largeer

Mai Anh

Mai Anh

2022-03-21 16:00:00

3 ngân hàng kiện công ty thuộc PVN đòi nợ 1.371 tỉ đồng

PVCombank, OceanBank và Vietcombank đã gửi đơn kiện lên tòa án đòi khoản nợ gốc và lãi vay 1.371 tỉ đồng đối với một công ty là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), liên quan đến nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất.

Công ty Kiểm toán Deloitte vừa có ý kiến đáng chú ý đối với Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). BSR là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn UPCOM kể từ ngày 1.3.2018.

BSR có 2 công ty con gồm: Công ty CP Nhà và thương mại dầu khí và Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF).

Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất tại Quãng Ngãi vẫn đang phải dừng hoạt động vì thua lỗ. Ảnh CHÍ HIẾU

Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất tại Quãng Ngãi vẫn đang phải dừng hoạt động vì thua lỗ. Ảnh CHÍ HIẾU

Năm 2009, PVN giao cho BSR và BSR giao cho BSR-BF làm chủ đầu tư Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 9.2009, công suất thiết kế 100 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD (gần 1.900 tỉ đồng). Tháng 3.2012, nhà máy cho ra đời dòng sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, kể từ tháng 4 năm 2015, nhà máy tạm dừng hoạt động do sản phẩm làm ra bán quá chậm, chi phí sản xuất lại tăng dẫn đến thua lỗ.

Dự án này cũng nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương. Theo báo cáo tài tài chính năm 2021 của BSR, hiện BSR nắm giữ 65,54% vốn của BSR-BF, công ty này thực hiện dự án Bio-Ethanol Dung Quất nhưng hiện đã tạm dừng hoạt động sản xuất.

Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tại ngày 31.12.2021, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.330 tỉ đồng, lỗ lũy kế của BSR-BF là 1.243 tỉ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 926 tỉ đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Trong khi đó, báo cáo kiểm toán của Deloitte đặc biệt nhấn mạnh khoản vay của nhà máy này liên quan tới 3 ngân hàng. Cụ thể, trong năm 2021, 3 ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF gồm: Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã gửi đơn kiện lên TAND TP.Quảng Ngãi. Vụ việc có liên quan đến khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Ethanol Dung Quất với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay là khoảng 1.371 tỉ đồng. Tại ngày 31.12.2021, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho các khoản vay trên là khoảng 1.217 tỉ đồng.

Đến ngày lập báo cáo này, TAND TP.Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử khởi kiện trên.

Trước đó, ngày 30.3.2010, OceanBank ký hợp đồng làm đầu mối thu xếp vốn cho dự án Ethanol Dung Quất. Tổng trị giá hợp đồng hơn 45,5 triệu USD và 70,5 tỉ đồng. PVCombank Đà Nẵng và Vietcombank Dung Quất là các đơn vị đồng tài trợ.

Về PVcomBank, ngân hàng này được thành lập ngày 16.9.2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank). Đối với OceanBank, năm 2015, sau vụ việc liên quan tới ông Hà Văn Thắm, Ngân hàng Nhà nước đã công bố các quyết định mua lại với giá 0 đồng và chuyển đổi mô hình hoạt động của OceanBank thành Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương.

Về BSR, báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, đà tăng phi mã của giá dầu giúp công ty đạt doanh thu 101.114 tỉ đồng, tăng gần 75% (năm ngoái doanh thu đạt 57.959 tỉ đồng), lợi nhuận trước thuế năm ngoái lỗ 2.858 tỉ đồng, năm nay lãi 6.683 tỉ đồng.

Theo Thanh Niên