largeer

An Nhiên

An Nhiên

2021-11-08 17:51:00

Sen hồng tỏa hương nhờ OCOP, người dân "thủ phủ đất sen hồng" ăn nên làm ra

Đồng Tháp được mệnh danh là “với hơn 850 ha sen và được phát triển nhiều ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông… Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội để chắp cánh cho các sản phẩm sản xuất từ sen của các HTX ở Đồng Tháp vươn xa, góp phần đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm.

Đưa sản phẩm tham gia OCOP

Nắm bắt được thế mạnh địa phương, một số HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, với sự trợ lực từ chương trình OCOP, các HTX đã khẳng định được giá trị sản phẩm trên thị trường, đưa sản phẩm đặc trưng đến gần hơn với người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tiêu biểu như HTX Sen Việt (TP. Cao Lãnh) đã giúp thành viên và người dân nâng giá trị kinh tế cây sen. Theo Ban giám đốc HTX, tiềm năng từ cây sen là rất lớn nhưng cần được khai thác bền vững thì mới mang lại hiệu quả cao.

Để sản phẩm của HTX được thị trường chấp nhận, HTX liên kết, hướng dẫn kỹ thuật canh tác sen bền vững cho bà con nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, HTX còn mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc chuyên dụng phục vụ chế biến sen thành các sản phẩm như trà sen túi lọc, trà tâm sen, sữa sen, hạt sen sấy… Tất cả quy trình sản xuất được thực hiện khép kín, bảo đảm không có chất cấm và luôn an toàn vệ sinh thực phẩm.

67

Khi HTX Sen Việt đi vào hoạt động cũng là lúc tỉnh Đồng Tháp phát triển mạnh mẽ chương trình OCOP. Nhận thấy đây là chương trình kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương, HTX mạnh dạn đăng ký hồ sơ tham gia.

Với sự đầu tư về mẫu mã, bảo đảm từ hồ sơ đến chất lượng, 3 sản phẩm của HTX là “trà tâm sen Tâm An”, “trà lá sen Thanh An” và sản phẩm bột sữa sen của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.Theo Ban giám đốc HTX, việc tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để các sản phẩm của HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thiện chuỗi giá trị sen từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để đạt được chứng nhận OCOP, sản phẩm của HTX phải vượt qua nhiều lần thẩm định, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Và khi đạt được chứng nhận, sản phẩm của HTX đã tạo được niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng mua bán, cung cấp sản phẩm với các doanh nghiệp, siêu thị. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX Sen Việt còn có mặt trên các trang thương mại điện tử như: Lazada, Sendo, Shopee... Mỗi tháng, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 sản phẩm các loại.

Không chỉ HTX Sen Việt, HTX dịch vụ Sen Gò Tháp (huyện Tháp Mười) cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch từ sen, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm tươi. HTX cũng đầu tư chế biến các sản phẩm từ sen như: sen sấy, nước uống từ sen, rượu sen, sen đông lạnh, sữa sen… nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Để đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP, HTX đã thuê tư vấn nhờ thiết kế logo, đăng ký ngành hàng bảo hộ sản phẩm như: sen sấy qua chế biến, nước uống từ sen, rượu sen. Đến nay, sản phẩm sen sấy, nước uống từ sen của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và có mặt tại hệ thống siêu thị ở trong và ngoài tỉnh.

21

Trợ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Có thể thấy, các HTX như HTX Sen Việt và HTX Sen Gò Tháp đã góp phần đưa cây sen và các sản phẩm từ sen của tỉnh Đồng Tháp lên một tầm cao mới. Người dân và thành viên HTX đã bước đầu có thêm nguồn thu nhập từ cây sen.

Việc các HTX đưa sản phẩm từ sen tham gia chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh từ cây sen gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hoá truyền thống của địa phương.

Tuy nhiên, các HTX vốn có quy mô sản xuất nhỏ, chương trình OCOP mới được triển khai hơn 2 năm nên các sản phẩm từ sen do các HTX sản xuất chưa đa dạng, bao bì, nhãn mác, bảo quản sản phẩm từ sen còn đơn giản.

Ông Lê Hoài Đông, Giám đốc HTX Sen Việt chia sẻ khi bắt tay vào chế biến, HTX mới nhận thấy, sen nguyên liệu do nông dân cung ứng thường tập trung theo mùa nên việc chế biến thường bị ngắt quãng, khó đáp ứng được nhu cầu thu mua của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc khai thác ngành hàng sen phục vụ cho phát triển du lịch còn nhiều vấn đề nan giải vì người dân, HTX cần đầu tư theo hướng chuyên nghiệp.Trước những khó khăn của các HTX cũng như của các chủ thể tham gia chương trình OCOP, mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Dự án mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP - sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười. Tổng vốn thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025 là 97,965 tỷ đồng.

Khi dự án này đi vào thực hiện sẽ tạo điều kiện cho người dân, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm ngành hàng sen. Đây là điều cần thiết để người dân, HTX có thể tham gia chương trình OCOP, hoặc nâng sao cho các sản phẩm.

Là một trong những đơn vị tận dụng lợi thế từ cây sen để nâng cao thu nhập cho thành viên, ông Nguyễn Văn Tròn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kiều (huyện Tháp Mười) cho biết, trước đây, HTX mới chỉ tập trung hỗ trợ người dân tiêu thụ sen tươi. Khi dự án mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP đi vào thực tiễn, HTX sẽ phát triển các sản phẩm từ sen kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực sen với xây dựng hình ảnh đặc trưng của Tháp Mười gắn với biểu tượng sen, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với vùng sen Tháp Mười.

Theo Vnbusiness