hàng bậc nhất, một loại nước mắm cao cấp, cung cấp nhiều đạm bổ dưỡng và hấp dẫn. Để chế biến mắm rươi, cần tuân thủ theo công thức của ngư dân địa phương.

Chuyện xưa kể rằng trong thời gian bôn tẩu tới vùng đất này, chúa Nguyễn Ánh được người dân địa phương dâng lên món nước mắm đặc sản này và được Chúa khen ngợi. Từ đó, nước mắm rươi còn được gọi bằng cái tên là “nước mắm ngự”.